Người thương binh nhiệt huyết làm từ thiện

Bài và ảnh: Nguyễn Phong

Thứ Ba, 29/10/2019 03:44
Sau nhiều năm nhiệt huyết với công việc từ thiện, mới đây ông Phùng Minh Út, cựu chiến binh ở xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ xuyên (Sóc Trăng) vinh dự được tham gia chương trình giao lưu toàn quốc các điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019 và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen…
Ông Út (bên phải) và các thành viên đến thăm một gia đình chính sách vừa được hỗ trợ xây nhà tình nghĩa.
Ông Út (bên phải) và các thành viên đến thăm một gia đình chính sách vừa được hỗ trợ xây nhà tình nghĩa.

Đã thành thông lệ, cứ đến Ngày giỗ Bác hằng năm, bà con trong ấp An Hòa, xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên, tề tựu về căn nhà của ông Phùng Minh Út, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, nơi tổ chức một buổi lễ đơn sơ nhưng trang nghiêm và ấm tình lối xóm. Các em nhỏ, thiếu niên được ông Út và các cán bộ cách mạng lão thành kể chuyện về Bác Hồ, về truyền thống cách mạng ở địa phương. Năm nay, phần lễ còn có nội dung báo cáo của ông Út về chuyến đi viếng Lăng Bác và được tham dự chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Xuất thân từ gia đình truyền thống cách mạng tại ấp An Hòa, Minh Út đi bộ đội từ năm 1972. Khi đất nước thống nhất, ông Út công tác ở Quân khu 9, rồi sang làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Cam-pu-chia, sau đó công tác ở quê nhà cho đến khi về hưu. Những năm tháng sống ở quê nhà, ông Út rất vui mừng trước sự đổi thay tích cực bộ mặt nông thôn mới của xã Gia Hòa 2. “Đảng và Nhà nước lo cho dân, đầu tư kết cấu hạ tầng để cuộc sống người dân vùng nông thôn đủ đầy. Vì vậy, con đường đi tới là người dân phải phấn đấu làm giàu, góp phần xây dựng quê hương ngày càng hiện đại, văn minh”, ông Út chia sẻ.

Tuy sức khỏe kém vì nhiễm chất độc hóa học và được công nhận là thương binh 4/4, nhưng với ý chí và nghị lực người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, ông Út đã cùng gia đình khai phá 2 ha đất, rồi tích cực tham gia các chương trình tập huấn kỹ thuật canh tác tiên tiến do địa phương tổ chức. Đến nay, ông Út đã thành công với mô hình tôm-lúa, phát triển trồng trọt và cung cấp con giống cho các hộ nuôi tôm. Việc sản xuất, kinh doanh có năm được, năm thất, nhưng gia đình ông luôn chi dùng tiết kiệm, dành dụm vốn để tái sản xuất. Ông còn nhiệt tình “chuyển giao” kỹ thuật cho nông dân trong xã. Hằng năm, ông Út trích lợi nhuận từ nuôi tôm, trồng trọt để làm công tác xã hội. Ông Út cho biết đây là cách để ông góp phần nhỏ bé của mình cho những gia đình liệt sĩ, đồng chí, đồng đội năm xưa hiện là thương binh, bệnh binh còn nghèo khó...

Ông Út vẫn nhớ thời gian đi bộ đội, ông và đồng đội được nhân dân đùm bọc, nuôi dưỡng, che chở như con trong gia đình. Nay trở về đời thường, ông phải có trách nhiệm báo đáp công ơn đó.

Xác định việc từ thiện, nhân đạo có vai trò quan trọng trong hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình chính sách, đối tượng yếu thế trong xã hội vơi bớt khó khăn, thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng, ông Út đã vận động lập Hội từ thiện Cựu chiến binh để tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân tham gia các hoạt động của hội.

