Những việc làm thiết thực ở Ninh Bình

NGUYỄN VĂN

Thứ Hai, 13/03/2017 19:08
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Ninh Bình tổ chức triển khai các bước khá bài bản, đồng bộ, kết hợp giữa tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức với xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến có sức lan tỏa. Từ đó tạo những chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội.
Cô giáo Đỗ Thị Bắc, Trường tiểu học xã Phú Long, huyện Nho Quan (Ninh Bình) hướng dẫn học sinh làm bài tập.
Cô giáo Đỗ Thị Bắc, Trường tiểu học xã Phú Long, huyện Nho Quan (Ninh Bình) hướng dẫn học sinh làm bài tập.

Cuộc trò chuyện ngắn ngủi với bác sĩ Nguyễn Thị Thủy để lại trong tôi ấn tượng khó quên. Mới đầu, nghe chị kể về công việc chăm sóc người bệnh hằng ngày, thật khó hiểu điều gì làm cho chị say mê với công việc đến thế. Chuyện những người bệnh tâm thần đánh nhân viên điều dưỡng ở Trung tâm không hiếm, có lần bị đấm túi bụi vào đầu, làm tối sầm cả mặt mũi.

Dạo ấy, chị lại đang nuôi con nhỏ, một số người thân khuyên nên xin chuyển cơ quan khác. Giọng chị trầm xuống, đó chỉ là “sự cố” do người bệnh lên cơn, không ý thức được hành vi của mình, cho nên không có gì phải bận tâm. Điều làm tôi trăn trở nhất là hình ảnh người bệnh vật vã trong cơn đau do vết thương tái phát. Thương họ vô cùng mà chỉ biết quay mặt đi gạt nước mắt. Bố là sĩ quan quân đội, bác ruột là liệt sĩ, tôi thấm thía sự hy sinh, mất mát vì chiến tranh của các bác ấy không gì bù đắp nổi. Chính vì nghĩ như thế mà tôi gắn bó với Trung tâm điều dưỡng này 22 năm nay.

Cảm thông, chia sẻ với người bệnh, chị đã vận động hộ lý lấy quần áo, chăn màn cũ khâu lại cho những người bệnh tâm thần, vì họ hay bị kích động xé nát quần áo; vận động cán bộ, viên chức ở khoa quyên góp quần áo cho người bệnh. Từ đề xuất của chị, lãnh đạo đơn vị áp dụng thành công phương pháp quản lý người bệnh theo mô hình “quản lý mở”, để người bệnh được sinh hoạt trong không gian rộng của Trung tâm có sự phối hợp, giám sát của nhân viên điều dưỡng, như đánh cầu lông, chơi cờ, tập thể dục, đọc sách báo; tổ chức đón giao thừa tại đơn vị, để người bệnh thấy như được vui Tết cùng gia đình. Hiện, chị là Đảng ủy viên Đảng bộ Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan, Bí thư Chi bộ 5; Trưởng khoa 4 - một khoa mới thành lập theo đề nghị của chị, điều trị người bệnh nhiễm chất độc hóa học là con của người tham gia các cuộc kháng chiến trước đây.

Tấm gương bác sĩ Nguyễn Thị Thủy là một trong số hơn 400 tập thể, cá nhân được Tỉnh ủy Ninh Bình tôn vinh trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh 5 năm qua. Cách làm của Ninh Bình khá bài bản, đồng bộ, từ soạn tài liệu, tổ chức học tập nghiên cứu sâu các chuyên đề đến việc làm theo lời Bác trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở các địa phương, cơ quan, đơn vị, gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giải quyết các vấn đề bức xúc ở cơ sở.

Vinh dự là địa phương được Bác Hồ về thăm tháng 3/1959, huyện Yên Khánh có nhiều phong trào, việc làm thiết thực thúc đẩy phát triển kinh tế, chăm lo các vấn đề xã hội. Huyện ủy ban hành nghị quyết về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; đảng viên ở cơ quan cấp xã dự sinh hoạt với chi bộ thôn, xóm, cùng bàn việc sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Đến nay, huyện Yên Khánh có gần 200 mô hình phát triển kinh tế, với tiêu chí 100 triệu đồng/mô hình, như nuôi cá ở xã Khánh Thủy; nuôi chim bồ câu kết hợp chăn nuôi gà ở xã Khánh Thiện; trồng nấm, mộc nhĩ ở các xã Khánh Hồng, Khánh Trung.

Các cấp bộ Đoàn cơ sở huy động hơn 90 triệu đồng xây dựng nhà tình nghĩa tặng các mẹ liệt sĩ; tổ chức “Lễ thắp nến tri ân”, chương trình "Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam", kết quả đã xây dựng quỹ được 75 triệu đồng; phối hợp Hội Chữ thập đỏ huyện tổ chức cho 250 đoàn viên thanh niên tình nguyện hiến máu nhân đạo được 90 đơn vị máu,...

