Những "Ngôi nhà 100 đồng"

PHẠM THỊ TOÁN (Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Ðồng Tháp)

Thứ Sáu, 09/01/2015 19:00
Ngôi nhà nhỏ mang dòng chữ "Ngôi nhà 100 đồng" chỉ là một hình ảnh tượng trưng, nhưng thông qua đó là những việc làm thiết thực, những tình cảm chân thành làm ấm lòng đồng đội, để họ xiết chặt hàng ngũ, kề vai sát cánh bên nhau, phấn đấu hết sức mình cho đất nước bình yên.
Trung úy Ðỗ Minh Kha nhận ngôi nhà mới xây từ chương trình "Ngôi nhà 100 đồng".
Trung úy Ðỗ Minh Kha nhận ngôi nhà mới xây từ chương trình "Ngôi nhà 100 đồng".

Dự trại sáng tác ảnh nghệ thuật thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 9 vừa tổ chức tại Ðồng Tháp, chúng tôi ai nấy đều ngỡ ngàng khi đến đơn vị bộ đội nào cũng có một ngôi nhà nhỏ chỉ vài mét vuông với dòng chữ: "Ngôi nhà 100 đồng". Có sự nhầm lẫn gì không? Tại sao lại có ngôi nhà giá trị chỉ 100 đồng? Thật ngạc nhiên, đó là sự thật! Với tinh thần "tích tiểu thành đại", chương trình tiết kiệm xây dựng "Ngôi nhà 100 đồng" vừa triển khai nhưng đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo cán bộ, đoàn viên, thanh niên toàn đơn vị.

Ðây là một cách làm hay, tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn thiết thực, góp phần động viên, giúp đỡ những quân nhân có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ vững tin và yên tâm trong cuộc sống, nhiệt tình, trách nhiệm trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của bản thân và đơn vị.

Trong những năm qua, các chiến sĩ thuộc lực lượng đoàn viên, thanh niên Quân đội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, nhất là nêu gương, nhân rộng các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", phát huy tính xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ trong thực hiện nhiệm vụ. Từ cuộc vận động này, nhiều mô hình, việc làm của thanh niên đã mang lại hiệu quả, trong đó, đặc biệt ấn tượng với ý tưởng chương trình "Ngôi nhà 100 đồng" đã và đang được xây dựng trong các đơn vị bộ đội.

Phó Bí thư Ðoàn cơ sở Trung đoàn Bộ binh 9, Trung úy Trần Thanh Phong, một trong những "thủ lĩnh" triển khai chương trình này tại đơn vị cho biết: Hiểu được ý nghĩa cao cả của chương trình, Ðoàn Thanh niên của đơn vị đã tham mưu cho chỉ huy xây dựng kế hoạch, hướng dẫn và tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, chiến sĩ. Chúng tôi xây dựng ngôi nhà có chiều dài 1,2 m, rộng 0,8 m và cao 1,5 m, mặt trước có một lỗ vuông (0,3 m x 0,3 m) để đưa các loại phế liệu vào; phía trước hoặc phía sau làm một cửa để khi phế liệu đầy có thể lấy ra dễ dàng.

Mỗi đồng chí khi đi học tập, lao động tăng gia sản xuất có ý thức thu lượm những mẩu sắt, chai nhựa, lon bia, mảnh nhôm, giấy vụn... mang về để vào "Ngôi nhà 100 đồng". Sau một đến hai tháng sẽ đem bán phế liệu. Trợ lý thanh niên Trung đoàn Trần Thanh Phong còn tính cụ thể: "Mỗi lon nhôm giá năm trăm đồng, mỗi kg chai nhựa nước uống giá thị trường tám nghìn đồng. Trung bình quân số một chi đoàn gần 90 đoàn viên, hằng tháng thu gom bán cũng hơn 900 nghìn đồng. Một phần số tiền này được giữ lại đơn vị để thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà "Tình đồng đội - Ngôi nhà của ước mơ và hạnh phúc". Trong hai năm 2012-2013 đã thu được 121 triệu đồng, sáu tháng đầu năm 2014 thu được 22 triệu đồng bán phế liệu từ các "ngôi nhà 100 đồng" này.

