Những tấm gương, những việc làm thiết thực ở Ninh Bình

Hải Ðường và Ðỗ Tấn

Thứ Năm, 10/01/2008 03:34

Luôn đi trước một bước

Năm 2007 có ý nghĩa đặc biệt đối với Ðảng bộ, quân và dân trên mảnh đất cố đô xưa: Kỷ niệm 185 năm thành lập và 15 năm tái lập tỉnh. Ý nghĩa thiết thực nhất của việc kỷ niệm ngày truyền thống là tập trung vào những công việc chưa hoàn thành. Với tinh thần cách mạng và khiêm tốn ấy, Tỉnh ủy Ninh Bình xác định Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" là một động lực tinh thần to lớn để phấn đấu vươn lên trong thời kỳ mới.

Cuối năm 2007, ai về Ninh Bình cũng rất vui khi được biết, tỉnh nghèo trước kia nay đã đứng vào "Câu lạc bộ 1.000 tỷ đồng". Những mùa vàng trên cánh đồng đổi mới có nhiều nguyên nhân, nhưng được khái quát trong cụm từ "luôn đi trước một bước".

Cũng giống những nơi khác, Ban chỉ đạo cuộc vận động ở Ninh Bình là tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy, do ông Ðinh Văn Hùng, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Ban chỉ đạo đã đề ra 15 công việc cụ thể triển khai thực hiện, quy định thời gian hoàn thành.

Ðể tất cả các ban, ngành cùng vào cuộc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra "Quy chế phối hợp giữa Ủy  ban Kiểm tra Tỉnh ủy với Ban Thường vụ Ðảng ủy Công an tỉnh; Ban cán sự đảng Viện KSND tỉnh, Ban cán sự đảng Tòa án Nhân dân tỉnh và tập thể lãnh đạo thanh tra tỉnh trong công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng".

Một việc làm "đi trước" và như nhiều người nói vui là đi thêm một bước: Theo quy định sẽ tiến hành theo ba bước là, tổ chức học tập các chuyên đề, xây dựng chương trình hành động; tổ chức lấy ý kiến quần chúng phê bình cán bộ, đảng viên; tổ chức hội nghị chi bộ thảo luận, liên hệ, tiếp thu phê bình, nhưng Ban chỉ đạo yêu cầu phải có bước thứ tư nữa: Cấp ủy từng cấp thông báo kết quả thực hiện trong chi bộ, đảng bộ, chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm và phương hướng tới. Ở bước này Ban Thường vụ Tỉnh ủy gương mẫu thực hiện trước.

Ði trước trong cuộc thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Bác Hồ, Ninh Bình là tỉnh đầu tiên trong cả nước tổ chức hội thi: Ngày thi diễn ra đúng vào Ngày học đại đoàn kết 18-11.

Chúng tôi băn khoăn, tổ chức sớm như vậy liệu có ảnh hưởng tới công tác chuẩn bị và chất lượng hội thi: Ông Ðinh Chung Phụng, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nói: "Chúng tôi tổ chức thi sớm để có thêm nguồn "tài liệu" tiếp tục tuyên truyền lâu dài. Hội thi đã được chuẩn bị rất kỹ, vì các đảng bộ trực thuộc đã hoàn thành tốt các vòng sơ khảo, chung khảo ở cấp mình. Nếu lùi lại thời gian thi ở cấp tỉnh, có thể giảm "khí thế" của các đơn vị, các đồng chí tham dự hội thi".

Hội thi kể chuyện được mở đầu bằng ca khúc truyền thống ca ngợi Ðảng, Bác Hồ, quê hương. Khi người kể chuyện trình bày, có hình ảnh phim tư liệu minh họa. Nhiều câu chuyện khiến mọi người rưng rưng xúc động, nhất là hình ảnh Bác về thăm và động viên nhân dân Ninh Bình  năm 1959, Bác thăm Nông trường Ðồng Giao, những giây phút cuối cùng trước khi Người từ giã cõi đời...

Giải nhất Hội thi được trao cho cô giáo Mai Thị Thu Hương, 30 tuổi; giáo viên Trường THPT Trần Hưng Ðạo, thành phố Ninh Bình.

Từ chuẩn mực đạo đức đến quy tắc ứng xử

Cùng với việc xây dựng chuẩn mực đạo đức người cán bộ, đảng viên, Tỉnh ủy giao UBND tỉnh xây dựng và ban hành "Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức". Quy tắc ấy nhằm cụ thể hóa các chuẩn mực đạo đức, nhằm trả lời các câu hỏi: làm gì để phục vụ nhân dân tốt hơn, có lợi cho dân, cho nước; làm gì cho quê hương giàu mạnh; làm gì để tăng cường sự đoàn kết thống nhất?

Mục tiêu ban hành các quy tắc này có nhiều điểm quan trọng, nhưng điều đáng chú ý nhất, đây là những chuẩn mực để cán bộ, công chức tu dưỡng, rèn luyện, góp phần tích cực vào việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đồng thời tạo lập nếp sống văn hóa và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Quy chế ứng xử được xây dựng ngắn gọn với hai phần chính: ứng xử trong thi hành nhiệm vụ, công vụ; ứng xử trong quan hệ xã hội. Các quy tắc đều nêu rõ những điều cán bộ, công chức phải làm và không được làm. Xin nêu một dẫn chứng đã và đang được thực hiện tốt.

Ðiều 12, mục 2 của Quy tắc nêu rõ: "Cán bộ, công chức không được lợi dụng việc cưới, việc tang, mừng thọ, sinh nhật, mừng nhà mới, hoặc các hoạt động cá nhân khác để vụ lợi".