Cơ duyên khiến ông Út chú tâm làm từ thiện xuất phát từ các cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại địa phương. “Lúc nào Bác cũng nghĩ, thương và chăm lo cho người nghèo khó. Bác luôn dạy chúng ta phải thương yêu, giúp đỡ người khó khăn với tinh thần lá lành đùm lá rách. Xuất phát từ bài học đạo đức của Bác, cho nên tôi xin đi làm từ thiện. Lúc đó còn công tác ở Hội Cựu chiến binh của xã, tôi đề nghị với Đảng ủy, UBND xã cho phép thành lập hội từ thiện để giúp đỡ dân nghèo”, ông Út kể.

Đến nay, hội từ thiện của xã do ông Út làm Hội trưởng đã vận động đóng góp công sức, tiền của xây 32 nhà tình nghĩa, nhà đồng đội cho các đối tượng chính sách có nhu cầu bức xúc về nhà ở trị giá gần 1,3 tỷ đồng. Năm 2016, hội đã hỗ trợ gần ba tấn gạo phát cho 28 gia đình chính sách và hộ nghèo trong ấp, mỗi hộ từ 50 kg đến 100 kg. Năm 2017, hội vận động hơn 4,1 tấn gạo, 100 phần quà trị giá 75 triệu đồng giúp 142 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn không nơi nương tựa. Năm 2018, hội cũng vận động hơn 4 tấn gạo, 145 kg đường, 100 bao xi-măng trị giá 127 triệu đồng, giúp cho 162 gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Từ đầu năm 2019 đến nay, hội đã vận động được 2,3 tấn gạo, quà cho 133 hộ có hoàn cảnh khó khăn. Những hạt gạo nghĩa tình được trao cho người nghèo trong thời điểm giáp hạt càng thêm ý nghĩa. Bản thân ông Út cùng các cựu chiến binh còn vận động xây dựng các cầu bê-tông tại ấp An Hòa trị giá hơn 100 triệu đồng; cầu bê-tông bắc ngang kênh Giải phóng, thuộc ấp Tân Hòa trị giá hơn 60 triệu đồng và xây tuyến lộ dài 800 m tại ấp Tân Hòa.

Vợ chồng ông Út có bốn người con, đều đã lập gia đình và cuộc sống ổn định. Mỗi khi có dư gạo, các con ông Út đều đóng góp vào quỹ dự trữ của hội. Vợ ông bệnh nặng, nằm một chỗ nhưng vẫn khuyên ông nên dành thời gian làm việc thiện, vì bà đã có các con lo. Cách đây không lâu, ông Út bị tai biến nhưng may chữa khỏi, giờ một cánh tay hơi yếu nhưng ông vẫn không bỏ việc thiện.

Ông Út bộc bạch: Để công tác nhân đạo từ thiện lan tỏa sâu rộng trong toàn dân, thời gian tới, tôi sẽ cố gắng, nỗ lực tiếp tục tuyên truyền; thực hiện phong trào tương thân tương ái; phối hợp các ban, ngành, đoàn thể và tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, mở rộng và đa dạng các hoạt động nhân đạo để giúp được nhiều người nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, người tàn tật và nạn nhân chất độc da cam.

Bí thư Đảng ủy xã Gia Hòa 2 Trần Ngọc Diệp nhận xét: “Việc làm của ông Út làm cho nhân dân thêm đoàn kết, tương trợ nhau, tình làng nghĩa xóm càng lan tỏa trong cộng đồng dân cư”.

Tin liên quan

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là do bản lĩnh chính trị thiếu kiên định, thiếu vững vàng. Do đó, để cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiệu quả, cần tăng cường giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng chiến tranh nhân dân là một bộ phận trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại.
Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày 15/5/2007, tại Hà Nội, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp Viện Khoa học Xã hội nhân văn Quân sự (Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội thảo khoa học: "Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam", nhân kỷ niệm 50 năm bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lớp chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp, Bộ Quốc phòng về xây dựng Quân đội từng bước tiến lên chính quy và hiện đại (5/1957 - 5/2007) và kỷ niệm 117 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.