Những điển hình tiên tiến ở Tây Ninh

Bài và ảnh: Dương Minh Anh

Thứ Ba, 19/03/2019 02:33
Ở tỉnh Tây Ninh, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị đã đi sâu vào đời sống, thể hiện trong nhận thức, ý thức rất rõ ràng của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Cựu chiến binh Trịnh Văn Quây trong khu vườn của gia đình.
Cựu chiến binh Trịnh Văn Quây trong khu vườn của gia đình.

Từ đó, mỗi ngành, địa phương, đơn vị đều có những mô hình hay, cách làm hiệu quả, góp phần thúc đẩy phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh lan tỏa ngày càng sâu rộng.

Buổi sáng ở UBND phường 4, TP Tây Ninh, người dân đến làm thủ tục khá đông và đều được cán bộ, nhân viên UBND phường tận tình hướng dẫn, giải quyết nhanh gọn. Chị Lương Thị Ánh Nguyệt, cán bộ Văn phòng UBND phường cho biết: Thực hiện mô hình “Phường, xã vì dân”, mỗi cá nhân và tập thể UBND phường luôn cố gắng làm tốt nhiệm vụ của mình. Khi người dân tới trao đổi công việc, tôi phải nắm rõ bản chất vấn đề để giải quyết nhanh nhất, cố gắng tranh thủ thời gian xong sớm nhất có thể, không cứng nhắc quy định hành chính. Thứ 2 hằng tuần, Thường trực Đảng ủy và UBND phường họp để nghe đồng chí Chủ tịch UBND phường báo cáo về việc tiếp nhận các thủ tục hành chính tại địa phương. Tại cuộc họp, nếu có phản ánh, kiến nghị của các chi bộ trực thuộc cũng như của người dân, thì xem xét giải quyết ngay. Năm 2018 vừa qua, chúng tôi tiếp nhận và giải quyết đúng hẹn 100% hồ sơ. Đơn vị được thành phố biểu dương thành tích thực hiện tốt Chỉ thị 05 với tinh thần “những gì có lợi cho dân thì hết sức làm”.

Bà Huỳnh Thị Vấn, ngụ hẻm 88 Cách Mạng Tháng Tám, TP Tây Ninh là một trong những cá nhân tiêu biểu được tuyên dương vì tích cực học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Bà đã tình nguyện hiến 1m chiều dài mặt tiền nhà (trị giá hơn 1 tỷ đồng) để mở rộng con hẻm. Bà Vấn chia sẻ: “Gia đình mình ổn định rồi thì mình tặng đất để làm đường cho sạch đẹp, bà con cùng hưởng, cùng vui mà”. Từ gương của bà, hàng trăm hộ dân trong khu vực cùng hiến đất nhằm mở rộng, bê-tông hóa tuyến đường. Bạn Nguyễn Thanh Bình, một đoàn viên trẻ được hàng nghìn nông dân Tây Ninh đang canh tác cao-su thường nhắc tên. Anh vừa được Tỉnh đoàn khen thưởng vì có sáng chế “máy làm kiềng để chén mủ”. Kiềng giữ vai trò cố định chén chứa mủ. Nếu kiềng không tốt, chén chứa mủ sẽ nghiêng hoặc đổ dẫn đến làm hao hụt lượng mủ thu được. Anh Bình chia sẻ: “Sau thời gian tìm hiểu, nghiên cứu và cũng đã trải qua nhiều thử nghiệm, tôi đã làm hoàn chỉnh được máy sản xuất kiềng để chén mủ cao-su với chỉ một công đoạn duy nhất, vừa chặt kẽm vừa làm kiềng. So sánh với làm thủ công thì máy làm kiềng cho ra sản phẩm nhanh hơn với năng suất 1.140 sản phẩm/giờ và ổn định về tiêu chí kỹ thuật, giúp giảm chi phí nhân công, đáp ứng nhu cầu kiềng để chén cao-su.

Tại khu vực nông thôn, nhiều tổ chức, cá nhân cũng được biểu dương khen thưởng vì thành tích học và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đó là cựu chiến binh Trịnh Văn Quây, xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, chuyển đổi thành công đất mía kiệt thành vùng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Quây và những người nông dân mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất đã góp phần để toàn tỉnh hiện có hơn 5% nông sản được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP gồm: 17 cơ sở trồng rau an toàn được chứng nhận VietGAP (diện tích 69 ha), hơn 7 ha sử dụng công nghệ trồng rau, dưa lưới, hoa lan trong nhà màng, nhà lưới, khoảng 500 ha cây ăn trái, 1.986 ha lúa chất lượng cao. Những mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho cả người nông dân và nhà đầu tư; cải thiện đáng kể đời sống của người nông dân…

Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tây Ninh, Tỉnh ủy đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương bằng hình thức trực tuyến từ tỉnh đến cơ sở; chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai đến từng chi bộ và trong đoàn viên, hội viên, quần chúng nhân dân; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát trong việc tổ chức học tập của các cấp ủy và sự tiếp thu của cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy xây dựng và triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương; yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng cụ thể hóa bằng những kế hoạch phù hợp thực tiễn địa phương, cơ quan, đơn vị; thực hiện nghiêm quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương trong quá trình triển khai nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Chỉ đạo nói trên đã được triển khai nghiêm túc, thể hiện qua việc tích hợp các nội dung quy định cán bộ, đảng viên viết bản đăng ký, cam kết và kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết vào “Sổ phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện của đảng viên” và “Sổ theo dõi của cấp ủy đối với kết quả phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện của đảng viên”, đến nay đã đi vào nền nếp.

Đại diện Thường trực Tỉnh ủy Tây Ninh cho biết, nhằm kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị về nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc sử dụng in-tơ-nét, mạng xã hội và đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, thù địch. Đồng thời Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo tăng cường các giải pháp nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên; chỉ đạo công tác định hướng tư tưởng, chính trị, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm. Thời gian tới, toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tây Ninh tiếp tục quyết tâm nỗ lực hơn nữa trong việc tự rèn luyện những phẩm chất tốt đẹp, biểu dương, nhân rộng những mô hình tốt, điển hình tiên tiến để tinh thần học và làm theo Bác ngày càng lan tỏa.

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.