Trong quan điểm tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao giờ lời nói cũng phải đi đôi với việc làm; nói sao làm vậy; nói một, làm mười ("kế hoạch một phần, biện pháp phải mười phần"). Người phê phán những người nói một đàng, làm một nẻo, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, thậm chí nói suông mà không làm.
Với Người, nói đi đôi với làm là phẩm chất của người cán bộ, đảng viên. Nó thể hiện lòng trung thực, ngay thẳng, thật thà trong công vụ. Người cho rằng, một cán bộ, đảng viên tốt, khi được giao việc, nếu thấy quá sức mình thì phải báo cáo để cấp trên điều chỉnh cho người khác. Nhưng khi đã nhận rồi, phải làm đến nơi đến chốn, tìm mọi cách để làm cho xong việc; tuyệt đối không được bỏ dở, "đánh trống bỏ dùi".
Trong quá trình thực thi, nếu thấy khó khăn, phải xin ý kiến cấp có thẩm quyền để được giúp đỡ. Người nêu kinh nghiệm trong công tác cán bộ: những người hay khoe khoang công việc, hay a dua, tìm việc nhỏ mà làm, tránh việc lớn, trước mặt thì theo mệnh lệnh, sau lưng thì trái mệnh lệnh, hay công kích, ghen tị với người khác, tự tâng bốc mình, "... những người như thế, tuy họ làm được việc, cũng không phải là cán bộ tốt".
Người rất quý trọng những cán bộ làm việc chăm chỉ, không khoe khoang, ăn nói ngay thẳng, nói đi liền với làm, nói ít làm nhiều, không che giấu khuyết điểm của mình, không ham việc dễ, tránh việc khó, bất kỳ trong hoàn cảnh nào, lòng dạ họ cũng không thay đổi: "... Những người như thế, dù công tác kém một chút cũng là cán bộ tốt".
Ðối với việc học và hành, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lần nhấn mạnh: Trước học một đường, hành một nẻo. Nay phải sửa chương trình làm sao để học thì hành được ngay. Người lưu ý các thầy giáo, các cô giáo phải hết sức chú ý đưa giáo dục "đạo đức công dân" vào trong giáo dục và trong xã hội.
Theo Bác, làm một người công dân của một nước độc lập mà không tự rèn luyện đạo đức thì không thể gọi là công dân chân chính. Công dân mà không rèn luyện đạo đức, sống không có đạo đức sẽ đẩy xã hội đến tiêu cực, làm cho xã hội không có đạo đức. Làm cán bộ, đảng viên, công chức trong bộ máy công quyền lại càng phải có đạo đức, không có đạo đức thì không thể phục vụ nhân dân với đúng nghĩa của nó.
Học tập, rèn luyện đạo đức, mang đạo đức đó ra phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội, chính là gắn học với hành. Ðó là nghĩa vụ của công dân và công chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng, Chính phủ trước hết phải "là đày tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Nhưng khi dân dùng đày tớ làm việc cho mình thì phải giúp đỡ Chính phủ. Nếu Chính phủ sai thì phải phê bình, phê bình nhưng không phải là chửi".
Nói về lý luận và thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: Lý luận và thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau. Lý luận phải xuất phát từ thực tế và thực tiễn là thước đo của lý luận. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, giữa lý luận và thực tiễn có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, tác động vào nhau, tuyệt đối không được bóc tách nó ra.
Tư tưởng, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh về nói và làm; học và hành; lý luận và thực tiễn như bó đuốc soi đường cho cán bộ, đảng viên. Thấm nhuần tư tưởng của Người, nhiều cán bộ, đảng viên đã chịu khó rèn luyện, nói đi đôi với làm, học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn thể hiện sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sự nghiệp cách mạng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xây dựng đạo đức, phong cách công tác cho đội ngũ cán bộ. Người nhận định, bên cạnh mặt tốt của cán bộ là những mặt chưa tốt, như nhiều cán bộ còn mắc bệnh bản vị, chủ nghĩa cá nhân, tham danh vọng, địa vị, dân chủ hình thức, dìm người tài giỏi, không dám dùng những người tài giỏi hơn mình.
