Niềm vui được giúp người nghèo khó

Bài và ảnh: Ngọc Liên

Thứ Hai, 23/01/2017 19:28
Hơn 10 năm qua, Hội Từ thiện xã Viên An, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) lặng lẽ xây cầu, làm đường giao thông nông thôn, giúp các em học sinh nghèo hiếu học được đến trường, giúp đỡ trẻ mồ côi, người già neo đơn không nơi nương tựa…, chung tay cùng chính quyền địa phương xoa dịu phần nào nỗi bất hạnh của những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Chủ tịch Hội Từ thiện xã Viên An, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) Võ Thị Lệ Hằng thăm hỏi bà Phạm Thị Chừng, gia đình khó khăn, neo đơn ở địa phương.
Chủ tịch Hội Từ thiện xã Viên An, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) Võ Thị Lệ Hằng thăm hỏi bà Phạm Thị Chừng, gia đình khó khăn, neo đơn ở địa phương.

Cùng các hội viên Hội Từ thiện xã Viên An, chúng tôi đến thăm bà Phạm Thị Chừng ở ấp Ông Trang, xã Viên An là gia đình chính sách, neo đơn, chồng là liệt sĩ, bản thân bà từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bà Chừng năm nay 75 tuổi. Ở tuổi xưa nay hiếm, lại do di chứng bệnh tật từ khi tham gia chiến trường hành hạ, bà phải nằm viện thường xuyên. Từ nhiều năm nay, bà Chừng luôn nhận được sự hỗ trợ của hội, khi bằng tiền mặt, lúc thì cân gạo, hay thang thuốc… nhưng đáng quý trọng là tình cảm, những lời động viên ấm áp mà các hội viên dành cho bà.

Hội Từ thiện xã Viên An thành lập năm 2006, mỗi người tham gia là một hoàn cảnh, nhưng có chung tấm lòng nhân ái muốn được chia sẻ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Khi Bộ Chính trị khóa XI ban hành Chỉ thị số 03 về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các thành viên của Hội Từ thiện xã Viên An càng ý thức rõ hơn việc làm của mình và coi đó là tấm lòng đối với Bác kính yêu.

Nhìn lại 10 năm hoạt động, chị Võ Thị Lệ Hằng, Chủ tịch Hội Từ thiện xã Viên An cho biết: Mục đích của hội là chăm lo cho những người có hoàn cảnh khó khăn, với gần 40 hội viên, các thành viên đến với người nghèo bằng tình thương và trách nhiệm. Và niềm vui lớn nhất của các thành viên trong hội là được giúp người nghèo khó. Nhớ lại cuộc họp đầu tiên của ban chấp hành và 15 thành viên, hội triển khai quỹ dự phòng được hai triệu đồng và sự tự nguyện đóng góp mỗi tháng tối thiểu 50 nghìn đồng/người, chỉ sau nửa năm hoạt động, hội đã vận động được gần 22 triệu đồng.

Sinh hoạt trên địa bàn dân cư sống không tập trung, giao thông chủ yếu là đường thủy, nhất là khi hội mới hoạt động, một số người dân do điều kiện khó khăn, cuộc sống chưa ổn định, nhiều người dân khắp nơi đến lập nghiệp, không có việc làm ổn định, hội sẵn sàng giúp đỡ trong khả năng, giải quyết khó khăn, phần nào hỗ trợ những người nghèo, bệnh tật vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Các cựu chiến binh, gia đình chính sách, chị em bán vé số… đều trích một phần tiền thu nhập ít ỏi đóng góp vào quỹ hội, tạo điều kiện để hội phát triển hiệu quả hơn. Sau 8 năm, số tiền vận động đã lên tới một tỷ đồng, dùng mua 45 tấn gạo cho người nghèo vào dịp Tết; hỗ trợ ba ca bệnh cần chuyển lên tuyến trên là 130 triệu đồng, phối hợp với trạm y tế xã khám và cấp thuốc cho gần một nghìn lượt người với số tiền 30 triệu đồng, cấp thuốc nam 50 triệu đồng,…

Nhiều cái Tết đã qua, bà con nghèo được nhận gạo và quà, được vui Xuân đón Tết; nhiều nhà hư hỏng hoặc các hộ nghèo không có tiền xây nhà, hội đều giúp đỡ. Đoạn đường cua dài gần ba mét, rộng gần sáu mét ở ấp Ông Trang bị sụt lún, hội cũng trích quỹ gần bảy triệu đồng để sửa sang. Nhớ nhất là lần chị Trần Thị Đào, từ ấp Khai Long, xã Đất Mũi đến Trạm y tế xã Viên An trong tình trạng sức khỏe yếu, thai phụ khó sinh, nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và con nhưng hoàn cảnh nghèo khó, không có tiền.

Nhận được tin, dù đã hơn 10 giờ đêm, hội cử một số thành viên đến tận nơi thuê xe, hỗ trợ tiền đưa sản phụ đến Bệnh viện đa khoa Năm Căn kịp thời cứu sống cả mẹ và con. Với việc làm kịp thời cứu người, niềm tin của người dân đối với hội ngày càng nâng cao. Bên cạnh đó, hội phối hợp với cơ quan đoàn thể phát hiện các trường hợp khó khăn để giúp đỡ, nhiều cháu nhỏ được hỗ trợ đồng phục, áo phao, sách giáo khoa để đến trường. Nhiều học sinh hoàn cảnh khó khăn nhưng đạt thành tích xuất sắc trong học tập, hội đã tặng xe đạp, động viên để các em phấn khởi, tiếp tục đạt nhiều thành tích hơn trong học tập.

Thấm nhuần và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII, các thành viên trong hội tích cực tuyên truyền, vận động người hảo tâm tham gia hội để có thể làm nhiều việc thiện và mở rộng sang các địa bàn lân cận để mọi người, mọi nhà cùng nhau góp sức, giúp cho công tác từ thiện thành công hơn, có thêm nhiều hộ nghèo, nhiều hoàn cảnh bất hạnh được giúp đỡ.

Với những việc làm nhân ái xuất phát từ việc học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, tháng 5/2016, Hội Từ thiện xã Viên An được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đây là vinh dự, là sự động viên, khích lệ để các hội viên tiếp tục giữ ấm ngọn lửa nhiệt huyết, nhiệt tình làm nhiều hơn những việc thiện.

Tin liên quan

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Sinh thời, Bác Hồ đã sớm nhận thấy vị thế của ngành than là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, tạo bước đà cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước vững mạnh, giàu đẹp. Chính vì thế, Người đã luôn chú ý và dành nhiều sự quan tâm cho vùng mỏ nói chung, ngành than nói riêng.
Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.