Nơi trao gửi những tình cảm thiêng liêng

Ngày 25-11-1970, trong niềm tiếc thương vô hạn, với lòng kính yêu và biết ơn sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo nguyện vọng của toàn Đảng và toàn dân ta, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định số 206-NQ/TW về việc thành lập Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Khách tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh.Ảnh: THANH HẢI
Khách tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh.Ảnh: THANH HẢI

Gần 50 năm qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh trở thành nơi trao gửi những tình cảm thiêng liêng của đồng bào cả nước đối với Bác Hồ kính yêu. Từ đây, cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh lan tỏa, cổ vũ các thế hệ người Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Với ý thức mỗi tài liệu, hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ đều là những di sản vô giá, từ khi thành lập đến nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác sưu tầm, tập hợp các tài liệu, hiện vật để bảo quản, lưu giữ lâu dài. Vào dịp Quốc khánh hằng năm, Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức lễ tiếp nhận và gặp mặt các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã trao tặng hiện vật và có đóng góp với công tác sưu tầm, tổ chức triển lãm chuyên đề. Đối với chúng tôi, những cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh, ấn tượng xúc động trong quá trình khảo sát, sưu tầm và tiếp nhận tài liệu, hiện vật ở trong nước và nước ngoài không chỉ là giá trị của các tài liệu, hiện vật, mà là những câu chuyện thể hiện tình cảm kính yêu, quý trọng của các cá nhân, tổ chức lưu giữ tài liệu, hiện vật dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tháng 10-2017, Bộ Ngoại giao Bun-ga-ri phối hợp Đại sứ quán Việt Nam cùng Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm ảnh và hội thảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thủ đô Xô-phi-a, Bun-ga-ri, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm cấp nhà nước tới Bun-ga-ri (8-1957) và kỷ niệm 67 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Bun-ga-ri (2-1950). Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng thống Bun-ga-ri I.I-ô-tô-va cho biết, mẹ của bà cũng là một trong những nhân chứng trong chuyến thăm Bun-ga-ri 60 năm trước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà và những người cùng thế hệ tôn kính, ngưỡng mộ vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam vì sự khiêm nhường, giản dị của một nhân cách lớn. Bà I-ô-tô-va nói: 60 năm đã trôi qua, nhưng nhiều người Bun-ga-ri vẫn nhắc đến chuyến thăm với lòng kính yêu, sự ngưỡng mộ dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những cử chỉ của Người đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong nhiều thế hệ người dân Bun-ga-ri.

Điều bất ngờ và đặc biệt trong chuyến đi này là chúng tôi đã sưu tầm được bức tranh sơn dầu vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh của họa sĩ nổi tiếng người Bun-ga-ri I.K.Pê-tơ-rốp. Trong thời gian tham dự hội thảo, qua trao đổi, chúng tôi được biết, năm 1957, họa sĩ Pê-tơ-rốp có sáng tác một bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiện nay, họa sĩ đã mất và rất nhiều Việt kiều đã ngỏ ý mua lại bức tranh này nhưng gia đình họa sĩ không bán.

Theo lời kể của cháu ruột họa sĩ Pê-tơ-rốp, họa sĩ lúc đó là Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ hội họa Bun-ga-ri, đã vinh dự có mặt trong buổi tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh của Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ nước Cộng hòa Bun-ga-ri tháng 7-1957. Cảm phục nhân cách Hồ Chí Minh, họa sĩ đã vẽ bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh với tất cả tình cảm và sự kính yêu Người. Bức tranh được vẽ bằng chất liệu sơn dầu, kích thước 64 x 74 cm, khắc họa thần thái giản dị và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước khi qua đời, họa sĩ đã gửi lại bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho người em gái ruột. Sau khi bà mất, bức tranh được người con trai của bà lưu giữ. Trải qua 60 năm, bức tranh vẫn được người cháu giữ gìn cẩn thận và được treo trang trọng ở phòng khách của gia đình. Khi chúng tôi đến, sau khi biết được mong muốn của Bảo tàng Hồ Chí Minh là đưa bức tranh này về Việt Nam bảo quản, lưu giữ lâu dài, để giới thiệu đến nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn tình cảm của nhân dân Bun-ga-ri dành cho lãnh tụ Hồ Chí Minh và những tình cảm tốt đẹp của mối quan hệ ngoại giao hai nước Việt Nam - Bun-ga-ri, cháu ruột của họa sĩ Pê-tơ-rốp, đã đồng ý trao bức tranh này tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Gần đây, tại triển lãm “Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh - Góc nhìn từ tranh cổ động 1969 - 2011”, những cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh lại được nghe một câu chuyện xúc động của một người họa sĩ khi kể về đứa con tinh thần của mình. Đó là họa sĩ Trần Từ Thành, giảng viên Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp Việt Nam, tác giả của bức tranh “Độc lập - Thống nhất - Hòa bình - Hạnh phúc”.

