Niềm vui mới từ miền quê Tây Bắc

TRẦN THƯỜNG và NGỌC HIẾU

Thứ Tư, 02/12/2009 22:36

"Bốn cùng" với đồng bào La Hủ

Người La Hủ ở xã Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu) trìu mến gọi thượng tá Phạm Văn Ty, Ðồn trưởng Ðồn biên phòng 309 là anh "bốn cùng". Anh là người có công lớn trong việc mở đường lên vùng cao Pa Ủ cũng như giúp đồng bào La Hủ thoát khỏi đói nghèo. Cách đây năm năm, xã Pa Ủ lúc đó có "bốn không" là điện, đường, trường, trạm y tế. Từ trung tâm huyện muốn lên xã phải đi một ngày đường bằng ô-tô, cộng thêm gần một ngày cuốc bộ. Hệ thống chính trị cơ sở mỏng và yếu, đời sống đồng bào các dân tộc vô cùng khó khăn.

Không thể làm ngơ trước cảnh đồng bào còn đói, khổ, Phạm Văn Ty cùng tập thể chỉ huy đồn nung nấu ý định tìm cách giúp đồng bào thay đổi cuộc sống, tìm cách thoát đói nghèo.

Quyết tâm và được sự đồng thuận của đồng đội, anh Ty bắt đầu từ những chuyến đi "con thoi" từ đơn vị về Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh, về huyện để vận động làm đường từ trung tâm huyện đến xã. Mặt khác, vừa "xin" cán bộ khuyến nông, khuyến lâm lên cắm xã, vừa cắt cử anh em tranh thủ kỳ nghỉ phép tự học, tìm hiểu để có vốn kiến thức về truyền đạt cho dân. Anh đề nghị huyện Mường Tè dành các nguồn vốn xóa đói, giảm nghèo, vốn các chương trình, dự án của Nhà nước đầu tư cho xã để tập trung vào sản xuất nhằm tạo nguồn lương thực giúp đồng bào duy trì cuộc sống trước mắt. Thế nhưng cái khó nhất lại đến từ chính người La Hủ ở đây. Thế là lại vừa vận động, thuyết phục, vừa kiên quyết tổ chức lực lượng triệt phá nhiều mảnh nương trồng thuốc phiện, thu giữ và phá hủy nhiều gói thuốc thành phẩm cùng bàn đèn, ống điếu. Hai năm liền, anh cùng đồng đội có mặt gần như 24/24 giờ ở từng bản của đồng bào.

Ði vào thực tế, anh Ty có cách làm hay, hộ nào đói, các anh cấp gạo, muối kèm theo một điều kiện: Hộ đó phải đi xem bộ đội trồng cây ngô, cây sắn và hứa chăm sóc đến lúc cây được thu hoạch. Sau khi tính toán, anh Ty bàn với anh em chia gạo, muối cho mỗi hộ dùng trong khoảng thời gian nhất định. Ðiều này tránh được việc người nghiện mang gạo, muối đi đổi thuốc.

Ðể ngăn chặn không cho thuốc phiện lọt vào xã, anh thường xuyên phân công anh em theo dõi, kiểm tra nghiêm ngặt những đối tượng lạ mặt khả nghi đi lại trên địa bàn. Ðồng thời anh cũng tìm cách giúp đồng bào cai nghiện; tìm hiểu qua đài, báo thậm chí tìm đến tận trung tâm cai nghiện để xem, để hỏi và bắt tay vào làm. Ðủ mọi phương cách được các anh áp dụng, nào là tuyên truyền, thuyết phục, vận động người có uy tín, ăn cùng, làm cùng, ở cùng, áp dụng thưởng cho người bỏ thuốc được trích từ tiền lương của cán bộ, chiến sĩ...

Cứ từng bước miệt mài như thế, đến thời điểm này, người La Hủ ở Pa Ủ chỉ còn 40% số hộ đói vào lúc giáp hạt. Ðáng mừng hơn trong số 60% số hộ dân còn lại, có gần 10% đã được công nhận thoát nghèo. Số người nghiện cũng giảm nhiều, chủ yếu là người già, không còn sức lao động. Bên cạnh đó, hệ thống chính trị ở xã đã được kiện toàn, từng bước hoạt động hiệu quả.

Tấm gương sáng từ làng, xã

Chúng tôi gặp đồng chí Giàng A Chảo, Bí thư chi bộ bản Sin Páo Chải, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Nậm Loỏng, thị xã Lai Châu. Là một người Mông đã từng được đại diện cho thiếu nhi tỉnh Lai Châu dự trại hè quốc tế tại Cu-ba năm 1973, anh vẫn nhớ như in lời Bác Hồ căn dặn: Ðồng bào các dân tộc miền núi phải biết vươn lên đánh đuổi giặc dốt, giặc đói để xây dựng cuộc sống mới, con cháu được học hành bình đẳng, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và tiến bộ.

Khắc sâu lời căn dặn ấy, anh Chảo đã vận động bà con trong bản không chặt phá rừng làm nương và xuống núi định cư để có điều kiện phát triển kinh tế. Các hộ gia đình ở bản Sin Páo Chải của anh nghe theo, xuống núi và lập thành ba bản hiện nay là Sùng Chô, Thành Lập và Sin Páo Chải.

