Những tấm lòng bao la, những nghị lực phi thường

BẮC VĂN

Thứ Hai, 12/08/2013 19:08
Câu chuyện xúc động của những cô gái không cam chịu tật nguyền vượt lên số phận,... đã để lại ấn tượng khó quên, trong buổi giao lưu các điển hình tiên tiến học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hà Ðông (TP Hà Nội) tổ chức. Cũng như nhiều người, hình ảnh những con người bình dị mà cao quý ấy cứ in đậm trong tâm trí tôi, nhắc tôi cố gắng sống tốt hơn.

Nhìn Hoàng Hồng Kiên ngồi trên xe lăn, không ai nghĩ cô đã đoạt 17 huy chương vàng, chín huy chương bạc tại các kỳ thi Para Games trong nước và quốc tế.

"Con đường nào đến vinh quang cũng lắm chông gai, thách thức. Với những người bị tật nguyền thì thách thức ấy còn lớn gấp bội. Nghị lực bản thân và sự chia sẻ của mọi người, sự quan tâm của xã hội đã giúp tôi có được như ngày hôm nay", Hoàng Hồng Kiên bộc bạch.

Bị liệt cả hai chân từ nhỏ, nhưng khi bước vào tuổi 20, tự nghĩ mình cần phải có một cuộc sống tự lập, cô gái xứ Lạng ngậm ngùi rời quê hương về Hà Ðông tìm việc làm.

Ðã 13 năm trôi qua, nhưng những ngày đầu xa quê, lập nghiệp ấy Kiên không thể quên. Ngỡ ngàng trước cuộc sống đô thị đầy sôi động, Hoàng Hồng Kiên được Hội người mù quận Hà Ðông nhận vào làm việc. Vừa vật lộn với cuộc sống, vừa gắng sức rèn luyện, cô trở thành vận động viên xe lăn của Việt Nam đạt nhiều thành tích mà ít ai nghĩ tới. Năm 2004, nữ vận động viên này kết hôn với một người  cùng cảnh ngộ, bị cụt hai chân và bốn năm sau họ đón nhận đứa con trai chào đời, thật là một niềm vui khôn xiết. Tình yêu mạnh hơn tất cả, người chồng ở nhà chăm con, người vợ ngày ngày trên xe lăn đi bán chổi chít và đến bây giờ họ có đủ vốn liếng thuê một căn phòng gần 30 m2 để mở cơ sở sản xuất tăm tre và chổi chít. Trong ngôi nhà không rộng là mấy, chủ nhà dành nơi trang trọng nhất để treo ảnh Bác Hồ. Hoàng Hồng Kiên tâm sự, mỗi khi gặp khó khăn, tôi thường nhìn lên ảnh Bác cầu nguyện và nhớ lời Người dặn các chú thương binh "tàn nhưng không phế". Thế là tôi như được tiếp thêm sức mạnh để vượt lên tất cả. Giờ đây, khi cậu con trai đã năm tuổi, Hoàng Hồng Kiên tiếp tục tập luyện để mong sớm có mặt trên đường đua.

Cùng với Hoàng Hồng Kiên, chuyện của Phó Chủ tịch Hội người mù Hà Ðông Nguyễn Thị Huyền cũng thật cảm động. Sinh ra trong gia đình mà bố bị nhiễm chất độc da cam, có ba chị em bị khiếm thị, song đều tốt nghiệp đại học. Huyền tốt nghiệp Ðại học Khoa học xã hội và Nhân văn năm 2007; là cộng tác viên Chương trình "Niềm tin ánh sáng" trên kênh VOV giao thông của Ðài Tiếng nói Việt Nam; tham gia diễn đàn đi tìm công lý cho nạn nhân chất độc da cam; dạy chữ Braille; đi biểu diễn quyên góp ủng hộ Quỹ chất độc da cam. Năm 2008, Huyền đoạt giải nhất cuộc thi "Tiếng hát từ trái tim" do Thành Hội người mù Hà Nội tổ chức. Dáng người mảnh mai, nhưng mỗi khi Huyền cất tiếng hát thì tha thiết, dạt dào cảm xúc, nhất là các bài hát Ðêm nghe hát đò đưa nhớ Bác; hay Ðôi dép Bác Hồ. Cô gái khiếm thị 30 tuổi chia sẻ với tôi cô rất thích những bài hát về Bác Hồ, bởi đó là những lời ca giàu cảm xúc yêu thương. Cũng nhờ ca hát và tích cực tham gia các hoạt động xã hội mà cô có nhiều niềm vui làm điểm tựa, để vươn lên trong cuộc sống.

Học tập Bác, làm theo Bác, mỗi người thấy lòng mình trong sáng hơn. Mỗi lời dạy của Người bồi đắp thêm cho mình cách nghĩ, cách sống để làm tròn trách nhiệm với bản thân và gia đình, với công việc và đồng nghiệp.

Suy nghĩ như thế, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Ðông đã sưu tầm những câu nói của Bác Hồ về phụ nữ, giáo viên, công an,... để chị em công tác trong các ngành, các lĩnh vực ấy học tập và làm theo. Sau khi phát hiện, xây dựng các điển hình, Hội thường tổ chức những buổi tọa đàm, giao lưu trao đổi, học hỏi nhau. Chính những buổi sinh hoạt ấy đã trở thành nơi hội tụ của chị em ở các phường, các lĩnh vực công tác được làm quen với nhau, được khích lệ và nhờ thế mà tạo sức lan tỏa của các điển hình. 

Qua trò chuyện với Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Ðông Nguyễn Thị Hảo, tôi càng hiểu trong cuộc sống, chị em thường bận rộn công việc nhiều hơn nam giới, bởi có thêm thiên chức làm mẹ, làm vợ. Hội muốn làm cầu nối cho chị em đến với nhau cùng chia sẻ tình cảm, công việc, tự tin hơn, qua đó nhân lên các tấm gương điển hình, làm cho việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thiết thực, hiệu quả hơn.

Trong những điển hình phụ nữ Hà Ðông học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, mỗi người làm việc ở một lĩnh vực, có cách nghĩ riêng, nhưng ở họ có điểm rất chung là giàu nghị lực, giàu lòng nhân ái và luôn luôn nghĩ về tương lai, lo cho thế hệ mai sau.

Tin liên quan

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Sinh thời, Bác Hồ đã sớm nhận thấy vị thế của ngành than là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, tạo bước đà cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước vững mạnh, giàu đẹp. Chính vì thế, Người đã luôn chú ý và dành nhiều sự quan tâm cho vùng mỏ nói chung, ngành than nói riêng.
Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.