Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Bài và ảnh: HỮU TÙNG

Thứ Ba, 22/06/2021 02:47
Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
Mô hình trồng cây chống sạt lở ven sông bảo vệ đường nông thôn ở ấp Đất Sét, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân (Cà Mau) được quần chúng nhân dân đánh giá cao.
Mô hình trồng cây chống sạt lở ven sông bảo vệ đường nông thôn ở ấp Đất Sét, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân (Cà Mau) được quần chúng nhân dân đánh giá cao.

Từ những việc làm vì cộng đồng

Về miệt rừng xã Khánh Lâm (huyện U Minh), hỏi nhà chú Út Giang (Nguyễn Trường Giang, 60 tuổi) ở ấp 3, dân trong vùng biết luôn biệt danh “ông Út vá đường”. Chỉ có 1 ha đất canh tác nông nghiệp, kinh tế không dư dả nhưng hễ nghe ngóng ở đâu có lộ hư hỏng là vợ chồng chú Út có mặt.

“Ông chồng đẩy xe vật liệu đi trước, bà vợ cầm cái xô, cây giá (cây leng) theo sau. Vợ chồng cùng làm, chẳng mấy chốc là cái ổ gà liền mạch trở lại”, ông Ngô Văn Xèng, hộ dân ấp 5 (xã Khánh Lâm) chia sẻ và cho biết: Tiền mua vật tư đi vá lộ do ông Giang đã dùng chính từ trợ cấp thương binh hằng tháng của mình chứ không nhận hỗ trợ từ ai.

Qua nhiều tuyến lộ nông thôn trên địa bàn xã Khánh Lâm, có khá nhiều vết tích bị hư hỏng đã được vá lành nhờ công sức vợ chồng chú Út Giang. Cũng nhờ đó, con em miệt rừng Khánh Lâm đạp xe đi học không vấp ổ gà, té ngã. “Làm vì lợi ích chung, bỏ công nhiều chứ tốn kém là bao. Nếu hổng có vợ chồng tôi thì cũng có người khác”, chú Giang thổ lộ. 

Có điều kiện kinh tế tốt hơn vợ chồng chú Út Giang, nhiều năm qua, bà Lý Ngọc Ngân (68 tuổi, ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) dành nhiều tâm huyết cho các hoạt động tương thân, tương ái. Bằng kinh phí tự có và sự ủng hộ từ bạn bè, người thân, trong 5 năm gần đây, bà đã hỗ trợ cất thêm được hai căn nhà cho hộ nghèo trong ấp; góp tiền giúp nâng cấp con lộ nông thôn ở Đường Đào từ 1,5 m lên 2,5 m.

Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hồ Thị Kỷ Hữu Thành Dự cho biết: Hằng năm, vào những dịp lễ, Tết, bà Ngân còn mua quà, gạo, thực phẩm… để tặng cho nhiều hộ đồng bào Khmer trong vùng, góp phần chung tay với chính quyền xã chăm lo tốt hơn đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.

Ở nhiều vùng quê hẻo lánh của Cà Mau, học và làm theo Bác đều được thực hiện trên tinh thần tự giác, nhưng được lồng ghép với các nhiệm vụ thực tế tại địa phương, xóm, ấp. Như câu chuyện của cựu chiến binh Lê Nghị Diện, Phó chi hội Cựu chiến binh ấp Đất Sét (xã Phú Thuận, huyện Phú Tân), bỏ tiền túi hỗ trợ vốn, cây trồng, vật nuôi... cho 30 hộ khó khăn trong ấp, giúp người dân thoát nghèo.

Chú Diện còn góp tiền, góp ngày công để cùng với hội viên cựu chiến binh, ban nhân dân ấp Đất Sét tham gia san gạt đất đen, trồng cây ven sông chống sạt lở, tham gia sửa chữa lộ, sửa chữa cầu nông thôn bị hư hỏng.

Còn cựu chiến binh Huỳnh Văn Hà (72 tuổi), ở ấp 10 (xã Trí Phải, huyện Thới Bình) thì chia sẻ kinh nghiệm đã làm thành công và hỗ trợ các hội viên thực hiện mô hình đa cây, đa con để tăng thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác. Nhờ đó mà hầu hết gia đình cựu chiến binh của ấp 10 đã vươn lên trở thành hộ khá, giàu. Trong năm 2020 vừa qua, chú Hà còn xuất tiền và vận động thêm từ gia đình, dòng tộc được 150 triệu đồng để xây dựng cây cầu nông thôn ở Kinh Đầu Ngàn.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau Phạm Việt Phong đánh giá: Những hành động, việc làm thiết thực, hữu ích từ người dân thời gian qua đã góp phần chung tay với chính quyền địa phương làm tốt hơn công tác xóa đói, giảm nghèo, tăng gia sản xuất để nâng cao thu nhập của người dân, giúp duy trì và giữ vững các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. 

Cách làm thực chất, tạo sự lan tỏa

Qua sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tại nhiều đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau cho thấy, việc học và noi gương theo Bác luôn được gắn với các phong trào hành động cách mạng, các phong trào thi đua tại địa phương, cơ quan, đơn vị, như: thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không ai bị bỏ lại phía sau”; phong trào “Cán bộ công chức, viên chức thực hiện văn hóa công sở”…

Điển hình như Đảng bộ xã Phú Thuận của huyện Phú Tân, việc học tập và làm theo Bác gắn với xây dựng nông thôn mới. Bám sát mục tiêu chung ấy, các đoàn thể chính trị, xã hội ở xã Phú Thuận đã xây dựng chương trình hành động theo từng bộ tiêu chí nông thôn mới để triển khai, tạo thành phong trào lan tỏa đến quần chúng, nhân dân.

Chẳng hạn, Đoàn Thanh niên tiên phong trồng cây xanh, dọn vệ sinh môi trường, tham gia vận động nhân dân hiến đất làm đường; Hội Nông dân xã có phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; Hội Cựu chiến binh tham gia giáo dục con cháu không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội… Nhờ thực hiện quyết liệt các mô hình, phong trào làm theo Bác mà cuối năm 2020 vừa qua, Phú Thuận được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. 

Làm việc với cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải luôn dành thời gian đề cập đến việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đó là những hành động thiết thực, gắn với nhiệm vụ chính trị và sinh hoạt hằng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân. 

Với phương châm: “Trên trước, dưới sau”; “trong trước, ngoài sau”; học đi đôi với làm theo…, người đứng đầu cấp ủy tỉnh Cà Mau lưu ý: Khi làm theo, phải gắn với hành động, việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Trong đó, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt các cấp và cán bộ, đảng viên có trách nhiệm tự giác học trước, làm trước để nêu gương cho quần chúng nhân dân. 

Từ những lưu ý và nhắc nhở nêu trên mà thời gian qua, học tập và làm theo Bác ở Cà Mau đi vào chiều sâu, thực chất, tránh được kiểu phong trào, qua loa, chiếu lệ. Các mô hình hay, những việc làm tốt cũng được tuyên dương, khen thưởng kịp thời để động viên, khích lệ, tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng.

Tin liên quan

“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.
Nêu gương từ những việc đời thường

Nêu gương từ những việc đời thường

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “...một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, những năm qua, Quảng Bình đẩy mạnh việc nêu gương trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, từ đó tạo ra sự lan tỏa, góp sức chung tay xây dựng nông thôn.