Những cống hiến thầm lặng vì sức khỏe cộng đồng

Bài và ảnh: DƯƠNG MINH ANH

Thứ Sáu, 05/09/2014 19:49
Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh vừa được tôn vinh tại Chương trình "Vinh quang Việt Nam" lần thứ 11 năm 2014. Những năm qua, Viện là đơn vị đi đầu trong nghiên cứu khoa học, phòng, chống dịch bệnh một cách thầm lặng; hai lần vinh dự đón nhận phần thưởng cao quý: danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới...
Các bác sĩ Câu lạc bộ thầy thuốc trẻ Viện Pasteur khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân vùng sâu, vùng xa.
Các bác sĩ Câu lạc bộ thầy thuốc trẻ Viện Pasteur khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân vùng sâu, vùng xa.

Chung sống cùng dịch bệnh

Trò chuyện với PGS, TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, chúng tôi phần nào hiểu thêm nỗi vất vả của đội ngũ bác sĩ, cán bộ nhân viên nơi đây. "Có rất nhiều việc mà Viện đã làm không quản mệt mỏi, hiểm nguy, nhằm bảo đảm sức khỏe nhân dân. Không thể nói hết nỗi gian truân của Viện khi phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết dengue; bệnh đường ruột như tả, lỵ, thương hàn, nhất là những bệnh HIV/AIDS, SARS, cúm A, viêm não, tay-chân-miệng. Viện là đơn vị phát hiện ra ca nhiễm HIV đầu tiên; là đơn vị giải mã thành công bộ gien hoàn chỉnh virus cúm A/H5N1 gây bệnh trên người", PGS, TS Phan Trọng Lân tâm sự.

Ðể đáp ứng kịp thời các yêu cầu phòng, chống dịch, cán bộ, công nhân viên của Viện ngày đêm làm việc trong các phòng xét nghiệm và những chuyến công tác tại vùng dịch đằng đẵng, không ít trường hợp khi bước ra khỏi các ổ dịch, cán bộ, công nhân viên Viện âm thầm chấp nhận việc người quen xa lánh vì sợ... lây bệnh.

Ngược dòng thời gian, nhớ lại, năm 1964, Chi bộ đầu tiên của C4 (đơn vị làm công tác vệ sinh phòng dịch, sản xuất vaccine thuộc Ban Dân y miền nam) được thành lập. Từ đó đến năm 1975, Chi bộ đã lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt công tác sản xuất vaccine như tả, TAB, đậu mùa... phục vụ bộ đội chủ lực và nhân dân vùng giải phóng; sau đó, tiếp quản Viện Pasteur Sài Gòn.

Từ năm 1980, Ðảng bộ Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh được thành lập trực thuộc Ðảng bộ Khối cơ sở Bộ Y tế. Hầu hết cán bộ chủ chốt trong các khoa, phòng và trong công tác nghiên cứu khoa học đều là đảng viên. Nhiều người có học vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ.

Với dược sĩ Huỳnh Thị Kim Loan, Bí thư Chi bộ 3, Ðảng bộ Viện Pasteur, ấn tượng nhất là công trình hoàn thiện bộ sinh phẩm Mac-Elisa dùng trong chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết dengue. Hàng năm trời, chị và đồng nghiệp "chung sống với muỗi", ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất bộ sinh phẩm Mac-Elisa, cuối cùng công trình đã được duyệt. Thành công đó đã giúp cung ứng kịp thời nguồn sinh phẩm cho Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống sốt xuất huyết ở Việt Nam.

Lương y như từ mẫu

Ðể bảo đảm an toàn sinh học và phát huy việc xét nghiệm tại các địa phương, góp phần giảm tải, chống lây nhiễm đối với tuyến cuối ở TP Hồ Chí Minh, kỹ sư, Phó Viện trưởng Nguyễn Văn Hải tham gia giảng dạy hơn 20 lớp y tế dự phòng ở các tỉnh Sóc Trăng, Ðồng Nai, Tây Ninh, Trà Vinh, Long An, Hậu Giang, Bến Tre. Anh chia sẻ: "Là người công tác trong ngành y, tôi luôn tâm niệm lời Bác Hồ dạy, lương y như từ mẫu. Là đảng viên, mình còn phải tiên phong giúp dân nữa, không thể đợi dân gọi".

Những ngày hè nắng nóng xen lẫn mưa dông, để gặp anh Cao Hữu Nghĩa, Trưởng Khoa Xét nghiệm sinh học lâm sàng thật khó vì anh rất bận chỉ đạo xử lý nhu cầu xét nghiệm, khám bệnh, tiêm chủng cho hàng nghìn lượt người đang lo lắng trước dịch sởi, tay-chân-miệng... Tiến sĩ y học tài năng này đã góp phần quan trọng trong xây dựng mô hình phòng khám tiêm chủng đạt chuẩn an toàn tiêm chủng và là mô hình mẫu cho ngành y tế khu vực phía nam.

Ðiều hành hoạt động tám phòng xét nghiệm sinh học lâm sàng (LAM) với 100 nhân viên, anh còn dành thời gian giảng dạy tại các trường đại học và hướng dẫn khóa luận, luận án tốt nghiệp cho nhiều học viên trong và ngoài ngành y tế. Anh tâm niệm: "Truyền dạy kiến thức cho thế hệ kế tiếp chính là làm theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh".

Sống là để cống hiến

Ðồng chí Lê Ðình Huân, người có nhiều năm tham gia công tác đoàn tại Viện tâm sự: "Không chỉ say mê các hoạt động y tế hay nghiên cứu khoa học, nhiều thầy thuốc trẻ của Viện thường xuyên tham gia hoạt động xã hội, như ủng hộ đồng bào bão lụt, thiên tai, ủng hộ xây nhà tình nghĩa-tình thương. Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ Viện Pasteur thành lập được hơn một năm, nhưng đã tham gia cùng Hội Thầy thuốc trẻ TP Hồ Chí Minh thực hiện nhiều chương trình như hiến máu nhân đạo, trao quà từ thiện cho học sinh nghèo, gia đình chính sách".

Ths Phan Tư Nghĩa, Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ Viện Pasteur cho biết: "Càng đi, mới càng thấy bà con mình còn nhiều khó khăn, ít được chăm sóc y tế chất lượng. Vì vậy, Câu lạc bộ đã tổ chức 11 đợt khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho gần năm nghìn người; tuyên truyền phòng, chống bệnh truyền nhiễm và phát thuốc tiệt trùng cho gần chín nghìn người; tặng quà hơn hai nghìn hộ nghèo; hiến hàng trăm đơn vị máu...".

Theo PGS, TS Phan Trọng Lân, miền nam khí hậu nắng nóng quanh năm, cho nên các bệnh dịch phát triển. Nhiều cán bộ, đảng viên không ngại gian khổ làm tốt công tác phòng, chống dịch. Vừa chăm lo chuyên môn, Ðảng bộ vừa tập trung làm tốt công tác xây dựng Ðảng, phát động phong trào học tập, tu dưỡng và rèn luyện phẩm chất người cán bộ ngành y theo lời dạy của Bác Hồ. Thông qua đợt kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Ðảng, kết quả đã có tác động tích cực trong việc rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức trách nhiệm đối với công việc được giao của toàn thể cán bộ công nhân viên chức Viện.

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.