Những giờ học nắng mưa và trái tim người thầy

Bài và ảnh: XUÂN HÙNG

Thứ Sáu, 01/11/2013 19:20
"Dạy thật tốt để các em học tốt" là nội dung đăng ký học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên môn Định hướng di chuyển, Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP Hồ Chí Minh. Nội dung đăng ký học tập và làm theo Bác tuy ngắn gọn nhưng để thực hiện tốt là cả quá trình rèn luyện, phấn đấu của thầy giáo Hùng cùng với những tình cảm đặc biệt dành cho các em học sinh khiếm thị.
Thầy Nguyễn Phi Hùng hướng dẫn học sinh khiếm thị thực hành môn Định hướng di chuyển.
Thầy Nguyễn Phi Hùng hướng dẫn học sinh khiếm thị thực hành môn Định hướng di chuyển.

Hiểu nôm na, môn Định hướng di chuyển là dạy các em học sinh khiếm thị biết cách đi đến nơi cần đến một cách nhanh chóng, an toàn, hợp lý, trong đó yếu tố an toàn luôn được đặt lên hàng đầu. Trẻ em khiếm thị luôn có tâm lý sợ phía trước, ngại di chuyển ở những nơi không quen thuộc, nhất là trên đường phố, nơi công cộng. Biết cách đi lại an toàn không chỉ giúp ích cho các học sinh trong học tập, sinh hoạt mà còn là yếu tố quan trọng để các em tự tin hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống trong tương lai.

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, trong các trường phổ thông chuyên biệt, chỉ có Trường Nguyễn Đình Chiểu, TP Hồ Chí Minh có chương trình dạy cách đi lại an toàn cho học sinh khiếm thị. Tuy nhiên, chương trình còn sơ sài, tài liệu do các thầy, cô của trường tự thu thập từ nhiều nguồn, dành cho người khiếm thị lớn tuổi, nội dung chắp vá nên hiệu quả giảng dạy, học tập không được như mong muốn.

Năm 1988, thầy Hùng mới về trường, tuổi đời còn trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều, trong số học sinh, một số em còn phân biệt được sáng tối, còn lại mù hoàn toàn nên việc giảng dạy gặp nhiều khó khăn. Đó là chưa kể đời sống giáo viên thời điểm đó thấp, nhiều đồng nghiệp bỏ nghề hoặc xin chuyển sang các trường khác cũng gây những tác động không nhỏ về tâm lý.

Thầy Hùng tâm sự: Hằng ngày đến trường, nhìn các em quờ quạng, dò dẫm từng bước đi, lòng mình càng như thắt lại. Thương các em phải chịu tật nguyền, ngẫm lại thấy những khó khăn của mình chưa bằng một phần nhỏ nỗi khó khăn, thiệt thòi mà các em đang phải gánh chịu. Thể hiện tình thương, trách nhiệm không gì tốt bằng làm sao dạy các em phát huy hết những giác quan còn lại, khắc phục phần khiếm khuyết để có cuộc sống tốt hơn. Và cũng ngay từ những năm đầu về trường, thầy Hùng đã tìm cách cải tiến nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy để các em có thể đi lại, học tập, sinh hoạt hiệu quả nhất.

Tham gia giờ học di chuyển của các em học sinh khiếm thị mới thấy hết nỗi vất vả của người thầy. Để các em đạt hiệu quả cao trong học tập, ngoài chuẩn bị giáo án, dụng cụ học tập, hướng dẫn lý thuyết thì phần thực hành vô cùng quan trọng, chiếm phần lớn thời lượng chương trình. Trẻ khiếm thị mới vào trường được thầy hướng dẫn cầm, sử dụng gậy đúng cách; phương pháp di chuyển trong phòng đông người, ở hành lang, lên xuống cầu thang an toàn. Lý thuyết thì có thể dạy chung cho cả lớp nhưng thực hành thì phải dẫn dắt từng em một.

