Niềm vui trên quê hương Phú Lộc

Bài và ảnh: THÁI SƠN, ĐĂNG KHOA

Thứ Hai, 19/12/2016 19:51
Năm 2013, Phú Lộc trở thành xã đầu tiên của huyện Hậu Lộc hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, cán đích sớm trước 2 năm. Kinh nghiệm của xã vùng cát ven biển tỉnh Thanh Hóa này là mọi việc đều từ dân, vì dân, đúng như lời Bác Hồ căn dặn “việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm”.
Một buổi học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại Trung tâm học tập cộng đồng xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa).
Một buổi học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại Trung tâm học tập cộng đồng xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa).

Tám điều vì dân

Trong câu chuyện “ôn cố, tri tân”, đảng viên Nguyễn Xuân Hùng, 45 năm tuổi Đảng, ở thôn Xuân Yên, một điển hình làm kinh tế giỏi nhớ lại: Trước đây, đồng ruộng manh mún, sản xuất gặp nhiều khó khăn. Sau khi Đảng ủy xã có chủ trương dồn điền, đổi thửa, quy hoạch lại vùng sản xuất, bà con phấn khởi lắm, bởi họ được cày, cấy trên những thửa ruộng lớn hơn, dễ chăm bón, thu hoạch hơn.

Là đảng viên, chi hội trưởng nông dân, ông Nguyễn Xuân Hùng bắt tay ngay vào chuyển đổi mô hình sản xuất, tập trung nuôi lợn, chim bồ câu, gà, trồng dưa ngọt, bí, xúp lơ ngay sau hoàn thành dồn điền, đổi thửa, thu nhập bình quân 200 triệu đồng/năm. Ông Nguyễn Xuân Hùng trải lòng: Từ khi xây dựng nông thôn mới, chính quyền địa phương quan tâm sát sao, chỉ đạo những việc cụ thể, như xử lý nghiêm quy định không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, bảo đảm an toàn thực phẩm và sức khỏe người dân. Vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm luôn phong quang, sạch đẹp. Bà con tự giác thu gom rác thải về nơi xử lý.

Bí thư Đảng ủy xã Phú Lộc Nguyễn Văn Đăng cho biết, thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Đảng ủy xã ban hành hai nghị quyết chuyên đề: Vận động nhân dân dồn điền, đổi thửa; về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đảng ủy đưa ra phương châm “tám điều vì dân”, đó là dân cần, dân biết, dân bàn, dân góp, dân làm, dân kiểm tra, dân quản lý và dân hưởng thụ. Trong các cuộc họp chi bộ, các đoàn thể đều gắn nội dung này với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Các hội viên hội nông dân, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh đều sưu tầm, học tập những câu nói của Người để tổ chức các phong trào thi đua phát triển sản xuất, xây dựng xóm làng bình yên. Đó cũng là những nội dung chính trong các buổi sinh hoạt chi bộ thôn; sinh hoạt các đoàn thể. Ai làm tốt được biểu dương, động viên, người làm chưa tốt thì nhắc nhở, rút kinh nghiệm. Những việc khó, phức tạp, nhất là dồn điền, đổi thửa, đảng viên xung phong đi trước, có đồng chí chủ động nhận ruộng xa hơn, đất xấu, khó canh tác hơn. Đảng ủy, chính quyền xã thường xuyên có mặt, cùng người dân bàn bạc, khi đồng thuận mới lên phương án triển khai thực hiện. Mọi chương trình công tác, mọi việc đều hướng tới nâng cao chất lượng sống của người dân: xóa đói, giảm nghèo, xây dựng khu dân cư văn hóa.

Xác định kinh tế phải đi trước, Đảng ủy tập trung chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Việc dồn điền, đổi thửa thành công tạo thuận lợi cho tổ chức lại sản xuất 430 ha đất canh tác. Dựa trên lợi thế từng vùng, các thôn bàn cách nâng hệ số sử dụng đất trên diện tích lúa-màu, chuyên màu, từ sản xuất ba vụ lên bốn vụ. Một số nơi tận dụng đất chuyên màu, đầu tư thâm canh, luân canh tới năm vụ/năm theo phương thức “sáng gặt lúa, chiều lên đất làm màu”, không cho đất nghỉ.