Họa sĩ Trần Từ Thành sinh ra tại huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Cha mẹ và anh trai của ông đều mất trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Năm 1975, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Hội Mỹ thuật Việt Nam mở cuộc vận động sáng tác tranh, tượng về đề tài thống nhất đất nước, chuẩn bị cho cuộc triển lãm mỹ thuật toàn quốc lần đầu tiên. Nhớ lại thời điểm sáng tác năm đó, họa sĩ Trần Từ Thành tâm sự: Đây là đề tài rất giản dị, ai cũng biết, ai cũng hiểu, nhưng tầm thì lớn quá, giá trị cũng lớn quá, cả dân tộc đổ biết bao xương máu, nước mắt, mong đợi từ hơn 30 năm nay mới có, không thể vẽ đơn giản được. Đến một đêm, khi đang ngồi vẽ, tôi nghe thấy giọng ngâm thơ từ chiếc đài nhà hàng xóm vọng sang. Giọng thơ tự hào, tha thiết: Lòng ta chung một cụ Hồ/Lòng ta chung một Thủ đô/Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam. Hình tượng thể hiện đây rồi! Tôi mừng rỡ. Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại nhưng rất giản dị. Và tôi nghĩ, mình sẽ vẽ một bức tranh thật đơn giản, nhưng nổi bật được hình ảnh Bác và thể hiện mong muốn của Người là hòa bình, hạnh phúc cho dân tộc.

Một tuần sau, họa sĩ Trần Từ Thành hoàn thành bản thảo đầu tiên. Bức tranh với thông điệp khát khao hòa bình, có hình ảnh Bác Hồ tươi cười bế em bé bố cục ở giữa, bên phải là hình chữ S biểu tượng của bản đồ Việt Nam thống nhất. Nền trắng của tranh là hình chim bồ câu ngậm cành ô liu, mắt chim bồ câu là vầng sao sáng dẫn đường, tượng trưng cho Thủ đô Hà Nội. Ban đầu, ông đặt tên bức tranh là 1976. Chưa hài lòng với bản thảo, ông đã vẽ lại bức tranh này, đặt tên là Hòa bình - Hạnh phúc và gửi dự thi. Tại triển lãm năm đó, bức tranh của ông được trao Giải nhì và theo đề nghị của Xưởng tranh cổ động Trung ương, ông đã đưa câu khẩu hiệu “Độc lập - Thống nhất - Hòa bình - Hạnh phúc” vào tranh. Sau đó, tranh được in hàng chục nghìn bản và phát hành trên cả nước. Hơn 40 năm đã qua, bức tranh của ông vẫn được đặt trang trọng trên nóc tòa nhà Thông tin TP Hà Nội, góc ngã tư phố Đinh Tiên Hoàng - Tràng Tiền như biểu tượng và ước mơ về hòa bình. Tác phẩm này của ông cũng được trưng bày tại Bảo tàng Lê-nin ở Mát-xcơ-va, Bảo tàng La Ha-ba-na (Cu-ba)…

Với họa sĩ Trần Từ Thành, bức tranh này là vô giá. Nhưng khi biết Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm tranh cổ động và mong muốn sưu tập những bức tranh cổ động để quảng bá tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ông đã không ngần ngại hiến tặng bức tranh cho Bảo tàng. Ông Thành nói: Đây là kỷ vật riêng vô giá đối với tôi, nhưng nay tôi quyết định trao tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh, bởi đây là nơi phù hợp nhất và tốt nhất đưa được những ý tưởng và giá trị của tác phẩm đến với công chúng.

Có nhiều những hiện vật vô giá cùng những câu chuyện xúc động, những kỷ niệm của người trong cuộc và những kỷ vật này đã được hiến tặng Bảo tàng mang tên Bác. Tất cả mọi người đến hiến tặng hiện vật, dù là người Việt Nam hay người nước ngoài, dù là cá nhân hay tập thể, đều chung một tấm lòng với Bác Hồ kính yêu. Sau gần 50 năm xây dựng và trưởng thành, hằng ngày, các cán bộ, viên chức, người lao động ở Bảo tàng Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục những công việc thầm lặng, giản dị, chăm lo gìn giữ những kỷ vật về Người để di sản Hồ Chí Minh sẽ mãi là một bộ phận di sản quan trọng của dân tộc Việt Nam.

TS VŨ MẠNH HÀ
Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh

Tin liên quan

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là do bản lĩnh chính trị thiếu kiên định, thiếu vững vàng. Do đó, để cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiệu quả, cần tăng cường giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng chiến tranh nhân dân là một bộ phận trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại.
Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày 15/5/2007, tại Hà Nội, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp Viện Khoa học Xã hội nhân văn Quân sự (Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội thảo khoa học: "Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam", nhân kỷ niệm 50 năm bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lớp chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp, Bộ Quốc phòng về xây dựng Quân đội từng bước tiến lên chính quy và hiện đại (5/1957 - 5/2007) và kỷ niệm 117 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.