Trò lên cầu thang thì thầy cũng phải lên cầu thang. Một buổi học, hàng trăm lần đi lên đi xuống đã là rất vất vả nhưng vẫn chưa bằng những tiết dạy các em di chuyển ngoài đường phố. Dạy các em đi ngoài phố, thầy Hùng phải khảo sát trước các tuyến đường sẽ đi, đánh dấu từng vị trí mốc như cột điện, trạm điện thoại, nắp hố ga...những ngã ba, ngã tư (có đèn tín hiệu giao thông hay không) hoặc những dấu hiệu đặc trưng khác, làm sơ đồ nổi, hướng dẫn các em sờ bằng tay rồi mới dẫn các em ra thực địa. Mỗi lần đi thực địa chỉ có một thầy và hai trò, hết đợt này đến đợt khác, hết lớp này sang lớp khác.

Quãng đường gần các em đi thành thạo rồi đến những quãng đường xa hơn, phức tạp hơn. Hàng nghìn tiết học mà lớp học là ở ngoài đường phố. Nắng cũng như mưa, cả sáng cả chiều, thầy dẫn trò đi, hướng dẫn từng em kỹ năng nhận biết phố phường qua những âm thanh nhộn nhịp của cuộc sống; dạy nghe tiếng động của những dòng xe di chuyển để trò xác định đường phố một chiều hay hai chiều, ngã ba ngã tư có đèn tín hiệu giao thông hay không; dạy cách băng qua từng loại giao lộ thế nào...

Trong các tiết thực hành ngoài đường phố, thầy hướng dẫn các em cách giao tiếp, hỏi thăm đường nếu không may bị lạc; cách sử dụng dịch vụ bưu điện, rút tiền bằng thẻ ATM; tìm, mua hàng ở nhiều loại cửa hàng khác nhau. Hướng dẫn các em đi xe buýt đúng tuyến, đúng bến...

Yêu nghề, yêu trẻ, thầy Hùng nguyện tiếp tục dành hết sức mình hướng dẫn các em học sinh khiếm thị không chỉ tự tin trong di chuyển mà còn tự tin hòa nhập cộng đồng, xây dựng cuộc sống tương lai.

Tin liên quan

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” - giá trị vĩnh hằng của Tư tưởng Hồ Chí Minh

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” - giá trị vĩnh hằng của Tư tưởng Hồ Chí Minh

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” - câu nói bất hủ ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vang lên trên làn sóng phát thanh từ Thủ đô Hà Nội vào tháng 7/1966, trong thời điểm miền bắc đang gồng mình trước bom đạn chiến tranh, còn miền nam chìm trong máu lửa. Đây không chỉ là khẩu hiệu kháng chiến, mà là tuyên ngôn bất diệt về quyền sống và khát vọng làm người của một dân tộc từng trải qua hàng nghìn năm mất nước, chia cắt và hy sinh.
Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sáng tác của các nhạc sĩ trẻ

Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sáng tác của các nhạc sĩ trẻ

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các tác phẩm văn học nghệ thuật, đặc biệt trong âm nhạc. Hình ảnh Bác Hồ vẫn sống động và lan tỏa trong sáng tác của thế hệ nhạc sĩ trẻ với những cảm quan nghệ thuật hiện đại; góp phần gìn giữ, tôn vinh những giá trị đạo đức, tư tưởng và phong cách của Người.
Sức sống và tầm vóc của tư tưởng Hồ Chí Minh

Sức sống và tầm vóc của tư tưởng Hồ Chí Minh

Trong xã hội hiện đại, dấu ấn con người và các trào lưu tư tưởng dễ bị lu mờ bởi những vấn đề đương đại nóng bỏng. Vượt qua thách thức đó, Hồ Chí Minh là hiện tượng hy hữu của lịch sử khi đã trở thành huyền thoại ngay từ khi còn sống và “độ lùi” của thời gian càng tôn vinh sức sống, tầm vóc tư tưởng của Người.