Người trở về và tấm bia đồng đội

Bài, ảnh: BÙI VŨ MINH

Thứ Sáu, 04/10/2013 20:25
Cách đây 45 năm, một trận đánh bi tráng đã diễn ra vào ngày 16-10-1968 tại Cao điểm 21 xã Gio Mỹ (Gio Linh, Quảng Trị) làm 32 cán bộ, chiến sĩ Trung đội 6 (Ðại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 270, Ðặc khu Vĩnh Linh) và phân đội hỏa lực tăng cường anh dũng hy sinh, chỉ còn một người duy nhất trở về sau trận đánh, đó là thương binh Hoàng Ngọc Bích, chiến sĩ liên lạc Ðại đội 2.
Cựu chiến binh Hoàng Ngọc Bích thắp hương tại khu tưởng niệm 32 liệt sĩ trong ngày khánh thành.
Cựu chiến binh Hoàng Ngọc Bích thắp hương tại khu tưởng niệm 32 liệt sĩ trong ngày khánh thành.

Chúng tôi tìm gặp cựu chiến binh Hoàng Ngọc Bích, nguyên giảng viên Khoa Kinh tế Trường đại học Nông nghiệp I, tại nhà riêng của ông ở phố Thái Thịnh (Hà Nội) và đem theo câu hỏi của lớp hậu sinh: "Vì sao chú lại có được sự may mắn trong thời khắc sinh tử ấy?". Cựu chiến binh Hoàng Ngọc Bích tếu táo đùa: "Chả hiểu sao nhưng có lẽ các đồng đội đã "giao nhiệm vụ" cho chú trở về để kể lại trận đánh bi tráng ấy".

Người duy nhất trở về

45 năm trước, ông Bích mới 19 tuổi và vừa nhập ngũ được hơn ba tháng. Nhận nhiệm vụ trên giao là giữ bằng được Cao điểm 21, trận đánh ngày 16-10-1968 giữa ta và địch đã diễn ra ác liệt. 33 cán bộ, chiến sĩ đã kiên cường chống chọi với chiến đoàn xe tăng đối phương, bắn cháy năm xe tăng, tiêu diệt nhiều tên địch và chiến đấu đến viên đạn cuối cùng trước khi hy sinh.

Sáng sớm hôm sau, Trung đoàn cử người vào trận địa với hy vọng mong manh tìm được ai đó còn sống. Tới nơi, họ đã phát hiện một thi thể vẫn còn hơi ấm. "Ðồng đội kể rằng, khi moi lên từ chân hầm, trên người tôi không còn một mảnh vải. Có chuyện đó là vì trong lúc làm liên lạc cho Chính trị viên phó Nguyễn Hữu Cánh, khi trườn, bò trên cát để chuyển mệnh lệnh tới các trung đội, tôi đã phải cởi bỏ hết áo quần để thân mình lẫn vào cát trắng, tránh không để địch phát hiện", cựu chiến binh Hoàng Ngọc Bích nhớ lại.

Xuất ngũ, thương binh Hoàng Ngọc Bích trở về học tập tại giảng đường Ðại học Nông nghiệp I và được giữ lại làm giảng viên. Năm 1985, sau rất nhiều trăn trở, ông đã thu xếp một chuyến đi trở lại Cao điểm 21 để xác định cụ thể vị trí đồng đội hy sinh. Ra Hà Nội, ông bốc theo một nắm cát, cho vào chiếc lọ mang về rồi lập bàn thờ các liệt sĩ ngay tại nhà mình. Từ đó, vào ngày 16-10 hằng năm, ông Bích đều tổ chức cúng giỗ cho các liệt sĩ, coi họ như những người thân trong gia đình.

Dường như vẫn chưa thỏa tâm nguyện, ông quyết định ra đường Láng thuê khắc tấm bia có nội dung: "Tại đây ngày 16-10-1968, tức ngày 25-8 năm Mậu Thân, 32 chiến sĩ Trung đội 6, Ðại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 270 đã chiến đấu với chiến đoàn xe tăng địch, bắn cháy năm xe tăng, tiêu diệt nhiều tên. Họ đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và 32 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh".

Chắp nối thông tin tìm tên đồng đội

Năm 2008, trong chuyến đi trở lại chiến trường cùng các đồng đội Trung đoàn, ông Bích đã lặng lẽ mang theo tấm bia tưởng niệm vào Gio Mỹ. Ông gặp lãnh đạo xã đặt vấn đề: "Hôm nay, tôi mang theo tấm bia này và xin gửi địa phương 20 triệu đồng để nhờ các anh xây dựng giúp".

Lúc ấy, các đồng đội cùng đi mới biết tới việc nghĩa mà ông đã thầm lặng chuẩn bị từ bao ngày trước đó, họ nhìn nhau, mắt nhòa lệ, rồi mỗi người đều tự nguyện đóng góp một khoản nhỏ để nhờ địa phương nhang khói cho các liệt sĩ...

