Những kết quả tích cực ở Đoan Hùng

Bài và ảnh: QUANG ĐÔNG

Thứ Hai, 20/02/2017 19:47
Thiết thực học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từ những việc cụ thể, từng cán bộ, đảng viên và người dân huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) đã đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội.
Đi đầu trong phong trào học tập và làm theo Bác, đảng viên Nguyễn Công Hoan (người bên trái) ở thôn 3, xã Ca Đình đã phát triển kinh tế hộ gia đình, trồng chuyên canh cây bưởi Diễn đạt hiệu quả kinh tế cao.
Đi đầu trong phong trào học tập và làm theo Bác, đảng viên Nguyễn Công Hoan (người bên trái) ở thôn 3, xã Ca Đình đã phát triển kinh tế hộ gia đình, trồng chuyên canh cây bưởi Diễn đạt hiệu quả kinh tế cao.

Ca Đình chuyển biến

Ca Đình từng là xã nghèo thuộc Chương trình 135 của huyện Đoan Hùng. Sau khi con đường vào xã được Nhà nước đầu tư, hoàn thành năm 2014, giao thông thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, nhiều thôn trong xã Ca Đình vẫn chưa có nhà văn hóa thôn do không có đất để xây dựng. Người dân ước ao, cán bộ xã trăn trở nhưng không tìm đâu ra vài trăm mét vuông đất ở trung tâm thôn để xây nhà văn hóa. Đầu năm 2014, Đảng ủy và chính quyền xã bàn và thống nhất phát động phong trào toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới, tập trung vận động nhân dân hiến đất mở mang đường sá, lắp điện chiếu sáng đường thôn, làm nhà văn hóa thôn, rồi cử cán bộ xuống cơ sở để vận động nhân dân.

Chủ trương của Đảng ủy được người dân đồng thuận. Phong trào hiến đất, đóng góp tiền của, công sức để sửa sang đường sá, lắp mạng điện chiếu sáng đường thôn, vệ sinh đường làng ngõ xóm được dấy lên khắp các thôn. Được cán bộ xã đến nhà vận động, gia đình ông Nguyễn Văn Xuân đã hiến tặng 2.000 m2 đất vườn để thôn 5 xây nhà văn hóa không đòi hỏi một đồng tiền bồi thường.

Ở thôn 7, gia đình ông Lê Văn Trúc cũng thống nhất hiến tặng mảnh vườn 500 m2 nằm sát đường trục của xã cho thôn xây nhà văn hóa, dù biết nếu đem bán sẽ thu được vài trăm triệu đồng.

Học và làm theo Bác một cách cụ thể trong phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và quê hương phải kể đến sự kiên trì của những đảng viên có tuổi ở Ca Đình. Gia đình ông Nguyễn Văn Khoa (thôn 3), một đảng viên, thương binh thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp cùng con trai đã nỗ lực phát triển kinh tế từ 40 ha đồi rừng. Trồng rừng keo nguyên liệu kết hợp mô hình gia trại chăn nuôi, xen cây ăn quả, đã mang lại doanh thu ổn định hơn 400 triệu đồng/năm cho gia đình ông. Một đảng viên nhiều tuổi khác, ông Nguyễn Công Hoan cũng ở thôn 3 (nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã) với vườn bưởi Diễn hơn 100 gốc trồng từ 12 năm nay, cho thu nhập đều đặn hơn 160 triệu đồng/năm. Những gương đảng viên tiêu biểu này giúp lan tỏa việc học tập và làm theo Bác trong cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn xã.

Thiết thực học tập và làm theo Bác, thanh niên ở Ca Đình cũng có các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong phong trào “Lập thân, lập nghiệp - phát triển kinh tế, làm giàu trên quê hương”. Điển hình như đoàn viên Lâm Quang Vinh ở thôn 7, xã Ca Đình, đã quyết định lập trang trại nuôi lợn với quy mô lớn.

Sau 3 năm sản xuất, hiện trang trại của anh Vinh luôn có 30 đầu lợn nái sinh sản, 100 đầu lợn thịt thương phẩm; năm 2016 trang trại mang lại lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng. Tới đây anh sẽ tiếp tục mở rộng chuồng trại chăn nuôi và tăng quy mô đầu lợn, cải tạo khoảng 1.000 m² ao của gia đình để nuôi ba ba. Anh luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ về khoa học kỹ thuật, cây, con giống… để các đoàn viên, thanh niên khác có điều kiện phát triển kinh tế, làm giàu trên quê hương.

Bí thư Đảng ủy xã Lê Xuân Dụ cho biết: Ca Đình đã đạt 14 trong số 19 tiêu chí nông thôn mới. Đảng bộ xã với 143 đảng viên luôn đi đầu gương mẫu trong phát triển kinh tế-xã hội. Đảng bộ xã vừa ban hành nghị quyết chuyên đề về giữ gìn môi trường, thực hiện mỗi gia đình có một hố đốt rác.

Để tiếp tục lan tỏa việc tốt

Thực hiện Chỉ thị 05 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Huyện ủy Đoan Hùng đã cụ thể nội dung kế hoạch chương trình công tác, chỉ đạo các chi bộ, đảng bộ trong toàn huyện bám sát các chỉ thị, hướng dẫn của Tỉnh ủy, chú trọng chất lượng, xây dựng chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên.

Tại Đoan Hùng, tất cả các cơ quan, ban, ngành đã rà soát, bổ sung xây dựng chuẩn mực đạo đức phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cơ quan, đơn vị được xác định cụ thể. Phần lớn các lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu từ huyện đến cơ sở, cán bộ, đảng viên đã nhận thức rõ trách nhiệm nêu gương, tự giác đi đầu trong học tập và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể. Đó cũng là một trong những giải pháp cơ bản để tạo sự lan tỏa, lôi cuốn, mở rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn huyện.

Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Đoan Hùng Lê Văn Phượng cho biết, là một huyện miền núi, Đoan Hùng xác định hai khâu đột phá là kết cấu hạ tầng then chốt và kinh tế đồi rừng mà trọng tâm là cây bưởi Đoan Hùng. Trong đó, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên và nhân dân đã góp phần tích cực giúp cán bộ phát huy khả năng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nguồn nhân lực ở các xã khó khăn như Ca Đình, Tiên Sơn, Yên Kiện, Phúc Lai...

Yêu cầu quan trọng của việc học tập và làm theo Bác là gắn với thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Do đó, Huyện ủy Đoan Hùng thường xuyên kiểm tra, đánh giá và đã chỉ rõ, phân tích cụ thể nguyên nhân những hạn chế, yếu kém trong thực hiện của một số chi, đảng bộ, rút kinh nghiệm và đề ra giải pháp khắc phục. Việc nâng cao ý thức trách nhiệm, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt các cấp đã góp phần thực hiện có kết quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh trên địa bàn Đoan Hùng.

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.