Tới Phân trại Hang Luồn, thuộc Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi mới thấu hiểu được phần nào công việc của những người quản giáo. Họ là người mang đến cho phạm nhân sự hối cải và ước mơ làm lại cuộc đời mà Ðại úy Ðỗ Thanh Xuân là một thí dụ.
Với vai trò Bí thư chi bộ, lãnh đạo của phân trại, anh vừa phải làm tốt công tác xây dựng Ðảng vừa chăm lo đời sống, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu cho các chiến sĩ. Ðể bảo đảm tốt việc giáo dục, quản lý các chiến sĩ trẻ, anh Xuân và lãnh đạo phân trại đã thường xuyên tổ chức những buổi tọa đàm, trao đổi thông tin với gia đình các chiến sĩ, nhằm thông báo kịp thời về tình hình công việc hoặc ưu, khuyết điểm của từng người. Từ đó, cùng bàn bạc và đưa ra những phương pháp giáo dục các chiến sĩ được tốt hơn. Chiến sĩ nào vi phạm nội quy của trại thì bị phân loại A,B,C để từ đó uốn nắn, nhắc nhở kịp thời về tác phong làm việc cũng như phong cách giao tiếp với phạm nhân và gia đình họ.
Nhằm giúp các chiến sĩ trẻ lạc quan và tích cực phấn đấu trong công việc, Ðoàn thanh niên của phân trại thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, đọc sách... qua những hoạt động như vậy, đã xuất hiện một số điển hình mà tiêu biểu là Thượng sĩ Hoàng Công Ðoàn. Ghi nhận thành tích của anh, chi bộ đơn vị đã nhất trí bồi dưỡng và giới thiệu kết nạp Ðảng cho anh.
Với anh Xuân ngoài việc quản lý, giáo dục tốt các đồng đội trẻ thì ở cương vị người quản giáo của phân trại, anh luôn ghi nhớ những lời Bác Hồ dạy về phương pháp giáo dục con người "Hiền dữ phải đâu tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên", để từ đó áp dụng vào công việc hằng ngày của mình là cảm hóa, giáo dục các phạm nhân.
Nghe anh Xuân tâm sự, tôi mới biết con đường phạm tội của mỗi phạm nhân là khác nhau và mỗi người lại có những hoàn cảnh éo le riêng. Nhiều phạm nhân khi mới vào trại, họ rất sợ sệt và xa lánh mọi người chung quanh. Một số phạm nhân cá biệt thì thích gây sự, phá phách các dụng cụ làm việc và đồ dùng sinh hoạt. Trước hoàn cảnh đó, anh Xuân và các cán bộ quản giáo phải áp dụng nhiều phương pháp giáo dục khác nhau. Ðầu tiên là tạo sự thân thiện gần gũi, tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình của mỗi phạm nhân. Từ đó giúp họ sửa chữa lỗi lầm bằng hình thức tham gia học tập nội quy và lao động sản xuất tại phân trại. Nếu phạm nhân nào không chấp hành tốt nội quy thì lãnh đạo phân trại sẽ không giải quyết cho thăm gặp gia đình.
Cùng chung suy nghĩ như Ðại úy Ðỗ Thanh Xuân, Trung tá Nguyễn Văn Phẳng, Phó Trưởng phòng PC35, Phó giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Quảng Ninh nói với chúng tôi: Xác định rõ đặc thù công việc của mình nên các thế hệ chiến sĩ của phòng PC35 đều thấm nhuần lời dạy của Bác khi giáo dục những người lầm lỗi. Phương pháp giáo dục đó, phải xuất phát từ tấm lòng nhân ái và sự cảm thông sâu sắc đối với hoàn cảnh của mỗi người. Gặp những phạm nhân ở đây, chúng tôi được nghe câu chuyện đầy ý nghĩa. Cứ mỗi dịp kỷ niệm Ngày thành lập lực lượng công an nhân dân.
19/8, phân trại Hang Luồn lại nhộn nhịp khách phương xa về. Những người từng là phạm nhân của phân trại, nay trở thành những công dân có ích cho xã hội, họ thường đưa cả gia đình đến Hang Luồn để tặng cán bộ, chiến sĩ ở đây những bó hoa tươi thắm. Một số người ở xa không đến được thì gửi thư chúc mừng và họ không quên ghi những lời cảm ơn chân thành của mình tới cán bộ, chiến sĩ phân trại Hang Luồn...
Theo đồng chí Thượng tá Phạm Việt Cường, Phó Trưởng phòng PX15, Công an tỉnh Quảng Ninh, sau hai năm triển khai thực hiện Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ đã xuất hiện nhiều đơn vị, tấm gương sáng của cán bộ, chiến sĩ trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; sửa đổi lối làm việc. Số đơn thư và thông tin qua "đường dây nóng" liên quan đến cán bộ, chiến sĩ giảm 32%; số cán bộ, chiến sĩ được khen thưởng tăng gần 20%...