Khi tấm bia được dựng trên diện tích 20 m2, ông Bích lại tiếp tục trăn trở vì chưa tìm được cụ thể danh sách tên tuổi, quê quán từng liệt sĩ. Hỏi những anh em cùng đơn vị, họ cũng không nhớ chính xác, chỉ biết rằng toàn bộ anh em Trung đội 6 đều đã hy sinh, còn danh sách cụ thể thì rất ít người biết.

Lần trở lại Quảng Trị sau đó ít tháng, cựu chiến binh Hoàng Ngọc Bích đã tới cơ quan quân sự các huyện: Gio Linh, Vĩnh Linh... với mong muốn chắp nối thông tin, tìm tên tuổi, quê quán của các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh trên Cao điểm 21. Cảm kích trước tấm lòng của cựu chiến binh Hoàng Ngọc Bích, các cán bộ quân sự địa phương đã tìm giúp ông danh sách các liệt sĩ. Ngày 16-10-2008, ông Bích lại vào Quảng Trị, mang phiến đá có ghi tên tuổi, quê quán của 32 liệt sĩ gắn vào mặt sau tấm bia tưởng niệm.

Một thời gian sau, qua liên lạc với địa phương, ông được biết rất đông người dân Gio Mỹ đã không quản khí hậu khắc nghiệt tới Cao điểm 21 thắp hương cho các liệt sĩ. Chính quyền địa phương cũng đề xuất nguyện vọng muốn dựng lên trên đó một ngôi nhà để bà con đỡ vất vả vì mưa, nắng. Sau khi họp bàn, vợ chồng ông và các con quyết định đóng góp 100 triệu đồng. Biết tin, thân nhân liệt sĩ Nguyễn Trọng Nhu cũng xin góp 50 triệu đồng.

Một hôm, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Anh, khi đó là Trưởng Ban liên lạc Trung đoàn 270, bàn với Hoàng Ngọc Bích: "Bích đi với mình tới chỗ đứa cháu đang công tác ở một doanh nghiệp xây dựng xem, biết đâu họ có thể giúp được".

Sau khi trình bày nguyện vọng và biết được tâm nguyện của cựu chiến binh Hoàng Ngọc Bích, vị giám đốc doanh nghiệp đã hứa giúp và huy động cán bộ, nhân viên toàn công ty ủng hộ kinh phí để xây dựng một khu tưởng niệm rộng khoảng 500 m2 trên Cao điểm 21. Hơn cả sự mong đợi và ý định ban đầu, ngày 9-8-2011, sau ba tháng khởi công, khu tưởng niệm 32 liệt sĩ đã được khánh thành.

Từ khi có khu tưởng niệm, các gia đình liệt sĩ rất phấn khởi, họ không còn trăn trở, cất công kiếm tìm hài cốt liệt sĩ nữa. Ông Bích kể: "Tôi đã tâm sự thật lòng với các gia đình liệt sĩ rằng, hiện nay trên Cao điểm 21 đã có một ngôi mộ chung của các anh, vì thế nếu không thể tìm được hài cốt người thân thì hãy lên đó thắp hương hoặc mang về một ít cát trắng ngay tại nơi các anh hy sinh để hương khói tại gia đình".

Cho tới nay, vẫn còn một điều làm ông trăn trở, đó là trong số 32 đồng đội, hiện mới chỉ có năm liệt sĩ tìm được hài cốt, và trong số 32 gia đình liệt sĩ mà ông từng cặm cụi viết thư gửi về các địa chỉ trong mấy năm qua, đã có 31 gia đình đã hồi âm lại, chỉ duy nhất thân nhân liệt sĩ Nguyễn Công Hoàn (xã Tân Quang, Ðồng Hỷ, Thái Nguyên) là chưa thể liên hệ được.

Cách đây ít năm, ông Bích có viết thư gửi về địa chỉ trên, nhưng lá thư bị bưu điện trả về nơi gửi. Ðồng đội Trung đoàn 270 cũng tìm mọi cách liên hệ nhưng không hiểu do chuyển nơi ở, do tên, họ chưa chính xác hay địa danh quê quán bị thay đổi... mà tới nay vẫn chưa liên lạc được với thân nhân liệt sĩ...

Ông Bích giới thiệu với chúng tôi tấm hình "chụp chung" cùng 32 đồng đội trong ngày khánh thành khu tưởng niệm. Ông xem lại ảnh mà nước mắt lăn dài, bởi trong tấm hình mang nhiều ý nghĩa, ông là người duy nhất có mặt, còn 32 đồng đội trong trận chiến cách đó hơn 40 năm chỉ còn là những dòng chữ thẳng hàng khắc trên bia đá...

 

Tin liên quan

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Sinh thời, Bác Hồ đã sớm nhận thấy vị thế của ngành than là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, tạo bước đà cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước vững mạnh, giàu đẹp. Chính vì thế, Người đã luôn chú ý và dành nhiều sự quan tâm cho vùng mỏ nói chung, ngành than nói riêng.
Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.