Những tấm gương làm theo lời Bác ở Ðức Thọ

Bài và ảnh: ANH THÀNH

Thứ Tư, 02/01/2013 17:44
Lấy gương người tốt, việc tốt để giáo dục là cách tốt nhất để xây dựng con người mới, cuộc sống mới. Thời gian qua, nhiều cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn huyện Ðức Thọ (Hà Tĩnh) đã có nhiều việc làm thiết thực, góp phần lan tỏa, cổ vũ việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Hệ thống dẫn nước phục vụ tưới tiêu huyện Ðức Thọ được đầu tư kiên cố hóa.
Hệ thống dẫn nước phục vụ tưới tiêu huyện Ðức Thọ được đầu tư kiên cố hóa.

Ôn hòa và nhẫn nại vốn là đức tính của người già nhưng đồng thời cũng là "thế mạnh" được đồng chí Nguyễn Thanh Tân phát huy có hiệu quả trong công tác Ðảng trên địa bàn dân cư. Cũng vì lẽ đó, cho nên nhiều năm nay, đồng chí Tân luôn được chi bộ và nhân dân tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ thôn Yên Thọ, xã miền núi Ðức Lạng.

Thôn Yên Thọ có 100 gia đình, phần lớn làm nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn, Yên Thọ từng chứng kiến người dân bỏ nhà, bỏ ruộng xuống phố thị kiếm việc làm thuê. Nhưng nay thì khác, chính trên mảnh đất này, nhiều gia đình đã hình thành cung cách làm ăn mới, đạt hiệu quả kinh tế cao, có người là chủ trang trại xum xuê hoa trái, có hộ trở nên khá, giàu, xây được nhà cửa khang trang, mua sắm nhiều tiện nghi sinh hoạt giá trị.

Có được những kết quả trên, bên cạnh sự nỗ lực của các hộ dân, còn có sự vào cuộc tích cực, trực tiếp của đồng chí Bí thư chi bộ thôn Nguyễn Thanh Tân. Nhiều người dân ở đây khẳng định: Ðồng chí Tân thật sự là "cánh tay nối dài của Ðảng", luôn gần dân, hiểu dân. Chính bởi những việc cụ thể, thiết thực, gần gũi, có hiệu quả của đồng chí Tân đã giúp bà con hiểu rõ nội dung nghị quyết, chỉ thị của Ðảng và các văn bản pháp luật của Nhà nước có liên quan đời sống lao động hằng ngày của bà con. Trong sinh hoạt chi bộ, với phương pháp điều hành mềm dẻo, linh hoạt, đồng chí Tân luôn gợi mở, khuyến khích đảng viên tích cực phát biểu ý kiến, dân chủ thảo luận để đi đến sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Qua đó, ban hành và triển khai, thực hiện hiệu quả việc đưa nghị quyết của chi bộ, của Ðảng bộ vào cuộc sống.

Không chỉ tích cực vận động, tuyên truyền người dân biết phát huy lợi thế về đất đai, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng mô hình kinh tế theo hướng đa cây, đa con, đồng chí Tân còn nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu, góp phần tạo sự đoàn kết, đồng thuận trong nhân dân. Nhờ đó, nhiều phong trào như làm giao thông nông thôn, vì người nghèo, làm nhà đại đoàn kết, bảo đảm an ninh trật tự,... ở Yên Thọ luôn thu hút đông đảo người dân tham gia. Ðược biết, không chỉ là Bí thư chi bộ có uy tín, có trách nhiệm với chi bộ, với nhân dân, đồng chí Tân còn là người ông, người bố, người chồng mẫu mực trong gia đình.

Tâm sự với chúng tôi, đồng chí Tân bày tỏ: Việc nhiều khi bận nhưng vui, vì thấy mình trẻ lại, được chung sức với mọi người tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới.

