Người “vác tù và” giữa Trường Sơn

Bài và ảnh: HƯƠNG GIANG, HỒ AN

Thứ Hai, 28/05/2018 18:31
Tại xã biên giới Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình nhiều năm qua, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Nguyễn Văn Tráng luôn gắn bó gần gũi với bà con dân tộc khắp 15 bản làng. Giữa đại ngàn Trường Sơn, hình ảnh người cán bộ luôn hết mình vì dân, tận tụy với công việc trở nên mộc mạc, chân tình hơn.
Anh Nguyễn Văn Tráng (người thứ ba từ phải sang) tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc Vân Kiều nhận đất trồng rừng.
Anh Nguyễn Văn Tráng (người thứ ba từ phải sang) tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc Vân Kiều nhận đất trồng rừng.

Nguyễn Văn Tráng, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Trường Sơn có gương mặt già hơn so với tuổi 38 song trong anh bầu nhiệt huyết với công việc, với bản làng vẫn rất “trẻ”. Xã biên giới Trường Sơn có 1.026 hộ, 4.303 khẩu, riêng đồng bào dân tộc Vân Kiều chiếm hơn nửa, định canh tại 15 bản, trong đó có những bản nằm sát biên giới Việt Nam - Lào, từ trung tâm xã đi bộ mất cả ngày đường. Vậy mà dấu chân Nguyễn Văn Tráng đã in lên tất cả 15 bản. Không phải chỉ đến rồi đi, anh hòa đồng, chân tình, luôn “ba cùng” với người dân. “Nhờ thế mà kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào trong dân, nhất là đồng bào dân tộc Vân Kiều”- anh Nguyễn Văn Tráng chia sẻ.

Anh Tráng cho biết, đồng bào Vân Kiều luôn một lòng trung trinh với Đảng, với Bác Hồ kể cả trong những lúc khó khăn, đói khổ nhất. Cán bộ đến với đồng bào bằng trách nhiệm, bằng sự chân tình “bắt tay chỉ việc”. Điều kỵ nhất khi vận động là không được hứa suông, đã hứa thì phải thực hiện. Chữ tín đồng bào luôn đặt lên hàng đầu. “Tất cả công việc cá nhân mình và các tổ chức thành viên trong khối mặt trận xã Trường Sơn làm đều có chung mục đích, mong muốn cuộc sống đồng bào ngày càng khá dần lên. Vì thế bản thân không bao giờ ngại khó, ngại khổ, không sợ “lấn sân”- Tráng tâm sự.

Chúng tôi có dịp cùng anh đi vào bản Trung Sơn. Nghe cán bộ Tráng vào bản, thoáng cái rất đông người dân đã tập trung đến nhà trưởng bản Hồ Văn Phần để trò chuyện. Già Hồ Thị Nghe, 80 tuổi, cầm tay Tráng lắc lắc: “Tráng vô, không chở cái gạo Nhà nước trợ cấp cho mệ với. Tao già quá, con cháu lên rừng săn mật ong hết rồi, chẳng ai ra lấy giùm”. Nguyễn Văn Tráng nhẹ nhàng: “Con ra rồi mai ai vô bản, con gửi!”. Già Nghe cười móm mém: “Ừ! Ai chứ mi hứa thì tao tin!”.

Trưởng bản Hồ Văn Phần cho biết, toàn bản có 72 hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều đang nghèo nhưng không còn hộ đói nữa. Nhờ có cán bộ Tráng bắt tay chỉ việc, người dân biết trồng cây keo, tràm, sắn mọc xanh khắp bản, dân bản cũng được giao đất, giao rừng để bảo vệ kết hợp chăn nuôi cho nên có nguồn thu nhập. Bản Trung Sơn có đường, có cầu, có điện. Lần này cán bộ Tráng vào nhờ giúp cho trẻ con của bản ít sách vở, áo quần, rồi giúp 13 hộ ở chân đập Trung Sơn, cách trung tâm bản gần 3 km có điện thắp sáng. Trên đường ngược ra trung tâm xã, đi ngang qua bản Cây Cà, Nguyễn Văn Tráng chỉ cho chúng tôi hệ thống điện thắp sáng đường quê vừa hoàn thành: “Mặt trận xã xin tài trợ từ các nhà hảo tâm rồi huy động đồng bào cùng làm đó anh”.

