Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) thật nhộn nhịp những ngày này. Mỗi năm Khu tưởng niệm đón tiếp gần 15 nghìn lượt khách từ trung ương, các tỉnh bạn và người dân trong vùng đến báo công với Bác Hồ.
Năm 1982, Ðảng bộ nhân dân các dân tộc thị trấn Nghĩa Lộ khởi công xây dựng vườn cây, ao cá Bác Hồ, nay là Khu tưởng niệm Người. Ngày khánh thành Khu tưởng niệm đã 25 năm, nhưng với ông Ðồng Văn Nghịch, cán bộ về hưu tổ 12, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ, thì sự kiện ấy mãi mãi không quên.
Vinh dự là đơn vị có Khu tưởng niệm Bác Hồ, Ðảng bộ và nhân dân các dân tộc thị xã Nghĩa Lộ đã triển khai thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" với quyết tâm cao nhất. Từ đó, tạo chuyển biến đáng kể về nhận thức và ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Các cấp ủy xác định thực hiện Cuộc vận động là nhiệm vụ chính trị quan trọng gắn với các phong trào ở địa phương.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy cho biết: Yếu tố cơ bản nhất để tạo chuyển biến trong việc nhận thức đầy đủ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu nội dung Cuộc vận động là tinh thần trách nhiệm nghiêm túc, tính chủ động, sáng tạo trong việc đề ra biện pháp, triển khai của cấp ủy, chính quyền cơ sở, nhất là vai trò của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị.
Bệnh viện đa khoa Nghĩa Lộ nơi mà trước đây nhân dân vẫn phàn nàn về thái độ, tinh thần khám, chữa bệnh của một số y, bác sĩ thì nay 100% số cán bộ cam kết thực hiện lời dạy của Bác Hồ về y đức. Bác sĩ Hà Thị Thúy tâm nguyện: Ðiều đầu tiên học tập ở Bác Hồ là tinh thần vì nhân dân phục vụ. Có chứng kiến công việc của đội ngũ y, bác sĩ ở đây mới thấy hết những khó khăn vất vả của bệnh viện tuyến 4. Nhiều công trình đang bề bộn thi công, phòng khám, điều trị thiếu, thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu, nhưng những chiến sĩ áo trắng luôn tận tình trách nhiệm với người bệnh. Ðiển hình là ca cắt gan mà ở cấp bệnh viện cấp tuyến chưa thể làm được.
Cuối năm 2007, bệnh nhân Phạm Tùng Dương nhập viện trong trạng thái mất máu nặng, số lượng hồng cầu chỉ còn 1/3 do tai nạn giao thông. Toàn viện đã khẩn trương hội chẩn quyết định phẫu thuật, ca phẫu thuật kéo dài gần năm giờ và phải truyền tái tạo 3.000 ml máu. 13 ngày sau, bệnh nhân xuất viện, ổn định về sức khỏe. Với bệnh nhân tâm thần Hoàng Thị Nhân, người không nơi nương tựa bị tai nạn giao thông gẫy chân phải từ khi vào viện đã hơn hai tháng, y, bác sĩ đã thay nhau chăm sóc chu đáo.
Nhiều bệnh nhân nghèo không có tiền thuốc men, không có đủ quần áo mặc, bệnh viện vừa vận động cán bộ, viên chức ủng hộ, vừa chăm sóc tận tình. Hiện nay, các khoa đều có tủ quần áo ấm do cán bộ, viên chức ủng hộ để giúp đỡ những người bệnh nghèo. Hầu hết bệnh nhân ở các khoa có chung nhận xét: đến khám, điều trị tại đây được bác sĩ, y sĩ chăm sóc tận tình, không có hiện tượng vòi vĩnh hoặc gây phiền hà. Ðể có được chuyển biến này, tập thể các phòng khoa, cá nhân đều nêu cao vai trò, ý thức trách nhiệm.
Từ sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên đã lan tỏa đến nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân ở các xã, phường. Nghĩa An là xã có 95% số dân là đồng bào dân tộc Thái, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Triển khai thực hiện Cuộc vận động, cán bộ chủ chốt xã phân công nhau giúp đỡ từng thôn bản; đảng viên giúp đỡ từng gia đình, phát triển ngành nghề, xóa đói, giảm nghèo. Ðảng viên không có con cháu bỏ học, tổ chức hiếu, hỷ tiết kiệm gọn nhẹ, giữ vững nét đẹp truyền thống của địa phương.
Việc gì cũng đưa ra nhân dân bàn bạc, cho nên nhiều việc khó đã tìm được cách tháo gỡ như giải phóng mặt bằng xây dựng nhà văn hóa cụm dân cư, xây dựng đường giao thông nông thôn, xóa nhà dột nát. Cán bộ trong xã thuộc diện hưởng lương tự nguyện trích 5% mỗi tháng để giúp các gia đình xóa nhà dột nát và đã vận động quyên góp được 24 triệu đồng.
Ðến phường Trung Tâm, đi trên con đường bê-tông nối liền quốc lộ 32 với đường Ðiện Biên, Bí thư Chi bộ tổ 17, Trần Huấn cho biết, con đường vừa làm xong trước Tết 20 ngày, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tổ đóng góp hơn 20 triệu đồng. Nhiều hộ tự nguyện phá tường rào để mở rộng đường. Tất cả cũng nhờ triển khai tốt Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Ông Huấn bộc bạch, chi bộ có 20 đảng viên, toàn tổ dân phố có 56 hộ thuộc nhiều thành phần. Khi triển khai Cuộc vận động, chi bộ lo lắm, khó là số đảng viên chủ yếu là cán bộ về hưu, già yếu. Nhưng sau khi triển khai thì hầu hết đảng viên và nhân dân đã nhận thức rõ hơn, đầy đủ hơn về ý nghĩa Cuộc vận động. Chi bộ đã nghiêm túc kiểm điểm; mỗi đảng viên tự liên hệ từng việc làm của mình với xã hội, với gia đình, với dòng họ, với chi bộ, với bà con xóm phố, từ đó đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức và việc làm. Nét nổi bật là việc gương mẫu, trách nhiệm hơn trong thực hiện các nghĩa vụ công dân, tham gia xây dựng tổ dân phố văn hóa, phong trào khuyến học; đóng góp xây dựng đường bê-tông; ủng hộ người nghèo; tham gia giữ gìn trật tự trị an khu phố.
Kinh nghiệm là để Cuộc vận động được triển khai sâu rộng, hiệu quả thì từng địa phương, đơn vị phải triển khai đồng bộ trong đảng bộ, trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội mà gương mẫu đi đầu là việc học và làm theo lời Bác của từng cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Phải chú ý vấn đề nhận thức của một bộ phận cấp ủy, đảng viên và quần chúng nhân dân chưa sâu, chưa đúng, cho rằng Cuộc vận động chỉ dành cho cán bộ, đảng viên đương chức, là chống lãng phí, tiêu cực.
Ðể Cuộc vận động đi vào chiều sâu, cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát, gắn với thực hiện các nghị quyết của Ðảng, thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu trong toàn đảng bộ và cả hệ thống chính trị.