Noi gương Bác trong mỗi việc làm

GS.TS. Nhà giáo Nhân dân Trần Văn Bính

Thứ Năm, 06/09/2007 03:29

Và nếu như có lúc nào đó ta thấy vắng Bác, thì đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết: "Chắc là Người bận chuyến đi xa". Ðó là một điều kỳ diệu trong cuộc sống. Ðiều kỳ diệu đó bắt nguồn từ đâu? Chính là từ chỗ tuy Bác đã đi xa, nhưng sự nghiệp của Người, tinh thần của Người, trái tim nhân ái bao la của Người, đã hòa vào hồn thiêng sông núi, đang từng giờ, từng phút tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta, soi đường cho chúng ta đi.

Ðạo đức Hồ Chí Minh là một bộ phận trong sự nghiệp vĩ đại của Người. Cùng với việc khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Hồ Chí Minh còn để lại cho dân tộc và thời đại một mẫu hình con người Việt Nam tuyệt đẹp. Là lãnh tụ vĩ đại nhưng lại được nhân dân trìu mến gọi là Bác, là Cha. Hai tiếng "Bác Hồ" đã trở thành tên gọi thiêng liêng, gần gũi, thân thương của các thế hệ công dân Việt Nam, từ người già cả đến các em thơ. Ðó lại cũng là một điều kỳ diệu!

Ðạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức của một bậc chí nhân. Nhân là thương yêu con người, là tin tưởng ở con người và sống hòa đồng với mọi người. Thái độ nhân văn đó là "bệ phóng thần kỳ" cho mọi chiến công và sự nghiệp của Người. Khi được nhân dân tín nhiệm, bầu làm Chủ tịch nước, Bác Hồ coi đó như là việc người lính vâng lệnh quốc gia ra mặt trận.

Ở Bác hầu như không có khái niệm quyền lực, hưởng thụ. Người nói, giữa Chủ tịch nước và người công nhân quét rác không có gì khác nhau, nếu cả hai đều hoàn thành tốt trách nhiệm của mình thì đều vinh quang như nhau. Cả đời Bác, Bác chỉ có một ham muốn, "ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn được độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".

Ðiều day dứt nhất đối với Bác là khi được biết một bộ phận nhân dân ta còn nghèo khổ, cơm ăn chưa đủ no, áo mặc chưa đủ ấm, nhiều trẻ em chưa được đến trường. Và đó là điều làm Bác ăn không ngon, ngủ không yên. Chính Bác đã từng nói: gộp nỗi đau của nhiều người thì thành nỗi đau riêng của Bác.

Một lãnh tụ của dân tộc mà ngay trong điều kiện sinh hoạt vô cùng khó khăn và thiếu thốn tại núi rừng Việt Bắc, vẫn thường xuyên tự nguyện bớt khẩu phần  ít ỏi của mình để thực hành hũ gạo nuôi quân. Năm 1954, khi Bác cùng T.Ư Ðảng và Chính phủ về tiếp quản Thủ đô, các đồng chí có trách nhiệm mời Bác nghỉ tại Dinh Toàn quyền để thuận lợi cho công việc, Bác đã kiên quyết từ chối. Bác chọn ở tại phòng của người công nhân điện phục vụ trong Dinh Toàn quyền. Lúc sinh thời, Bác thường đi chiếc xe Pô-bê-đa do Chính phủ Liên Xô tặng. Xe dùng lâu ngày đã quá cũ, anh em phục vụ muốn thay xe mới cho Bác, để gọi là tương xứng với cương vị của Bác. Nhưng Bác đã kiên quyết từ chối. Bác nói: Xe đang dùng được, sao phải thay xe mới.

Những mẩu chuyện như vậy rất nhiều và đáng làm chúng ta suy nghĩ. Bác rất ghét sự xa hoa lãng phí. Bác biết rõ nhân dân ta còn nghèo, nhiều người chưa đủ ăn, đủ mặc. Vì vậy, Bác không muốn và không cho phép mình được hưởng thụ điều kiện sinh hoạt quá khác xa với người dân. Không cho thay xe mới, vì Bác biết để mua một xe mới Nhà nước phải bỏ ra rất nhiều tiền. Số tiền đó lại do lao động, mồ hôi và cả nước mắt của nhân dân làm ra. Mặt khác, khi cuộc sống quá cao sang so với cuộc sống của quần chúng thì tư tưởng, tình cảm cũng dễ trở nên xa lạ với quần chúng.

