Người thương binh ham làm từ thiện

Bài, ảnh: ÐÀO PHƯƠNG

Thứ Hai, 02/12/2013 18:46
Dù mang trong mình vết thương chiến tranh, nhưng với ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên, nhiều thương binh đã đóng góp công sức làm giàu cho quê hương, đất nước, là tấm gương sáng cho các thế hệ con, cháu noi theo. Một trong những tấm gương đó, là cựu chiến binh Nguyễn Tiến Chức (trong ảnh), Tổng giám đốc Công ty xây dựng Ðồng Tiến, xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
Người thương binh ham làm từ thiện

Trên đường hỏi thăm về Tổng công ty Xây dựng Ðồng Tiến, chúng tôi được biết người dân huyện Thanh Liêm thường gọi ông Tổng giám đốc bằng cái tên trìu mến "ông Chức từ thiện".

Trong câu chuyện với ông, tôi nhận thấy phẩm chất của người lính đã ngấm sâu trong con người ông tạo thành cá tính. Từ năm 2002, sau khi ông nghỉ chế độ về quê, thấy quê mình còn nghèo khó, nhiều con, em của đồng đội còn chưa có việc làm, đời sống khó khăn. Sau nhiều đêm trăn trở, ông quyết định bắt tay vào việc thành lập công ty xây dựng Ðồng Tiến trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.

Trong những ngày đầu thành lập, công ty cũng gặp không ít khó khăn. Song bản lĩnh của người lính Cụ Hồ năm xưa đã giúp ông có được sự tự tin, quyết đoán nhạy bén với cơ chế thị trường. Ðiều đó đã giúp ông vững vàng chèo lái công ty vượt qua những khó khăn, thách thức, tạo được lòng tin với khách hàng và việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động.

Ðến nay, Công ty Ðồng Tiến đã mở rộng thêm được bốn công ty con và trở thành Tổng công ty. Tuy thời gian thành lập chưa dài, nhưng Tổng công ty Ðồng Tiến do ông Chức làm Tổng giám đốc kiêm Bí thư Ðảng ủy đã từng bước khẳng định được uy tín và thương hiệu trên thị trường xây dựng. Nhưng điều mà ông luôn trăn trở là làm sao vừa nâng cao chất lượng công trình, đồng thời nâng mức thu nhập của người lao động để họ yên tâm gắn bó với công ty.

Gợi hỏi về những việc từ thiện, ông tâm sự: Ở xã miền núi Thanh Nghị (Thanh Liêm) quê ông, bà con thường sống bằng nghề đi rừng và làm ruộng, thiếu thốn đủ bề. Khi dòng sông Ðáy còn trong xanh người dân hai bên sông có thói quen lấy nước sông về sinh hoạt. Nhiều năm nay, nước sông ô nhiễm, người dân gặp rất nhiều khó khăn. Ông Chức luôn trăn trở phải làm cái gì đó, Tổng công ty của ông đã làm chủ đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch ngay tại xã Thanh Nghị có công suất hàng nghìn m3 cung cấp nước sạch cho cả vùng với tổng mức đầu tư hơn 50 tỷ đồng.

Trong phong trào khuyến học của địa phương, ông luôn là thành viên tích cực, tên ông luôn xuất hiện trong danh sách những nhà tài trợ. Ông tâm niệm nếu làm tốt xã hội hóa công tác khuyến học, khuyến tài thì cũng gián tiếp góp phần xóa đói, giảm nghèo. Nên năm nào ông cũng ưu tiên dành một khoản tiền nhất định ủng hộ phong trào khuyến học. Dù bận mấy, ông luôn cố gắng thu xếp công việc, tiết kiệm chi tiêu để có điều kiện làm việc thiện, việc nghĩa. Chỉ nghe thấy thông tin ở đâu có gia đình nào gặp khó khăn, ông lại tìm đến để tìm hiểu xem họ cần giúp đỡ những gì. Nếu ốm đau thì giúp đỡ đi bệnh viện, chưa có công việc thì tạo điều kiện để nhận vào làm các công việc phù hợp ở công ty, còn với những người già cả, hết tuổi lao động thì nhận giúp đỡ thường xuyên...

Trong lúc thị trường xây dựng còn gặp khó khăn, nếu như nhiều doanh nghiệp khác có sự chọn lọc các công trình đầu tư để có thể sinh lời cao, thì với công ty của ông lại nhận những việc nhiều ý nghĩa tinh thần, đó là tôn tạo, xây dựng mới các nghĩa trang liệt sĩ, cốt để được tri ân. Mỗi nghĩa trang được khánh thành ông cảm thấy lòng mình thanh thản. Bao nhiêu lời lãi của riêng phần Tổng giám đốc đều được ông tự nguyện trích lại, khi thì mua chiếc lư hương để cúng tiến, khi thì dành những suất quà tặng các gia đình liệt sĩ.

Trong cuộc sống, gia đình ông sống thật giản dị. Hằng tháng, ngoài chế độ lương của chức danh Tổng giám đốc, ông còn có chế độ thương bệnh binh hạng 1/4 của Nhà nước và cả chế độ người phục vụ là bảy triệu đồng/tháng.

Ông bảo "bấy nhiêu là đủ lắm rồi, giờ là lúc ông có điều kiện để giúp đỡ những người nghèo, người không may mắn", đó là làm theo Bác Hồ thiết thực nhất. Các con ông cũng đã phương trưởng cả rồi nhưng ông luôn giáo dục con, cháu trong gia đình phải biết yêu lao động, biết hy sinh và cống hiến. Trong phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới ông cũng là thành viên tích cực, trích hàng trăm triệu đồng và hàng chục mét khối đá ủng hộ xã Thanh Nguyên nơi ông đang sinh sống làm đường giao thông nông thôn.

Năm nay, ông Nguyễn Tiến Chức đã 74 tuổi đời, tuổi nghỉ ngơi vui vầy cùng con cháu. Song nhiệt huyết của người lính "Bộ đội Cụ Hồ" vẫn còn nguyên vẹn trong ông, hằng ngày ông vẫn giữ vững phong độ của một Bí thư Ðảng ủy, Tổng giám đốc công ty để làm chỗ dựa vững chắc cho các công ty con. Thành quả lao động đã đem lại niềm vui cho ông, sự no ấm cho nhiều lao động có việc làm và những đóng góp thiết thực cho xã hội. Tổng công ty của ông đã dành 1,5 tỷ đồng cho công tác từ thiện ở địa phương.

"Việc nhỏ, nghĩa lớn", những việc làm của người Tổng giám đốc thương binh ấy được đồng đội cảm phục, bà con quý mến. Mới đây, ông là đại biểu duy nhất của tỉnh Hà Nam tham dự hội nghị Doanh nhân cựu chiến binh tiêu biểu tại Thủ đô Hà Nội.

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.