Nói về hiệu quả của mô hình, Chính ủy Trung đoàn 9, Trung tá Huỳnh Minh Triết cho biết: "Ngôi nhà 100 đồng" là một chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Quán triệt chỉ đạo của cấp trên, Chỉ huy Trung đoàn chủ động triển khai thực hiện đến tất cả cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng, trong đó có sự đóng góp, tham gia tích cực của tuổi trẻ Ðoàn Thanh niên. Ðể chương trình "Ngôi nhà 100 đồng" phát huy hiệu quả và tạo thành phong trào rộng lớn, đơn vị tập trung tuyên truyền sâu rộng để cán bộ, đoàn viên, thanh niên thấy được ý nghĩa của việc tiết kiệm tiền xây nhà tặng người nghèo, tự giác đăng ký thực hiện tiết kiệm xây dựng "Ngôi nhà 100 đồng".

Ðiều quan trọng nhất, chương trình tiết kiệm này đã làm chuyển biến từ nhận thức đến hành động của cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong tuổi trẻ quân sự. Ý thức tập thể, tinh thần "mình vì mọi người", thói quen tiết kiệm theo lời dạy của Bác Hồ được phát huy cao độ, hiệu quả cao trong mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên nhằm giáo dục ý thức tiết kiệm, từ đó phát triển thành phong trào tiết kiệm rộng khắp, lan tỏa mạnh mẽ trong cán bộ, chiến sĩ, khẳng định tính tiên phong, gương mẫu và sáng tạo của tuổi trẻ, góp phần tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới...

Trung sĩ Thạch Phone, Tiểu Đội trưởng, Trung đội 9, Ðại đội 7, Tiểu đoàn 5 tâm sự: "Trong giờ giải lao, tôi và tiểu đội tranh thủ đi một vòng thao trường nhặt các chai lọ bỏ vào túi mang về. Mỗi khi đi huấn luyện hoặc hành quân dã ngoại, chúng tôi đều mang theo một chiếc bao để thu gom các chai nước bằng nhựa. Hằng tháng phân đoàn của chúng tôi đều đạt và vượt chỉ tiêu phế liệu trong "Ngôi nhà 100 đồng"".

Trung úy Ðỗ Minh Kha, nhân viên đồ bản, Ban Tham mưu Trung đoàn BB9, quê quán ở Tân Thới, Phong Ðiền, TP Cần Thơ, hiện cư ngụ ở ấp 2, xã Mỹ Ngãi, TP Cao Lãnh (Ðồng Tháp), người đầu tiên được tặng Nhà "Tình đồng đội" từ chương trình "Ngôi nhà 100 đồng" xúc động tâm sự: Tôi lập gia đình năm 2003, cất ngôi nhà nhỏ ở đất cha mẹ vợ cho. Ngày 20/12/2013, Ban Chỉ huy Trung đoàn 9 bàn giao cho vợ chồng tôi ngôi nhà. Ðể xây dựng ngôi nhà, Trung đoàn hỗ trợ nhân công, theo dõi công trình và kết hợp với gia đình xây dựng căn nhà có diện tích 64 m2, kết cấu vách tường, mái lợp tôn, nền lát gạch men; chi phí 80 triệu đồng. Trung đoàn hỗ trợ 50 triệu đồng trích từ chương trình "Ngôi nhà 100 đồng", gia đình đóng góp thêm để xây dựng căn nhà khang trang, vững chắc, có giá trị sử dụng lâu dài.

Ngôi nhà vượt quá mơ ước của vợ chồng tôi. Gia đình tôi rất hạnh phúc. Từ nay, vợ con có nơi ở ổn định. Tôi vô cùng cảm ơn sự giúp đỡ của đơn vị và chính quyền địa phương; sẽ phấn đấu vươn lên trong công tác, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin tưởng, thương yêu, giúp đỡ của lãnh đạo, chỉ huy của anh em đồng đội.

"Ngôi nhà 100 đồng" là một phong trào mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực, hiệu quả. Tuy số tiền xuất phát điểm không lớn nhưng việc làm đó đã thể hiện tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị bộ đội, luôn đoàn kết thống nhất, đồng cảm, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, trên tinh thần tương thân, tương ái giúp đỡ nhau lúc khó khăn, phát huy tốt truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, "Lá lành đùm lá rách" của dân tộc ta.

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.