Người cho rằng, trong đội ngũ của chúng ta không ít người mắc phải cái bệnh coi nhẹ, xem thường lý luận. Những người này không hiểu rằng, họ đã có thực tế, nếu có thêm lý luận, thì công việc sẽ tốt hơn rất nhiều. Nhưng mặt khác cũng phải thấy rằng, có thứ lý luận lại không xuất phát từ thực tế, chung chung, vô bổ, rút cục, không phải là lý luận, mà là cái gì đó như không tưởng.
Vì vậy, Người yêu cầu mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải ra sức học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế: "Phải chữa cái bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông". Bởi vì, mỗi công việc của Ðảng phải giữ vững tính cách mạng của nó, lại phải khéo dùng những cách thức thi hành cho hoạt bát.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, những khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, công chức không phải một sớm, một chiều là có thể sửa chữa xong. Ðiều quan trọng là "bất kỳ ở hoàn cảnh nào, đảng viên và cán bộ cần phải luôn luôn ra sức phấn đấu, ra sức làm việc, cố gắng học tập để nâng cao trình độ văn hóa, tri thức và chính trị của mình". Bác Hồ lưu ý rằng, "đảng viên và cán bộ cũng là người". Ðã là người thì ai cũng có tính tốt và tính xấu. Vấn đề là ở chỗ phải phát huy những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu, sửa bỏ ngay cái kiểu nói không đi đôi với làm, học không đi đôi với hành, lý luận không gắn với thực tế. Với Ðảng, "khi nghị quyết việc gì, phải cẩn thận, rõ ràng. Khi đã nghị quyết thì phải kiên quyết thi hành".
Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN buộc chúng ta phải đổi mới tư duy. Kinh tế thị trường làm chúng ta năng động hơn trong cách nghĩ, cách làm. Ðất nước năng động hơn. Vận nước đang đi lên tuy còn không ít những chướng ngại, đòi hỏi chúng ta đồng tâm hiệp lực để vượt qua những chướng ngại đó.
Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đang dẫn dắt chúng ta đi tới, nên chúng ta cần vận dụng sáng tạo và phát triển lên tầm cao của thời đại mới. Như Bác Hồ đã nói, đó là thời đại vẻ vang, thời đại thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, của độc lập dân tộc, của hòa bình dân chủ, thời đại của khoa học phát triển rất mạnh. Ðây chính là thời cơ, vận hội cho chúng ta, cần phải nắm lấy để phát triển đất nước.
Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần ra sức rèn luyện đạo đức, lối sống, phong cách công tác theo tấm gương Bác Hồ: Nói đi đôi với làm; học gắn với hành; lý luận gắn với thực tiễn. Trong công vụ, con người cán bộ, công chức, đảng viên được biểu hiện ở hai điểm: tài và đức. Hai cái đó phải gắn chặt vào nhau: Có tài mà không có đức ví như một người làm kinh tế tài chính rất giỏi, nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa.
Các cấp ủy, cán bộ, đảng viên không chỉ làm gương mà còn phải chăm lo bồi dưỡng, giáo dục lớp lớp thanh niên noi theo tấm gương Bác Hồ. Bởi lẽ, lực lượng nòng cốt để biểu thị nói và làm, học và hành, lý luận và thực tiễn trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chính là lớp trẻ (bao gồm thanh, thiếu niên).
Lớp trẻ hôm nay rõ ràng thông minh hơn, năng động hơn rất nhiều so với lớp trước. Thanh niên Việt Nam cần cù, thông minh, học giỏi, chẳng thua kém bất kỳ sinh viên của các nước. Thế hệ thanh niên ngày nay cần thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ:
"Ðối với thanh niên trí thức như các cháu ở đây thì cần đặt lại câu hỏi:
Học để làm gì?
Học để phục vụ ai?"
Ðó là hai câu hỏi cần phải trả lời dứt khoát thì mới có phương hướng để sửa chữa khuyết điểm của mình. Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu lao động, yêu khoa học và kỹ thuật là những đức tính của thanh niên, sinh viên cần tu dưỡng, rèn luyện trong thời kỳ mới theo lời Bác Hồ đã dạy.