Cụ thể hóa thêm một bước, HÐND tỉnh quy định, tất cả cán bộ chủ chốt trong tỉnh phải gương mẫu trong việc tổ chức đám cưới; không dựng rạp trong lễ ăn hỏi; lễ cưới; không dựng rạp ra vỉa hè, lòng đường; không sử dụng xe công, "rồng rắn" trong lễ cưới...

Một số đại biểu HÐND nói, có quy định như thế, nên mùa cưới năm nay thấy "nhẹ" lắm, không thấy ai trách cứ điều gì. Việc này thực hiện được là do các đồng chí lãnh đạo cao nhất trong tỉnh và đội ngũ cán bộ chủ chốt gương mẫu. Sắp tới sẽ nhân rộng trong nhân dân.

Nói đi đôi với làm

Sau một năm Ninh Bình đã làm được những việc gì theo tấm gương đạo đức Bác  Hồ? Có nhiều việc, nhưng khái quát nhất là tỉnh đã gắn việc thực hiện cuộc vận động với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là việc giải quyết những vấn đề bức xúc.

Tại kỳ họp HÐND cuối năm 2007, HÐND, UBND đã báo cáo kết quả và chủ trương triển khai thực hiện các Nghị quyết về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các đề án về tổ chức sản xuất vụ đông và đề án giảm nghèo.

Riêng đề án giảm nghèo sẽ triển khai tích cực ở 23 xã nghèo trong toàn tỉnh với những nhiệm vụ rất cụ thể: giảm nghèo bằng cách nào; giảm bao nhiêu hộ trong năm; không để tái nghèo; đoàn thể nào, ngành nào, đồng chí cấp ủy viên nào phụ trách thôn đó, xã đó?

Ngay trong việc triển khai các bước của cuộc vận động cũng có nhiều tấm gương tiêu biểu. Nhiều người dân thị xã Tam Ðiệp biết câu chuyện anh Dũng, là bộ đội phục viên ở phường Trung Sơn, tự mua một bộ loa đài treo trước cửa nhà để đọc cho bà con trong phố nghe những câu chuyện về tấm gương đạo đức Bác Hồ.

Anh còn đặt chiếc loa nhỏ trên xe máy, đi trên đường phố, tự nguyện làm một tuyên truyền viên về Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Chị Hải, vợ anh là giáo viên dạy văn THCS cùng anh sưu tầm, biên soạn các tài liệu này.

Cụ Ðinh Văn Thân ở thôn Ðường 477, xã Gia Phú, huyện Gia Viễn dành một phần tiền lương hưu, sưu tầm gần 1.000 bức ảnh, đóng thành tập sách ảnh quý. Hôm lên thi kể chuyện ở huyện Gia Viễn cụ đã giới thiệu tập ảnh quý này. Ðể có được tập ảnh, cụ đã phải nhiều lần ra Hà Nội, và Nam Ðàn, Nghệ An, quê Bác, để sưu tầm.

Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh thường mời các nhân chứng lịch sử đến các hội nghị kể chuyện cho thanh niên nghe về tấm gương đạo đức Bác Hồ. Chị Nguyễn Thị Vững, Hiệu trưởng Trường tiểu học xã Ninh Vân, Hoa Lư, lần nào kể chuyện gặp Bác cũng khóc ròng như lần đầu được gặp Bác vậy. Năm 1968 Bác Hồ đã tặng Huy hiệu của Người cho chị.

Các ngành văn hóa, giáo dục - đào tạo đều có những kế hoạch cụ thể tiếp tục triển khai cuộc vận động lớn. Ðó là việc tổ chức chiếu các bộ phim, triển lãm, tranh về  cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ. Ðó là việc xây dựng tủ sách Nguyễn Tất Thành trong các trường học. Ðó là việc tổ chức cho thanh niên, thiếu niên đi thăm nơi ở và làm việc của Bác ở Hà Nội, ở chiến khu Việt Bắc thời kháng chiến, để các em được tai nghe, mắt thấy những hình ảnh giản dị mà vô cùng vĩ đại của Bác Hồ kính yêu. Một căn nhà sàn đơn sơ, một chiếc đài nhỏ, một tấm áo ka-ki, đặc biệt là đôi dép cao-su đã mòn,  đẹp như huyền thoại... là những bài học vô giá về lối sống giản dị, thanh bạch của một người Việt Nam đẹp nhất.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, Hội Văn học - Nghệ thuật đẩy mạnh tuyên truyền gương "Người tốt, việc tốt". Trọng tâm của cuộc vận động trong năm 2008 là: Làm theo gương Bác, có nhiều gương sáng tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, lối sống, nhiều nét đẹp giữa cuộc sống đời thường; Xây đi liền với chống, chống để xây tốt hơn.

Dự kiến vào dịp kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác 19-5 năm nay, Tỉnh ủy Ninh Bình sẽ ra mắt bạn đọc tập I cuốn sách "Người tốt, việc tốt" trong Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

Tin liên quan

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là do bản lĩnh chính trị thiếu kiên định, thiếu vững vàng. Do đó, để cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiệu quả, cần tăng cường giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng chiến tranh nhân dân là một bộ phận trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại.
Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày 15/5/2007, tại Hà Nội, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp Viện Khoa học Xã hội nhân văn Quân sự (Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội thảo khoa học: "Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam", nhân kỷ niệm 50 năm bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lớp chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp, Bộ Quốc phòng về xây dựng Quân đội từng bước tiến lên chính quy và hiện đại (5/1957 - 5/2007) và kỷ niệm 117 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.