Lãnh đạo Tổng cục Chính trị QĐND tham quan các sản phẩm khoa học của Trung tâm Kỹ thuật thông tin công nghệ cao. |
Lãnh đạo nêu gương
Mới đây, đồng chí Vũ Văn Dũng, sinh năm 1985, cán bộ Trung tâm Kỹ thuật Thông tin công nghệ cao được phong quân hàm trước niên hạn từ thượng úy lên đại úy do có nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học.
Đồng chí là chủ nhiệm Đề tài: "Nghiên cứu, chế tạo bộ bảo vệ VSAT", lắp đặt bảo vệ các trạm VSAT trên các đảo, nhà giàn thuộc quần đảo Trường Sa và một số loại tàu hoạt động trên biển nhằm giảm hỏng hóc các thiết bị thông tin VSAT trong môi trường biển đảo; tiết kiệm cho ngân sách hàng tỷ đồng. Đón nhận niềm vui ấy, Đại úy Vũ Văn Dũng từ tốn: "Ở đơn vị tôi, mỗi cán bộ, kỹ sư đều là một nhà khoa học. Thành tích của tôi so với đồng đội vẫn còn khiêm tốn lắm!".
Đúng như thế, kết quả nghiên cứu của anh chỉ là một trong hàng trăm đề tài, sản phẩm khoa học do cán bộ, kỹ sư của Trung tâm đã nghiên cứu thành công. Theo Đại tá Lương Anh Tùng, Chính trị viên Trung tâm, chỉ tính trong giai đoạn 2005-2014, Trung tâm đã chủ động tiếp cận, làm chủ các công nghệ nền tảng, kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực viễn thông trên thế giới, hoàn thành 25 đề tài, công trình nghiên cứu, trong đó có một đề tài nhánh cấp Nhà nước, tám đề tài cấp Bộ Quốc phòng,...
Có được kết quả ấy bởi đơn vị biết phát huy trí tuệ tập thể và tinh thần đoàn kết của bộ đội, trong đó yếu tố hàng đầu là việc nêu gương của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị.
Ở Trung tâm Kỹ thuật Thông tin công nghệ cao, đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy các cấp là những nhà khoa học đầu ngành về lĩnh vực bảo đảm thông tin liên lạc. Đến nay, 100% số cán bộ các cấp đã tham gia hoặc chủ trì đề tài khoa học cấp ngành trở lên. Việc lãnh đạo, chỉ huy tham gia nghiên cứu khoa học là một phần việc bắt buộc, được nêu trong nghị quyết, kế hoạch công tác thường xuyên của cấp ủy, chỉ huy.
Theo Thượng tá Tạ Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Thông tin công nghệ cao, anh đang trăn trở về đề tài được đăng ký cấp Nhà nước, nhằm phục vụ đắc lực cho công tác quản lý, chỉ huy chiến đấu. "Việc cán bộ chủ trì tham gia nghiên cứu khoa học cũng giống như bắn mũi tên trúng nhiều đích: Vừa giúp cán bộ không ngừng học tập, nâng cao trình độ; vừa góp phần nâng cao chất lượng bảo đảm thông tin liên lạc trong điều kiện xã hội số, tác chiến điện tử... Đặc biệt, việc nêu gương của người chỉ huy tự nó sẽ tạo ra phong trào nghiên cứu khoa học rộng khắp đơn vị", Thượng tá Tạ Việt Hùng chia sẻ.
Để công tác nghiên cứu khoa học đạt hiệu quả, ngoài việc quản lý, điều hành, lãnh đạo, chỉ huy trung tâm còn có mặt ở phần lớn các hội đồng khoa học của Bộ Quốc phòng và Nhà nước, tham dự đầy đủ các hội nghị liên quan lĩnh vực thông tin liên lạc quân sự, các hội thảo do nhà cung cấp thiết bị thông tin tổ chức... Mấy năm gần đây, nhất là từ khi thực hiện chủ trương xây dựng Binh chủng thông tin liên lạc tiến thẳng lên hiện đại, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị phải lăn lộn đi cơ sở, đến tận các trạm thông tin nhỏ lẻ để nghiên cứu, triển khai ứng dụng các đề tài.
Trên dưới cùng đồng hành
Không chỉ nêu gương cho cấp dưới trong nghiên cứu khoa học, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị còn thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn học viên cao học; tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ, điều hành, hướng dẫn nghiên cứu khoa học của đơn vị;...
Để nâng cao chất lượng đội ngũ, Đảng ủy, chỉ huy Trung tâm đã mạnh dạn giao nhiệm vụ khó và mới để tôi luyện cán bộ trẻ. Ví như, năm 2006, khi nghiên cứu hoàn thiện một loại phần mềm vi-ba, Đảng ủy quyết định giao nhiệm vụ viết phần mềm cho đồng chí Nguyễn Tiến Duy, một cán bộ vừa ra trường. Đây là nhiệm vụ rất khó, sau sáu tháng nghiên cứu, Nguyễn Tiến Duy đề nghị chuyển hướng nghiên cứu. Thế nhưng, lãnh đạo đơn vị đã "tiếp lửa" bằng cách cử một phó giám đốc trung tâm trực tiếp kèm cặp, cùng nghiên cứu. Nhờ đó, Nguyễn Tiến Duy đã thành công với sản phẩm khoa học đầu tay.
Đến nay, Đại úy Nguyễn Tiến Duy được tin tưởng giao giữ cương vị Trưởng Ban Nghiên cứu công nghệ, là chuyên gia số 1 về xử lý tín hiệu. Với cách làm ấy, đội ngũ cán bộ khoa học của trung tâm tuy trẻ về tuổi đời nhưng có kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học, hoàn thành tốt các chương trình, dự án khoa học lớn của Nhà nước, Bộ Quốc phòng.
Song song với việc tự bồi dưỡng, từ năm 2000, Trung tâm chủ động "đi tắt đón đầu" tổ chức các lớp tập huấn tiếp cận các công nghệ nền tảng, công nghệ mới như: Thiết kế số DSP và kỹ thuật lập trình lại FPGA; chủ động đề nghị cử cán bộ đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài, đào tạo cao học tại các cơ sở uy tín. Đảng ủy Trung tâm thực hiện chủ trương giao nội dung nghiên cứu cho cán bộ theo học các lớp cao học, tiến sĩ thực hiện ngay trong quá trình học tập, để sau khi ra trường đề án tốt nghiệp của họ có thể ứng dụng được ngay. Bằng cách làm đó, sản phẩm sau học tập của nhiều cán bộ, kỹ sư đã phục vụ hiệu quả công tác bảo đảm thông tin liên lạc.
Cùng với đó, đơn vị đẩy mạnh các chính sách khuyến khích, tạo động lực tham gia nghiên cứu khoa học cho cán bộ trẻ, như Đại úy Vũ Văn Dũng, trước khi được phong quân hàm trước niên hạn, anh đã được Binh chủng khen thưởng với nhiều hình thức và sẽ được cử đi đào tạo thạc sĩ kỹ thuật ở nước ngoài. Những chính sách, chế độ đối với cá nhân có thành tích đều được công khai trên các phương tiện thông tin và hệ thống giao ban theo ngành dọc...
Có lẽ, bằng cách làm đó mà mỗi cán bộ, kỹ sư ở Trung tâm Kỹ thuật Thông tin công nghệ cao luôn đam mê sáng tạo, yêu mến đơn vị và khát khao cống hiến cho quân đội, đất nước.