Không chỉ có vậy, anh Chảo còn vận động bà con trong bản, trong xã xây dựng và thực hiện tốt hương ước, quy ước; xóa bỏ tập tục lạc hậu; giúp đỡ nhau phát triển kinh tế; phát huy bản sắc văn hóa dân tộc... Bản thân anh Chảo luôn tâm niệm: Suy từ mình ra, bà con dân tộc thiểu số chỉ tin và làm theo khi họ thấy được kết quả thực tế. Vì vậy, muốn tuyên truyền, vận động bà con thì bản thân mình phải thực hiện tốt điều cần tuyên truyền đã. Từ suy nghĩ đó, anh cùng gia đình loại bỏ dần các tập tục lạc hậu tốn kém, tập trung phát triển kinh tế trên mô hình ruộng-vườn-ao-chuồng. Hiện nay mỗi năm gia đình anh thu được từ mô hình này khoảng 50 triệu đồng. Từ kinh nghiệm thành công của bản thân, anh Chảo áp dụng và động viên bà con trong dòng họ, trong bản làm theo. Kết quả là bản Sin Páo Chải, nơi anh làm Bí thư chi bộ đã không còn hộ đói, nhà được ngói hóa 100%, được công nhận là bản văn hóa. Thành công ở bản tạo thêm sức mạnh để Giàng A Chảo quyết tâm nhân rộng mô hình ra toàn xã Nậm Loỏng. Ý tưởng của anh đã nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của Ðảng ủy, chính quyền và nhân dân trong xã.

Cũng giống như Giàng A Chảo, đồng chí Cứ A Sử được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ 1, thuộc đảng bộ xã Khun Há (huyện Tam Ðường). Trong lãnh đạo chi bộ cũng như trong cuộc sống, đồng chí luôn tâm niệm: Là cán bộ, đảng viên trước hết phải gương mẫu, đi đầu trong lối sống và việc làm để quần chúng nhân dân học tập, làm theo. Nói phải đi đôi với làm như lời Bác dạy. Từ suy nghĩ đó, đồng chí Sử đã quyết tâm tìm tòi, học hỏi biện pháp phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, đi từ nghèo đói lên no đủ. Chi bộ 1 phụ trách bốn bản, hầu hết là đồng bào Mông, đời sống còn nhiều khó khăn. Thế nên từ tấm gương Cứ A Sử chịu khó làm ăn mà khá giả đã thuyết phục được nhiều hộ làm theo và thành công như hộ ông Cứ A Ký, Cứ A Khoa, Ma A Lù...

Ðến nay, đời sống của bốn bản do chi bộ 1 phụ trách đã có nhiều tiến bộ, bình quân lương thực đạt 450 kg/người/năm; 100% nhà được ngói hóa; hệ thống hạ tầng cơ sở đã được xây dựng đầy đủ; nhân dân đã được chăm sóc về y tế, giáo dục, văn hóa... Anh Sử tâm sự: "Từ khi đời sống của bà con đi lên, chi bộ, chính quyền vận động làm gì cũng thông, cũng được nhất trí cao. Thí dụ như việc làm năm km đường liên bản đều do bà con đóng góp; việc trồng mới 60 ha rừng và nhận bảo vệ hàng trăm ha khác; nhiều hủ tục lạc hậu như ma chay để lâu ngày, cưới cheo tốn kém đã được bỏ hoặc giảm bớt; bà con cũng không nghe, không theo các đối tượng lén lút đến truyền đạo trái pháp luật...".

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lai Châu Lê Xuân Phùng cho biết, tính đến nay, tỉnh Lai Châu đã phát hiện, nêu gương và nhân rộng hàng nghìn tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến làm theo gương đạo đức của Bác trong các lĩnh vực kinh tế, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, văn hóa - xã hội, an ninh-quốc phòng... Con số đó, phần nào cho thấy Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh đã đi vào chiều sâu, gắn chặt với cuộc sống, là kim chỉ nam cho hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, đồng bào các dân tộc ở một vùng Tây Bắc Tổ quốc.

Tin liên quan

Nơi hội tụ và lan tỏa sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Nơi hội tụ và lan tỏa sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, với lòng biết ơn vô hạn vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, đặc biệt là đồng bào, chiến sĩ miền nam, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã ra quyết định bảo vệ, bảo quản và giữ nguyên trạng nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch.
Vùng quê cách mạng làm theo lời Bác

Vùng quê cách mạng làm theo lời Bác

Mấy ngày qua, nhiều đoàn cán bộ, học sinh, sinh viên, nhân dân ở các xã, thị trấn trong và ngoài huyện Vĩnh Lợi đến viếng, thắp hương, báo công với Bác Hồ tại Đền thờ Bác ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu).
Học tập và làm theo Bác Hồ đã trở thành nét đẹp văn hóa

Học tập và làm theo Bác Hồ đã trở thành nét đẹp văn hóa

Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" là sự tiếp nối, kế thừa và phát huy kết quả đạt được của các giai đoạn trước.
 Hồ Chí Minh - Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh

Hồ Chí Minh - Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh

Mùa Xuân Tân Sửu 1961, Bác Hồ có Thơ mừng năm mới gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, trong đó Người viết: “Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”. Đó là mùa xuân đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội III (tháng 9/1960) của Đảng, đẩy mạnh cách mạng giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc vì cuộc sống ấm no, sung sướng, hạnh phúc của nhân dân.