Ở huyện Kim Sơn, một trong những việc làm thiết thực theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ là giải quyết các vấn đề phức tạp từ cơ sở. Thường trực Huyện ủy tổ chức hàng chục hội nghị đối thoại với bí thư chi bộ, trưởng xóm, khối phố, trưởng ban công tác mặt trận, đại biểu của 298 khu dân cư,… Từ đó, tập trung chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Hợp tác xã nông nghiệp Trì Chính sau 20 năm không đại hội được; bàn giao tài chính, ngân sách tại xã Kim Trung; triển khai lập dự án san lấp vị trí quy hoạch xây dựng sân thể thao huyện; tổ chức giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các dự án đường 10, đường DT 481 qua địa bàn huyện,...

Gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, các đơn vị công an tỉnh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp và phối hợp Mặt trận Tổ quốc tổ chức 664 buổi diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân” và nhận được 6.366 ý kiến góp ý, trong đó 5.092 ý kiến biểu dương, 854 ý kiến phê bình, 420 ý kiến đề nghị. Thông qua diễn đàn, lực lượng công an các cấp thấy rõ hơn ưu điểm để phát huy và thiếu sót để khắc phục. Những ý kiến phê bình đúng được lãnh đạo các đơn vị tiếp thu và định thời gian khắc phục, giải quyết.

Trong từng đơn vị, trên các lĩnh vực công tác, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương điển hình có sức lan tỏa trong đời sống xã hội. Một trong những điển hình đó là cô Đỗ Thị Bắc, giáo viên Trường tiểu học xã Phú Long, huyện Nho Quan, có thành tích xuất sắc trong dạy học và bồi dưỡng học sinh giỏi. Đã nhiều năm nay, cô mời học sinh về nhà hướng dẫn, luyện bài tập và không bao giờ lấy tiền học thêm của các em. Năm học 2015-2016, có 21 học sinh do cô bồi dưỡng đoạt giải các cấp huyện, tỉnh về giải toán bằng tiếng Việt và tiếng Anh; có một em đoạt Huy chương Đồng cấp quốc gia về giải toán bằng tiếng Anh.

Cô Đỗ Thị Bắc nhiều năm là giáo viên dạy giỏi; vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cô tâm sự, niềm vui lớn nhất với tôi là khi được thông báo các em đoạt giải, kể cả các cấp huyện, cấp tỉnh hay quốc gia. Đó là sự đền đáp của trò với thầy, cô giáo rồi; và đó cũng là vinh dự của những người làm nghề “trồng người” như chúng tôi.

Để có nhiều việc làm thiết thực, có sức lan tỏa, theo các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình là phải triển khai đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, chọn những chương trình, công việc trọng tâm tập trung thực hiện. Tỉnh ủy lấy năm 2016 làm năm “Nếp sống văn hóa công sở”, theo đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hiện đến các chi bộ, nhằm tạo chuyển biến về tác phong, phong cách làm việc văn minh, hiện đại.

Chủ đề năm 2017 là Nêu gương về đạo đức và trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Trong các buổi sinh hoạt chính trị dưới nghi thức chào cờ đầu tuần, đây là một trong những nội dung được các cấp ủy đánh giá, biểu dương kịp thời những việc làm tốt, nhắc nhở nơi thực hiện chưa nghiêm. Đó là cách “tiếp lửa” cho các phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở Ninh Bình ngày càng có nhiều việc làm thiết thực.

Tin liên quan

Nơi hội tụ và lan tỏa sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Nơi hội tụ và lan tỏa sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, với lòng biết ơn vô hạn vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, đặc biệt là đồng bào, chiến sĩ miền nam, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã ra quyết định bảo vệ, bảo quản và giữ nguyên trạng nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch.
Vùng quê cách mạng làm theo lời Bác

Vùng quê cách mạng làm theo lời Bác

Mấy ngày qua, nhiều đoàn cán bộ, học sinh, sinh viên, nhân dân ở các xã, thị trấn trong và ngoài huyện Vĩnh Lợi đến viếng, thắp hương, báo công với Bác Hồ tại Đền thờ Bác ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu).
Học tập và làm theo Bác Hồ đã trở thành nét đẹp văn hóa

Học tập và làm theo Bác Hồ đã trở thành nét đẹp văn hóa

Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" là sự tiếp nối, kế thừa và phát huy kết quả đạt được của các giai đoạn trước.
 Hồ Chí Minh - Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh

Hồ Chí Minh - Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh

Mùa Xuân Tân Sửu 1961, Bác Hồ có Thơ mừng năm mới gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, trong đó Người viết: “Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”. Đó là mùa xuân đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội III (tháng 9/1960) của Đảng, đẩy mạnh cách mạng giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc vì cuộc sống ấm no, sung sướng, hạnh phúc của nhân dân.