Suy nghĩ của chị Võ Thị Liên ở xóm 4, xã Yên Hồ hợp với chủ trương của địa phương về việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi kết hợp phát triển dịch vụ, thương mại. Sau khi bàn tính với chồng, chị Liên quyết định vay thêm vốn và đầu tư nuôi vịt, mở lò ấp trứng. Vừa làm vừa học hỏi thêm kinh nghiệm từ sách, báo và những kiến thức tại các lớp tập huấn của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, chị Liên đã áp dụng thành công trong chăn nuôi. Hiện gia đình chị có đàn vịt 300 con, mỗi ngày cho từ 200 đến 250 trứng.

Cùng với lò ấp trứng hoạt động liên tục, trung bình mỗi ngày đem lại cho gia đình chị từ 200 nghìn đến 400 nghìn đồng. Không bằng lòng với hiện tại, vợ chồng chị còn đầu tư mở ki-ốt kinh doanh vật tư, phân bón, giải quyết việc làm ổn định cho năm, sáu lao động trong thôn. Nghị lực và tinh thần vươn lên trong học tập, lao động sáng tạo đã giúp gia đình chị thoát nghèo, trở thành một trong những hộ điển hình về phát triển kinh tế gia đình của xã.

Có điều kiện kinh tế, vợ chồng chị Liên nhiệt tình và giàu lòng giúp đỡ bà con chòm xóm. Ai thiếu vốn, cần tham khảo kỹ thuật, cách thức chăn nuôi, vợ chồng chị Liên đều sẵn sàng nhiệt tình giúp đỡ. "Giúp người, chính là giúp mình thành công hơn" - Chị Liên bộc bạch.

Ðường giao thông của ba xã Trung Lễ, Bùi Xá và Ðức La giờ không những được mở rộng mà còn liên thông, tạo thông thương hàng hóa và thuận tiện trong sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân trong vùng. Ðến thăm một số gia đình nơi đây, bên chuyện dồn điền, đổi thửa, chúng tôi được nghe nhiều về chuyện góp công, góp sức để làm đường giao thông liên thôn, liên xã.

Theo nhiều người dân xã Ðức La, nhờ có những người tiên phong, gương mẫu, trong đó có đảng viên Lê Văn Thành, nên người dân mới có sự "đổi đời" như thế. Từng kinh qua chiến tranh và với tinh thần "đảng viên đi trước, làng nước theo sau", đảng viên Lê Văn Thành đã ba lần tình nguyện hiến đất cùng việc chặt bỏ nhiều diện tích hoa màu của gia đình, để Nhà nước làm đường giao thông. Dự án giao thông liên xã nói trên, có nhiều diện tích phải giải tỏa song do nhiều nguyên nhân, hơn 10 hộ trong diện phải giải tỏa chưa đồng tình. Cân nhắc thiệt hơn, trước mắt và lâu dài, cá nhân và cộng đồng, đảng viên Thành đã tiên phong cùng con cháu tự nguyện tháo dỡ hàng rào, di dời công trình phụ, chặt cây cối của gia đình mình để bàn giao mặt bằng cho Nhà nước, trước sự chứng kiến của nhiều hộ chung quanh.

Việc làm ấy của đảng viên Thành khiến các gia đình trong diện giải tỏa tự giác chấp hành, thậm chí còn thực hiện việc bàn giao mặt bằng trước thời gian quy định, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công đường giao thông liên xã. "Nghĩ lại những lần hiến đất, chặt vườn, có khi nào đồng chí cảm thấy hối tiếc việc mình làm không?"- Tôi hỏi.

Vẫn thoảng nét tươi vui, đồng chí Thành tâm sự: "Trong những năm tháng chiến tranh, dọc đường hành quân, tôi đã tận mắt chứng kiến nhân dân ta hiến đất, phá nhà với tinh thần xe chưa qua, nhà không tiếc. Nay, được Ðảng và Nhà nước quan tâm, đầu tư thảm đường nhựa về cho thôn, xóm, mình cũng được hưởng lợi, vì thế, hiến đất là việc nên làm, so đo thì biết bao nhiêu cho đủ".

Ðến nay, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã trở thành một nội dung sinh hoạt thường xuyên, quan trọng của mỗi cán bộ, đảng viên trong các tổ chức Ðảng, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Ðức Thọ, tạo sức lan tỏa lớn trong cuộc sống thường ngày.

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.