Nhiều việc nhỏ góp lại thành việc lớn

Là Phó Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch HÐND xã Ba Trại, huyện Ba Vì (Hà Nội), đồng chí Nguyễn Thị Son đã xác định cho mình một hướng đi đúng đắn. Muốn cán bộ, đảng viên trong Ðảng bộ thực hiện tốt nhiệm vụ, thật sự là tấm gương để quần chúng noi theo, trước tiên mình phải gương mẫu đi đầu trong mọi lĩnh vực, quan tâm đến quần chúng và động viên họ kịp thời.
Ðồng chí Nguyễn Thị Son (người thứ nhất từ trái sang) trong buổi tiếp xúc cử tri.
Ðồng chí Nguyễn Thị Son (người thứ nhất từ trái sang) trong buổi tiếp xúc cử tri.

Ðồng thời, trong công tác lãnh đạo, đồng chí vừa cương quyết vừa mềm dẻo, thấu tình đạt lý trong khi giải quyết những công việc mang tính chất nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhân dân như giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai...

Theo đồng chí Son, để thực hiện tốt nhiệm vụ, nếu như không tự giác rèn luyện bản thân thì khó có thể hoàn thành chức trách được giao, nhất là nhiệm vụ phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo ở một xã còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí chưa đồng đều, xuất phát điểm thấp hơn so với một số xã khác trong huyện.

Ðồng chí đã chủ động đề xuất với Ban Thường vụ Ðảng ủy, HÐND, UBND xã bàn bạc thống nhất khắc phục mọi khó khăn trong công tác, tích cực chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thâm canh tăng vụ, đưa các loại giống mới vào sản xuất.

Chị đã tham mưu với Ðảng ủy, UBND xã giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để các đoàn thể tổ chức cho hội viên học tập, chuyển giao khoa học công nghệ như: Lớp dạy nghề trồng và chế biến chè, các lớp tập huấn vỗ béo bò thịt, kỹ thuật trồng gấc... của hội phụ nữ, hội nông dân...

Trong giải quyết công việc, đồng chí Nguyễn Thị Son luôn lắng nghe ý kiến của các ban, ngành, đoàn thể tham mưu và phát huy sức mạnh tập thể cấp ủy, chủ động lên kế hoạch một cách cụ thể, thường xuyên kiểm tra để có biện pháp điều chỉnh phù hợp yêu cầu nhiệm vụ. Vì vậy trong mấy năm trở lại đây, xã Ba Trại đã có nhiều chuyển biến, hoạt động của chính quyền và đội ngũ cán bộ ngày càng đi vào nền nếp. Ba Trại cũng là xã sớm hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; 100% số thôn phấn đấu xây dựng làng văn hóa, đến nay đã có 4/9 làng được công nhận là làng văn hóa; hơn 80% số hộ đạt tiêu chuẩn "Gia đình văn hóa". Năm 2011, số hộ nghèo còn 335 hộ, chiếm 11,9%, giảm 9% so với năm 2010. Trong những năm qua, Ba Trại luôn hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; chính quyền xã được công nhận vững mạnh và Ðảng bộ xã là Ðảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu.

Có thể nói, đồng chí Nguyễn Thị Son là tấm gương sáng về tinh thần làm việc. Thái độ tiếp dân ân cần, niềm nở, lịch sự. Ðồng chí luôn tận dụng thời gian nhiều nhất cho công việc. Cùng với đó chị còn dành thời gian cho việc nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng vào công việc một cách hiệu quả nhất.

Trong cuộc sống đời thường, đồng chí là người giản dị. Nét giản dị đó không chỉ được thể hiện ở cách ăn mặc, lời nói mà còn ở những hành động thiết thực. Chị luôn tâm niệm "nhiều nhỏ góp lại thành lớn, mỗi người tiết kiệm một chút sẽ góp phần tiết kiệm được nhiều cho cơ quan". Chị Son luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, xây dựng nội bộ. Với nhân viên, đồng nghiệp, chị luôn thẳng thắn, chân tình, cởi mở khi trao đổi ý kiến, phân công công việc. Chị thường quan tâm, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của từng người, tạo cho họ có điều kiện nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Chị sẵn sàng truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn của mình cho đồng nghiệp, nhất là đối với những cán bộ trẻ tuổi. Những bất hòa giữa đồng nghiệp trong công việc cũng được đồng chí tìm hiểu và giải quyết một cách thấu tình, đạt lý.

Là cán bộ nữ, vừa phải đảm nhiệm công tác xã hội, vừa phải thực hiện chức năng của người phụ nữ trong gia đình, nhưng chị đã bố trí, sắp xếp thời gian công việc gia đình, thời gian công tác thật phù hợp, để vừa đi học nâng cao trình độ, vừa làm việc, vừa chăm sóc gia đình. Trong gia đình, chị luôn ý thức được cách cư xử đối với cha mẹ, anh, chị, em, chồng con, bạn bè và bà con lối xóm.

Chị chia sẻ: "Tuy kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng chồng tôi luôn quan tâm chia sẻ động viên và luôn sẵn sàng tạo điều kiện để tôi được học tập và công tác, luôn mong cho tôi tiến bộ. Ðiều đó đã tiếp thêm nghị lực để tôi vượt qua khó khăn vươn lên học tập và công tác tốt. Các con tôi cũng ý thức được sự cố gắng của cha mẹ nên đều ngoan ngoãn, lễ phép, học tập chăm chỉ".

Thấm nhuần lời dạy của Bác, cán bộ là công bộc của dân, là người cán bộ trưởng thành từ cơ sở, đồng chí luôn ý thức được cái gì có lợi cho dân thì mình phải làm, dù là việc lớn hay việc nhỏ... Chị luôn mong đóng góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội chung của địa phương, để thực sự là cầu nối giữa Ðảng, chính quyền với nhân dân. Có lẽ chính bởi sự ân cần, tư tưởng gần dân như vậy mà đồng chí luôn được xóm làng, đồng nghiệp và nhân dân yêu mến, tín nhiệm.

Từ năm 2001 đến nay, đồng chí Nguyễn Thị Son luôn được cơ quan bình chọn là chiến sĩ thi đua; năm 2010, UBND thành phố Hà Nội tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động của HÐND nhiệm kỳ 2004-2011. Cùng với nhiều kỷ niệm chương của các cấp, các ngành, đồng chí được Ðảng ủy xã công nhận đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 10 năm liền. Năm 2011, chị được cử tri huyện Ba Vì tín nhiệm bầu làm đại biểu HÐND thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2011-2016.

KHUẤT DUYÊN (Ba Vì, Hà Nội)

 

Tin liên quan

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là do bản lĩnh chính trị thiếu kiên định, thiếu vững vàng. Do đó, để cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiệu quả, cần tăng cường giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng chiến tranh nhân dân là một bộ phận trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại.
Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày 15/5/2007, tại Hà Nội, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp Viện Khoa học Xã hội nhân văn Quân sự (Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội thảo khoa học: "Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam", nhân kỷ niệm 50 năm bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lớp chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp, Bộ Quốc phòng về xây dựng Quân đội từng bước tiến lên chính quy và hiện đại (5/1957 - 5/2007) và kỷ niệm 117 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.