Ông Nguyễn Văn Việt. |
Mười chín tuổi, chàng trai Nguyễn Văn Việt nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc. Sau ngày đất nước thống nhất, ông được điều động về Trung đoàn 83 Công binh Hải quân thuộc Quân chủng Hải quân. Theo nhiệm vụ được giao, ông cùng 60 chiến sĩ trẻ vào Cam Ranh (Khánh Hòa) rồi ra Trường Sa. 16 năm gắn bó với Trường Sa, những khó khăn, gian khổ cùng những niềm vui, nỗi buồn không thể kể hết. Ðiều tôi nhận thấy qua ánh mắt ông là niềm tự hào khôn xiết.
Năm 1990, ông trở về quê hương, sau đó được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn. Năm 2003, làm Bí thư chi bộ. Năm năm sau, chuyển sang làm Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn 7.
Ðoạn đường quốc lộ 37 chạy qua thôn 7, xã Việt Tiến, huyện Việt Yên một thời gian dài bị xuống cấp hư hỏng, mặt đường lổn nhổn ổ voi, ổ gà, bụi mù nhưng không thể sửa chữa mở rộng vì không giải phóng nổi mặt bằng. Ðó là tình trạng mấy năm trước, giờ đây đường đã thông thoáng. Khai thông được con đường ấy, có một phần công đóng góp của ông Nguyễn Văn Việt, người đã kiên trì đến từng hộ gia đình tuyên truyền vận động nhân dân hiến đất.
Việc giải phóng mặt bằng cụm công nghiệp Việt Tiến cũng vậy. UBND tỉnh Bắc Giang chủ trương xây dựng cụm công nghiệp này trên đất ruộng của thôn 7. Vì không đồng ý với giá đền bù của Nhà nước, nên hầu hết các hộ dân trong thôn kiên quyết "giữ đất". Xác định đây là dự án trọng điểm, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, Ðảng ủy xã Việt Tiến tập trung lãnh đạo, đồng thời thực hiện tốt công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng.
Nhớ lời Bác Hồ dặn "Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công", ông Việt lại cùng chi bộ, chính quyền, đoàn thể xã, thôn đến từng nhà tuyên truyền, công khai quy hoạch sử dụng đất, quyền lợi và nghĩa vụ của người dân, vận động nhân dân ủng hộ chủ trương của tỉnh. Nhờ vậy, 2,5 ha đất canh tác của nhân dân thôn 7 được chuyển giao để xây dựng cụm công nghiệp Việt Tiến.
Khi chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai, với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", ông Nguyễn Văn Việt cùng các đoàn thể tổ chức họp lấy ý kiến nhân dân. Ông lại là tuyên truyền viên tích cực nhất đến từng hộ gia đình nói rõ mục đích, ý nghĩa, những lợi ích thiết thực trong làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa thôn để người dân hiểu và ủng hộ. Ðến nay, nhân dân thôn 7 đã có sáu ngõ và các tuyến kênh mương nội đồng được bê-tông hóa, trong đó hơn 1/3 chi phí do nhân dân đóng góp.
Ðể Mặt trận Tổ quốc thật sự là cầu nối vững chắc giữa cấp ủy Ðảng, chính quyền với nhân dân, ông Việt luôn lắng nghe, tập hợp tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân trong thôn, kịp thời phản ánh và cùng chi ủy, chính quyền giải quyết những bức xúc, mâu thuẫn, không để nảy sinh thành vấn đề phức tạp...
Cùng với việc tích cực vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, ông Việt còn phát động xây dựng phong trào hiếu học và "Ngày vì người nghèo", "Ðền ơn đáp nghĩa"... Triển khai thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", ông nắm bắt tình hình thực tế của thôn mình để lựa chọn những nội dung, mô hình phù hợp. Nhà văn hóa thôn 7 nay đã có "Tủ sách pháp luật" với hơn 100 đầu sách gồm nhiều thể loại do ông Việt tham mưu xây dựng...
Nói về công việc của Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn, nhiều người vui tính gọi ông là người "vác tù và" của thôn 7... Còn ông thì chia sẻ: "Ðể vận động được người khác, trước hết, mình phải nhiệt tình với công việc. Muốn vận động nhân dân tham gia các phong trào thì mình phải gương mẫu làm trước, nói đi đôi với làm, vận động người thân trong gia đình thực hiện, ủng hộ vật chất và tinh thần rồi cuối cùng mới đi sâu vào vận động nhân dân, như vậy mới đạt kết quả tốt".
Mới đây, ông được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xây dựng khu dân cư văn hóa giai đoạn 2009-2013. Ông quan niệm, thành tích không phải của riêng mình mà là của tập thể, của tất cả mọi người mà thành...