Mô hình trồng rau của hộ nông dân ở huyện Trảng Bàng. |
Ngày nay, những người nông dân ở Tây Ninh học và làm theo Bác bằng những hành động thiết thực, không quản nhọc nhằn, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Trời chưa sáng, bà Phạm Thị Liên, 66 tuổi, xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên, đã ra vườn cao-su rộng gần 21 ha. Theo bà Liên, chịu khó thu hoạch mủ sớm thì bán sẽ có giá. Ðây cũng là thời gian biểu bất di bất dịch của bà trong gần 10 năm qua. Nhớ hồi được cha mẹ cho ra riêng với cặp bò và 2 ha đất bạc màu, bà vừa đi cày mướn, vừa khai phá đất hoang, rồi có tiền tích lũy mua một chiếc máy cày để đi cày thuê. Ngày ấy, cày thuê được trả công bằng đất, cho nên dần dần bà có được cơ ngơi ổn định. Bà lại nuôi gà thả vườn, mua máy ấp về để bán gà giống...
Không chỉ vươn lên làm giàu, bà còn giúp hàng trăm nông dân trong vùng có việc làm ổn định.
Tấm Huân chương Lao động hạng ba mà Nhà nước tặng nữ đảng viên Phạm Thị Liên đã nói lên nỗ lực không mỏi mệt của bà, đồng thời ghi nhận đóng góp của bà đối với xã hội. Bà Liên vui vẻ tâm sự: Mong muốn của Bác lúc sinh thời là "ai cũng có cơm ăn, áo mặc", cho nên tôi muốn góp phần giúp bà con trong ấp, trong xã đủ ăn, đủ mặc. Ai đủ rồi thì động viên họ cố gắng làm giàu để giúp người khác còn cơ hàn. Hiện, thu nhập bình quân hằng năm của tôi là 1,8 tỷ đồng, nhưng học và làm theo tư tưởng của Bác, lao động là vinh quang, tôi chưa bao giờ ngừng làm việc.
Cũng suy nghĩ như bà Liên, nông dân, đảng viên Phan Văn Thà (thị trấn Tân Biên) nỗ lực làm giàu từ cây khoai mì (sắn). Ông cho biết, từ lúc chỉ có 6 ha đất, gia đình đã kiên trì lao động, tích lũy trong 20 năm để hiện giờ có hơn 150 ha đất sản xuất với thu nhập khoảng 5,5 tỷ đồng/năm. Yêu lao động và gắn bó quê hương còn nghèo, ông thu nhận thường xuyên 60 nông dân trong vùng và phân công việc tùy theo sức từng người để "ai cũng có tiền lo gia đình, cho con cái ăn học". Ông còn nhận phụng dưỡng suốt đời Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và hai trẻ em tàn tật.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Hoàng nhắc lại: Bác Hồ quan tâm đến mọi tầng lớp trong xã hội, nhưng Người đặc biệt quan tâm giai cấp nông dân và nhiều lần nêu cao vai trò của người nông dân. Bác viết: Ruộng rẫy là chiến trường/Cuốc cày là vũ khí/Nhà nông là chiến sĩ/Hậu phương thi đua với tiền phương. Thấm nhuần lời Bác, qua việc đẩy mạnh các phong trào thi đua, Tây Ninh đã có nhiều mô hình sản xuất được nhân rộng, tạo điều kiện cho nhiều hộ nông dân có thu nhập ổn định.
Ðiển hình như hộ gia đình ông Khâu Kiến Sơn (huyện Tân Châu) với trang trại 100 ha cao-su, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 50 lao động. Ông còn giúp đỡ xây bốn căn nhà cho hộ nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn; hằng năm đóng góp cho ngân sách địa phương hàng chục triệu đồng. Gia đình ông Ðặng Văn Hùng (huyện Tân Biên) trồng 30 ha cao-su, 10 ha mía và còn thuê thêm 40 ha để trồng mía, mì. Trang trại của ông giải quyết việc làm cho 20 lao động địa phương theo công nhật.
Ông đã dùng phương tiện của gia đình để tham gia tu sửa 7 km đường giao thông nông thôn. Bà Nguyễn Thị Thanh Hoàng (huyện Dương Minh Châu) với lợi nhuận thu được hằng năm là 3,2 tỷ đồng từ kinh doanh đại lý phân bón, đã đóng góp giúp đỡ xây 17 căn nhà đại đoàn kết và còn hiến sáu phần đất ở cho sáu hộ dân xây nhà…
Năm 2018, Hội Nông dân tỉnh đăng cai tổ chức Hội thi tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc. Qua cuộc thi, đã phát hiện gương nông dân trẻ Tạ Văn Minh (45 tuổi, xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu) làm giàu từ cây mía. Với số tiền vay khoảng 20 triệu đồng để mua phân bón, cộng với tính siêng năng, cần cù, chăm chỉ, chăm sóc mía kỹ lưỡng, chọn giống mía ít sâu bệnh cho nên ruộng mía nhà anh Minh cho năng suất cao. Không chỉ làm giàu cho mình, anh Tạ Văn Minh thường xuyên phổ biến kinh nghiệm sản xuất cho bà con nông dân ở địa phương, đã giúp đỡ 30 người vay vốn để sản xuất.
Nông dân Nguyễn Ðăng Thuận (64 tuổi, TP Tây Ninh) được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài 202 ha đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, ông còn thuê thêm 700 ha đất ở Cam-pu-chia để trồng mía. Với quy mô lớn như vậy, ông đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 1.200 lao động của địa phương, giúp họ có thu nhập ổn định. Ông Thuận còn hiến 1,5 ha đất để làm đường giao thông nông thôn, góp phần tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới. Ông thật sự là nông dân sản xuất giỏi, biến "tấc đất" thành "tấc vàng", xứng đáng để học hỏi.
Bà Dương Thị Thanh (62 tuổi, huyện Tân Biên) chia sẻ: Tôi nghĩ làm theo Bác trước hết là phải tạo được sự đoàn kết trong nội bộ người dân, xóm làng, phải sống có nghĩa, có tình với bà con lối xóm, hòa nhã, giúp đỡ nhau làm ăn, "lá lành đùm lá rách" trong những lúc khó khăn để cùng nhau vươn lên làm giàu chính đáng. Với tấm lòng ấy, đều đặn hằng năm, gia đình bà có những hoạt động giúp đỡ hộ khó khăn trong xã với số tiền khoảng 25 triệu đồng. Gia đình bà duy trì hiệu quả mô hình trồng điều cao sản trên 7 ha đất, cho doanh thu bình quân hơn 3,5 tỷ đồng/năm. Hiện nay, mô hình đã được nhân rộng thực hiện ở nhiều hộ nông dân trong xã và các xã khác trên địa bàn huyện.
Bình dị và cao quý, những người nông dân ở Tây Ninh luôn cố gắng không ngừng, bền bỉ vươn lên làm giàu từ sức lao động với nghị lực phi thường, suy nghĩ nhạy bén, dám đương đầu với khó khăn, vất vả, đồng thời không ngừng xây dựng và lan tỏa tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau có cuộc sống ngày càng ấm no. Họ luôn động viên nhau, chăm chỉ lao động, sáng tạo, có ý chí vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của mình, góp phần xây dựng quê hương, là hành động thiết thực học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách vĩ đại của Bác Hồ.