Nhà khoa học được trao giải thưởng "Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN"

Bài và ảnh: TRUNG CẦN

Thứ Ba, 25/06/2019 05:59
Hơn 60 năm gắn bó với khoa học, dấu chân đã in hằn hầu hết các cánh rừng Việt Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên đến mũi Cà Mau, GS, TSKH Ðặng Huy Huỳnh (trong ảnh), gần 70 năm tuổi Ðảng, đã có gần 170 công trình khoa học và hàng chục cuốn sách chuyên khảo về động vật, thực vật, sinh thái môi trường. Những đóng góp của ông đã được ghi nhận bằng các giải thưởng khoa học cao quý và vinh dự là người Việt Nam đầu tiên được vinh danh Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN.
Nhà khoa học được trao giải thưởng "Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN"

Một buổi chiều đầu hè, tôi tìm đến khu tập thể quân đội ở ngõ 376 đường Bưởi, Hà Nội. Tiếp khách trong căn phòng nhỏ, GS Ðặng Huy Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, tay vẫn cầm tập tài liệu, giọng nhỏ nhẹ: Mình đang xem lại đề cương luận án của một nghiên cứu sinh. Ðây là luận án tiến sĩ thứ 15 ông hướng dẫn, còn luận văn cao học thì ông không nhớ nổi số lượng.

Giáo sư cho biết, ông đang có kế hoạch lên Yên Bái để thẩm định về cây di sản; rồi sẽ vào Thanh Hóa và một số tỉnh miền trung, phối hợp các sở giáo dục và đào tạo để phổ biến kiến thức về môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường cho học sinh… Trên các vị trí trang trọng trong ngôi nhà là chứng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương Lao động hạng nhất và các giải thưởng cao quý khác mà giáo sư được Ðảng và Nhà nước tặng thưởng.

Trước đây, giáo sư có 5 năm tham gia quân đội và chính những ngày tháng ấy đã định hướng nghề nghiệp cho ông sau này. Như lật giở những trang kỷ niệm, giáo sư nhớ lại, một buổi sáng cuối hè năm 1949, ông rời làng Trước Hà, xã Ðại Lãnh, huyện Ðại Lộc (tỉnh Quảng Nam), lên đường nhập ngũ. Ông có hơn 1.800 ngày đêm trực tiếp chiến đấu, giúp bạn Lào và Cam-pu-chia. Cuối năm 1954, ông tập kết ra bắc và vào học ở Trường bổ túc Công nông Trung ương, hoàn thành chương trình cấp 3 lúc bấy giờ. Vào đại học, Ðặng Huy Huỳnh học Khoa Sinh học.

Và 60 năm qua, từ những năm tháng đi đào tạo tiến sĩ khoa học (ở Liên Xô trước đây) rồi trải qua các cương vị Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Chủ tịch Hội Ðộng vật học Việt Nam và giờ đây ở gần tuổi 90, giáo sư vẫn đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam, thì dường như cả cuộc đời GS Ðặng Huy Huỳnh luôn gắn bó với việc nghiên cứu động vật, thực vật, đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên và môi trường sinh thái của đất nước.

Ông đã có những chuyến đi thực địa hàng tháng trời vào miệt rừng xa, núi thẳm trong hoàn cảnh khan muối, đói cơm lại nơm nớp Phun-rô rình rập tại các tỉnh Gia Lai, Ðác Lắc, Lâm Ðồng nhằm điều tra tổng hợp mọi mặt trong chương trình trọng điểm quốc gia về Tây Nguyên (1976-1985).

Những cuộc băng rừng, lội suối nơi thâm sơn, cùng cốc của Sơn La, Cao Bằng, Lào Cai hay chân ngập sình lầy trong các cánh rừng ngập mặn thuộc Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng đã giúp GS Ðặng Huy Huỳnh và các cộng sự hoàn thành nhiều đề tài, dự án khoa học có giá trị. Ðến thời điểm này, ông có 170 công trình khoa học được công bố trên các tạp chí trong nước và quốc tế, 15 cuốn sách chuyên khảo được phát hành.

Nhưng có ý nghĩa và đánh dấu những cột mốc trong cuộc đời hoạt động khoa học của giáo sư phải kể đến những năm tháng gắn bó với Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Tại đây ông đã chủ trì và chủ nhiệm hàng chục đề tài, dự án cấp nhà nước, cấp bộ hoặc tham gia các nhiệm vụ khoa học đột xuất của Chính phủ. Trong đó, có Chương trình nghiên cứu, điều tra tổng hợp các tỉnh Tây Nguyên (thời kỳ 1976-1985); chương trình nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của chất độc hóa học do đế quốc Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; dự án nhân nuôi thành công một số loài động vật có giá trị kinh tế cao như hươu sao, nhím, nai, ba ba… góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Ngoài ra, ông còn tham gia Hội đồng quản trị chương trình hợp tác nghiên cứu tài nguyên thực vật các nước Ðông-Nam Á (PROSEA); chuyên gia giáo dục môi trường quốc tế EEC/IUCN… Ðóng góp không biết mệt mỏi cho khoa học và công nghệ của GS Ðặng Huy Huỳnh đã được Ðảng và Nhà nước ghi nhận, tôn vinh, thể hiện ở hai lần ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về tập Atlas quốc gia (năm 2005) và công trình về Ðộng vật chí, Thực vật chí và Sách đỏ Việt Nam (năm 2010).

Thật khâm phục và ngưỡng mộ nhà khoa học năm nay đã 87 tuổi, vóc người nhỏ nhắn, nhưng mỗi năm vẫn mấy lần ngược Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang để thẩm định và công nhận cây di sản (mà đến nay đã có gần 4.000 cây khắp các vùng, miền được công nhận). Hoặc mỗi năm vài ba chuyến, ông về các địa phương để giáo dục cảnh báo nguy cơ ô nhiễm môi trường; bảo vệ các loài động vật quý hiếm và trồng cây để khi hè về nơi nơi tỏa bóng mát… Những hoạt động tích cực và truyền cảm hứng đến cộng đồng trong nước và vượt ra ngoài biên giới, tháng 8-2017, GS Ðặng Huy Huỳnh đã được ghi nhận bằng giải thưởng cao quý "Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN".

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, phần thưởng này hoàn toàn xứng đáng với GS Ðặng Huy Huỳnh. Bởi ông là nhà khoa học tầm cỡ trong lĩnh vực đa dạng sinh học và môi trường, một người bạn tin cậy trong cộng đồng khoa học quốc tế. Với số tiền thưởng 5.000 USD, GS Ðặng Huy Huỳnh đã dành 2.000 USD góp vào quỹ hoạt động của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, 1.000 USD làm Quỹ Khuyến học của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, nơi trước đây ông đã có nhiều năm gắn bó.

Ðối với nghiên cứu khoa học cũng như trong sinh hoạt đời thường, giáo sư luôn là người tâm huyết, trách nhiệm với công việc, hết lòng với cộng sự, luôn quan tâm, tận tình giúp đỡ các thế hệ đi sau. Ở đâu, lúc nào, giáo sư cũng thể hiện rõ phẩm chất của một đảng viên cao tuổi, là tấm gương để mọi người noi theo.

Tin liên quan

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Sinh thời, Bác Hồ đã sớm nhận thấy vị thế của ngành than là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, tạo bước đà cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước vững mạnh, giàu đẹp. Chính vì thế, Người đã luôn chú ý và dành nhiều sự quan tâm cho vùng mỏ nói chung, ngành than nói riêng.
Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.