Ðiều mà Người ao ước là được có điều kiện sống gần dân, hòa đồng với người dân. Hãy nhớ lại những chuyến Bác Hồ về thăm các địa phương. Không có trống dong cờ mở, không có những đoàn xe tấp nập trên đường, không có những bữa tiệc linh đình. Bác biết càng làm như vậy càng sống xa dân, càng khó gần dân và khó hòa đồng với dân. Có nhiều chuyến thăm của Bác mà lãnh đạo các địa phương không được báo trước. Khi lãnh đạo địa phương biết thì đã là lúc Bác đang trò chuyện với bà con, đang đi thăm các cánh đồng, thậm chí đang cùng bà con tát nước chống hạn.

Những ngày cuối đời của Bác cũng là lúc thành phố Hà Nội đang bị cơn lũ lớn đe dọa. Bác biết các đồng chí lãnh đạo đang có kế hoạch chuyển Bác đi một nơi khác để an toàn hơn, đề phòng đê sông Hồng bị vỡ. Biết điều đó, Bác căn dặn các đồng chí lãnh đạo Ðảng và Nhà nước phải có kế hoạch tập trung chỉ đạo nhân dân cứu đê, để bảo vệ cho bằng được tính mạng và tài sản cho nhân dân. Ðó là việc quan trọng nhất. Còn việc chuyển Bác đi nơi khác thì các đồng chí lãnh đạo không cần bận tâm, vì trong lúc khó khăn này Bác càng không thể sống xa dân được. Cũng trong những ngày đó Bác chỉ thị cho Thủ tướng Phạm Văn Ðồng không đi công tác xa, phải ở lại Hà Nội để cùng bà con chống lũ.

Ðó là những câu chuyện cảm động trong cuộc đời của Bác, một lãnh tụ vĩ đại đồng thời là một bậc chí nhân. Bản thân sự nghiệp cách mạng của chúng ta phải là một sự nghiệp mang đầy chất nhân nghĩa. Sức mạnh của chủ nghĩa Mác - Lê-nin cũng bắt nguồn từ đó. Chính Bác Hồ đã nhiều lần căn dặn chúng ta: "Dân tộc ta vốn sống với nhau rất có tình có nghĩa. Từ ngày có Ðảng lãnh đạo, tình nghĩa đó càng phát triển thành tình đồng bào, đồng chí, tình nghĩa năm châu bốn biển một nhà.

Hiểu chủ nghĩa Mác - Lê-nin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lê-nin được". Ta hiểu như thế nào về câu nói đó. Phải chăng Bác Hồ dạy chúng ta rằng chủ nghĩa Mác - Lê-nin là một học thuyết cách mạng, là học thuyết dạy chúng ta biết làm người, biết yêu thương và tin tưởng con người, và biết làm tất cả để mang lại hạnh phúc cho con người. Ai không nhận thức ra điều đó, người đó chưa đủ bản lĩnh để làm cách mạng, chưa thể trở thành một người cách mạng chân chính.

Lúc sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc lớn, Bác của chúng ta vẫn đặc biệt quan tâm giáo dục đạo đức cho toàn xã hội, đặc biệt cho cán bộ, đảng viên. Người căn dặn mọi người phải sống cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Ðối với cán bộ, đảng viên, Người kêu gọi phải đấu tranh chống thói tham ô lãng phí, lạm dụng của công, lên mặt làm quan cách mạng.

Từ năm 1945, ngay sau khi chính quyền cách mạng non trẻ mới ra đời, Bác Hồ đã cảnh báo về nguy cơ tha hóa trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Nguy cơ đó đã bắt đầu từ chủ nghĩa cá nhân "ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn, thử hỏi tiền bạc ấy ở đâu ra? Thậm chí lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức. Ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà ủy viên, cho đến các cô các cậu ủy viên cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó ai phải chịu?".

Hồ Chí Minh đã nêu một tấm gương sáng tuyệt vời về các giá trị chân chính của con người, của cuộc đời. Tấm gương đó không chỉ tỏa sáng cho hôm nay mà cho cả mai sau.

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.