Anh Lê Thanh Hùng sinh ra và lớn lên ở ấp 5, xã Gáo Giồng, địa phương vùng sâu, vùng xa của huyện Cao Lãnh (Ðồng Tháp). Năm 1985, anh làm đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường Cam-pu-chia. Năm 1986, anh bị thương, hai chân bị giập nát, bác sĩ phải cắt bỏ. Anh kể, về Ðoàn an dưỡng, tôi được các y, bác sĩ quan tâm chữa trị, được điều dưỡng viên Ðào Thúy Vân động viên, an ủi và tận tình chăm sóc. Rồi tình yêu giữa tôi và Vân nảy nở, chúng tôi nên vợ chồng.
Tháng 12/1986, anh Lê Thanh Hùng nhận quyết định xuất ngũ về quê, cùng với giấy chứng nhận thương binh hạng 1/4. Tuy thuộc đối tượng được hưởng chế độ chăm sóc tại trung tâm điều dưỡng của tỉnh, nhưng anh quyết định xin về quê. "Về quê được sống cùng gia đình và bà con xóm ấp, vợ chồng tự chăm chút cuộc sống gia đình, sẽ ấm cúng hơn nhiều..."- anh Hùng bộc bạch. Trở về quê hương, ba năm đầu vợ chồng anh sống cùng chín anh chị em ruột trong căn nhà lá xiêu vẹo. Ngày nắng thì đêm nằm nhìn thấy sao trời. Ngày mưa, nhà dột, phải dùng chậu hứng nước... Dẫu được chính quyền xã quan tâm cấp cho gia đình anh một ha ruộng, nhưng do đất bị nhiễm phèn nặng, đến mùa thu hoạch chẳng được là bao, cho nên cuộc sống gia đình vẫn trong vòng luẩn quẩn đói nghèo. Ðến năm 1988, anh chị sinh cháu gái đầu lòng, ba năm sau sinh thêm cháu trai, cuộc sống thêm khó khăn.
Năm 1991, được địa phương xây tặng ngôi nhà tình nghĩa, vợ chồng anh Hùng chuyển ra ở riêng. Ðể giúp người thân trong công việc hằng ngày, cả năm trời anh Hùng tập đi bằng đôi tay, tự làm những việc sinh hoạt cá nhân; tập bơi xuồng, nấu cơm, chẻ củi, dọn nhà, giặt đồ... khi vợ anh bận việc đồng áng hoặc vắng nhà. Giọng trầm xuống, anh Hùng nhớ lại: "Có lần tập bơi xuồng, gặp trời mưa to gió lớn, xuồng lật úp, vùng vẫy mãi tôi mới bơi được vào bờ. Những hôm trái gió trở trời, toàn thân đau nhức".
Song với bản lĩnh, ý chí và nghị lực của người lính, khắc ghi lời Bác Hồ dạy: "Thương binh tàn nhưng không phế", "Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền...", đã tiếp thêm cho anh nghị lực. Hằng ngày, thương binh Lê Thanh Hùng bơi thuyền đi giăng câu, thả lưới bắt cá, bắt ốc... để bán. Còn vợ anh ở nhà tần tảo sớm hôm nuôi lợn, chăm sóc đồng ruộng. Khi chăn nuôi, trồng lúa thuận lợi, vợ chồng anh chi tiêu tiết kiệm, dành tiền mua thêm 1,2 ha đất và cất lại nhà ở. Năm 1994, anh chuyển nhượng một ha đất địa phương cấp, rồi mua lại một ha đất khác gần nhà để tiện làm lúa hai vụ. Ðến năm 1998, làm ruộng lợi nhuận thấp, anh chuyển một ha đất sang đào ao thả cá, trên bờ trồng cây ăn trái như: xoài, mít... Thời gian đầu nuôi cá trắng lợi nhuận không cao, anh chuyển sang nuôi cá lóc, được lãi 56 triệu đồng/năm. Khi giá cả "đầu ra" không ổn định, anh Hùng lại chuyển sang nuôi cá tra bột, bình quân lãi 60 triệu đồng/năm. Nhờ tiết kiệm tiền từ trồng lúa và nuôi cá, vợ chồng anh mua thêm hai ha đất để phát triển kinh tế gia đình. Từ năm 2008, gia đình anh phát triển sản xuất theo mô hình "vườn, ao, chuồng" (VAC): trên bờ trồng cây ăn trái, dưới ao nuôi cá trê, trên mặt ao làm chuồng nuôi gà công nghiệp, thu lợi 76 triệu đồng/năm. Năm 2010, Hội cựu chiến binh phối hợp các ban, ngành địa phương triển khai dự án nuôi tôm càng xanh trên ao ruộng. Học tập kinh nghiệm từ ông Sáu Thạnh, ở ấp 2, là người cùng xã nuôi loại tôm này, với bốn ha, ông Thạnh thu lợi khoảng 250 đến 300 triệu đồng/năm, anh Hùng bàn với vợ chuyển sang nuôi 80 nghìn con tôm càng xanh. Vụ đầu thu hoạch tôm, gia đình anh thu 135 triệu đồng, trừ chi phí, lợi hơn 70 triệu đồng. Hiện nay, gia đình anh tiếp tục thả nuôi 100 nghìn con tôm càng xanh...
Từ phát triển kinh tế theo mô hình VAC, mỗi năm gia đình anh Lê Thanh Hùng thu lợi gần 200 triệu đồng. Do cần cù chịu khó làm ăn, đến nay gia đình anh tích lũy được tài sản hơn hai tỷ đồng; cuộc sống gia đình khá giả, hạnh phúc, con gái lớn đã lập gia đình, cậu con trai út đang là học sinh phổ thông... Bên cạnh đó, gia đình anh Hùng còn gương mẫu tham gia các phong trào, hoạt động, đóng góp nguồn quỹ ở địa phương như: Quỹ xây nhà đồng đội, khuyến học, an ninh quốc phòng...; giúp đỡ đồng chí, đồng đội trong chi hội cựu chiến binh của ấp với số tiền gần 30 triệu đồng không tính lãi; hướng dẫn các cựu chiến binh và bà con trong ấp kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi, trồng cây ăn quả, giúp đỡ cây, con giống phát triển kinh tế gia đình...Anh Hùng tâm sự: "Quê hương còn nghèo, nên mình muốn góp phần nhỏ bé để đồng đội và bà con vơi đi bớt khó khăn. Sống ở đời mỗi người rất cần có một tấm lòng...". Nghị lực vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi, cùng tấm lòng thơm thảo của cựu chiến binh, thương binh nặng Lê Thanh Hùng được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao, được Hội cựu chiến binh các cấp biểu dương, khen thưởng.