Từ những cánh đồng sản xuất khoai tây xuân, dưa hấu, dưa ngọt, lạc thu,… đã nâng giá trị bình quân trên một ha đất từ 77 triệu đồng năm 2010, lên 124 triệu đồng năm 2016. Cùng với chuyển đổi cây trồng, 85 mô hình trang trại tổng hợp được hình thành, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Một số trang trại có hơn 1.200 con lợn nái, đáp ứng cung cấp giống cho các cơ sở chăn nuôi trong nước và xuất sang thị trường Thái Lan.

Để có thị trường tiêu thụ ổn định, xã Phú Lộc thực hiện hiệu quả liên kết “bốn nhà”. Trong đó, luôn coi trọng, phát huy vai trò của hợp tác xã nông nghiệp. Một số doanh nghiệp chuyên kinh doanh rau, quả ở Thanh Hóa, Nam Định đã ký kết tiêu thụ nông sản với nông dân. Nhờ đó, năm 2015, tổng sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của xã đạt năm nghìn tấn, gấp đôi so với năm 2011, giá trị gần 49 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 29,5 triệu đồng/năm.

Khi nông dân là chủ thể

Điều khiến tập thể cấp ủy, chính quyền địa phương luôn trăn trở sau thành công xây dựng nông thôn mới, đó là việc “giữ chân” người dân ở lại quê hương gắn bó với ruộng đồng. Mục tiêu là giữ vững và nâng cao chất lượng 19 tiêu chí nông thôn mới. Chủ tịch UBND xã Phú Lộc Đoàn Văn Nga chia sẻ: Trước đây, khi chỉ sản xuất hai vụ, bà con đi khắp nơi tìm việc làm, tăng thêm thu nhập. Giờ đây, đất không một ngày ngơi nghỉ, người dân chí thú ở nhà chăm chút gia đình, làm giàu trên mảnh ruộng của mình.

Điều kiện kinh tế khá giả, bà con sẵn sàng đóng góp xây dựng nông thôn mới; tổng nguồn vốn huy động 5 năm qua là hơn 216 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp tiền mặt, ngày công xây dựng giao thông nội đồng, thủy lợi, công trình công cộng chiếm hơn một nửa. Các phong trào xây dựng nông thôn mới ngày càng có sức lan tỏa, nhất là phong trào khuyến học, hằng năm, có từ 40 đến 50 học sinh đỗ vào các trường cao đẳng, đại học. Công tác khuyến học, khuyến tài trở thành ý thức, trách nhiệm của mỗi người, mỗi gia đình, dòng họ, khu dân cư với 25 dòng họ hiếu học và 10 khu dân cư hiếu học.

Người dân xã Phú Lộc tự hào là địa phương giàu truyền thống cách mạng, nơi đồng chí Tố Hữu cùng những đảng viên khác tuyên truyền giác ngộ, kêu gọi quần chúng tham gia Việt Minh, đứng lên giành chính quyền khi thời cơ đến; nơi in báo Khởi Nghĩa những năm trước Cách mạng Tháng Tám. Niềm tự hào ấy như mạch nguồn bền bỉ chảy suốt 70 năm qua, hun đúc thành những việc làm cụ thể, những kết quả đầy tự hào.

Đảng bộ xã Phú Lộc 36 năm liền đạt danh hiệu “trong sạch, vững mạnh”; năm 2005, vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu xã Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đảng bộ xã được Tỉnh ủy tặng bằng khen do có thành tích xuất sắc trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Các phần thưởng cao quý đó là động lực để Đảng bộ, nhân dân xã Phú Lộc tiếp tục phấn đấu giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới với những chương trình, việc làm cụ thể, nhất là trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.