Vốn là thủ lĩnh của tổ chức Đoàn ở xã Trường Sơn, Tráng luôn hăng hái với hoạt động thiện nguyện. Anh tranh thủ các mối quan hệ, mọi lúc, mọi nơi để “xin hỗ trợ”. Ở Trường Sơn, sóng điện thoại còn phập phù, có bản chưa có điện Tráng luôn tìm mọi cách để đăng tải, giới thiệu trên báo chí và mạng xã hội những cảnh đời éo le, vùng đất còn khó khăn biệt lập nhằm kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng, của những tấm lòng hảo tâm. Tráng tâm niệm “mình xin cho đồng bào chứ có phải cá nhân mình đâu mà ngại. Mình xin, kết nối để các tấm lòng thiện nguyện đến với bà con còn khó khăn cho nên không có gì phải sĩ diện mà trái lại thêm niềm hạnh phúc cho bản thân”.

Với sự chân thành đó, nhiều nhà hảo tâm, tổ chức thiện nguyện đã đến với Trường Sơn. Thời gian qua, Nguyễn Văn Tráng đã vận động số quà, áo quần, sách vở, giày dép cho học sinh và hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều đặc biệt khó khăn trị giá hơn 300 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn kêu gọi xây dựng hai công trình điện sinh hoạt cho bản Chân Trôộng và Khe Cát trị giá 50 triệu đồng, ba công trình bê-tông sân nhà văn hóa bản Chân Trôộng, Khe Cát và thôn Liên Sơn, thắp sáng đường quê bản Cây Cà, thôn Hồng Sơn, xin hai chiếc thuyền ngang sông cho thôn Thượng Sơn và bản Cây Sú, xin công trình cấp điện cho 13 hộ ở bản Trung Sơn.

Nhận xét về người cán bộ nhiệt tình, mẫn cán của mình, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Sỹ nói, trên cương vị Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã, đồng chí Nguyễn Văn Tráng không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao mà luôn có nhiều sáng kiến, đột phá trong các phong trào do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Ngày vì người nghèo”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…Từ các phong trào lớn này, căn cứ vào các đặc điểm của xã, Nguyễn Văn Tráng cùng Mặt trận Tổ quốc xã và các tổ chức thành viên cụ thể hóa thành nhiều mô hình như “Kéo điện lưới phục vụ dân sinh” ở bản Chân Trôộng, “Thắp sáng đường quê”, “Thu gom rác thải bảo vệ môi trường” ở bản Cây Cà, thôn Long Sơn; “Khu dân cư đoàn kết, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình” ở thôn Hồng Sơn, “Khu dân cư làm tốt công tác bảo vệ rừng cộng đồng” tại thôn Long Sơn và các bản: Trung Sơn, Rìn Rìn, PLoang, Dốc Mây... Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Văn Tráng luôn có cái tâm, tinh thần thiện nguyện hết lòng vì đồng bào Vân Kiều khắp các thôn gần, bản xa”.

Từ hơn 10 năm qua kể từ khi vợ anh bị tai nạn, mất sức lao động, Tráng vừa làm bố, vừa làm mẹ chăm sóc hai con chu đáo. Chia tay chúng tôi, Tráng nói: “Còn sức khỏe là em còn cống hiến, còn lăn lộn với đồng bào dân tộc Vân Kiều”. Giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, hình ảnh người cán bộ luôn hết mình vì dân, tận tụy với công việc trở nên mộc mạc, chân tình hơn như chính lời tâm sự của Tráng.

Tin liên quan

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Sinh thời, Bác Hồ đã sớm nhận thấy vị thế của ngành than là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, tạo bước đà cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước vững mạnh, giàu đẹp. Chính vì thế, Người đã luôn chú ý và dành nhiều sự quan tâm cho vùng mỏ nói chung, ngành than nói riêng.
Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.