Ông Thăng thư viện

Bài và ảnh: Tiểu Phương

Thứ Tư, 20/04/2011 19:30
Người làng thân mật gọi ông là "Ông Thăng thư viện", còn ông thì tâm niệm: "Tuổi tác càng cao, sức cũng mòn/Chỉ còn ở lại tấm lòng son/Trí, dũng, đức, tài đồng một nghĩa/Hiến dâng cho Ðảng trọn lòng son". Ông là đảng viên, cựu chiến binh Bùi Ðình Thăng, ở thôn Ðoàn Ðào, xã Ðoàn Ðào, huyện Phù Cừ (Hưng Yên). Ở tuổi 80, ông còn nhanh nhẹn, hoạt bát, vẫn vẹn nguyên tinh thần "vì nước quên thân, vì dân phục vụ" của người lính Cụ Hồ năm nào.

Ngôi nhà nhỏ nằm bên triền đê của con sông Hòa Bình chứa đủ các loại sách, báo, tạp chí; được chú thích rõ ràng, sắp xếp ngăn nắp, khoa học, theo từng chủ đề, từng lĩnh vực, phục vụ nhiều đối tượng bạn đọc. Sân nhà có giàn hoa giấy rợp mát luôn rộn ràng người ra, vào; mượn sách, đọc báo. Còn chủ nhà Bùi Ðình Thăng luôn bận rộn ghi ghi, chép chép, lúc thì ghi tên người mượn sách, khi lại tra cứu thư mục giúp bạn đọc...

Sau hơn 30 năm phục vụ trong quân ngũ, khi về quê, mang trong mình nhiều bệnh tật, nhưng ông luôn suy nghĩ và mong muốn, dành những năm tháng còn lại, đem hiểu biết được rèn luyện trong quân đội, kiến thức đọc được từ sách, báo, giúp người dân quê mình nâng cao dân trí. Nghĩ là làm, ông dành toàn bộ lương hưu mua sách, báo cả cũ và mới; huy động bạn bè và các nguồn hỗ trợ khác, thu thập được số lượng khá lớn các loại sách, báo, tạp chí, truyện... Ông vận động vợ, con dành căn nhà chính để làm nơi lưu trữ sách, nơi sinh hoạt chi bộ và họp thôn Ðoàn Ðào.

'Thư viện ông Thăng' ra đời năm 1990, với chức năng đọc và cho mượn sách, báo; thông tin, tuyên truyền đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hỗ trợ thông tin về sức khỏe cộng đồng, về khoa học-kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, thông tin thời sự... tất cả đều được ông Thăng phục vụ miễn phí. Ban đầu chỉ có người cao tuổi tìm đến, càng về sau, Thư viện ông Thăng càng thu hút nhiều người, cả phụ nữ, học sinh, sinh viên... Có những người nông dân, cứ sau giờ lao động mệt nhọc, lại tìm đến thư viện của ông. Ông được chi bộ tín nhiệm giao nhiệm vụ phổ biến tình hình thời sự trong nước và quốc tế, là biên tập viên tình nguyện của đài truyền thanh xã.

Bê ra một cuốn sổ dày cộp, ông giới thiệu với chúng tôi về từng chủ đề được tìm hiểu, sưu tầm và trình bày tóm tắt trong hơn 2.300 trang viết tay. Những vấn đề mới, trước khi trình bày, ông còn dành thời gian soạn giáo án (như ngày ông vẫn là giáo viên, trước khi nhập ngũ). Nhiều người tham gia các cuộc thi tìm hiểu về Ðảng, Bác Hồ, về ngày truyền thống các ngành, về quê hương Hưng Yên... cũng tìm đến và nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của người cựu chiến binh.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông, đúng giờ cao điểm, học sinh vừa tan học kéo đến 'Thư viện ông Thăng' rất đông. Vừa dừng tay ghi chép, giúp các cháu lấy đúng sách, báo theo yêu cầu, ông quay sang chúng tôi, giọng hồ hởi: 'Bận rộn nhưng mà vui, thấy các cháu ham đọc, tôi cũng thấy công sức mình bỏ ra không uổng phí... Một tờ báo, một cuốn sách được đọc đi đọc lại, mang lại rất nhiều tri thức bổ ích, có giá trị thực tiễn, giúp mọi người mở mang hiểu biết, khuyến khích trẻ em ham đọc, điều đó động viên tôi làm nhiều hơn nữa'.

Qua quan sát, chúng tôi thấy, không chỉ đến đọc truyện, nhiều cháu còn tìm thấy những cuốn sách tham khảo bổ sung kiến thức cho các môn đang học ở trường; hầu hết các cháu đều lễ phép, biết trân trọng, giữ gìn sách, báo.

Biết tiếng 'Thư viện ông Thăng', nhiều cá nhân, tổ chức, cơ quan gửi sách tặng. Ngôi nhà ba gian đã chất đầy sách, báo. Có người vô tình bảo ông 'gàn dở', nhưng vợ ông, người bạn đời, người đồng chí hơn 40 năm tuổi Ðảng là người hiểu ông hơn ai hết. Gần nửa cuộc đời bà đã thay chồng nuôi con, nay lại âm thầm lo toan để ông thỏa tâm nguyện được phục vụ nhân dân.

Tin liên quan

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” - giá trị vĩnh hằng của Tư tưởng Hồ Chí Minh

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” - giá trị vĩnh hằng của Tư tưởng Hồ Chí Minh

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” - câu nói bất hủ ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vang lên trên làn sóng phát thanh từ Thủ đô Hà Nội vào tháng 7/1966, trong thời điểm miền bắc đang gồng mình trước bom đạn chiến tranh, còn miền nam chìm trong máu lửa. Đây không chỉ là khẩu hiệu kháng chiến, mà là tuyên ngôn bất diệt về quyền sống và khát vọng làm người của một dân tộc từng trải qua hàng nghìn năm mất nước, chia cắt và hy sinh.
Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sáng tác của các nhạc sĩ trẻ

Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sáng tác của các nhạc sĩ trẻ

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các tác phẩm văn học nghệ thuật, đặc biệt trong âm nhạc. Hình ảnh Bác Hồ vẫn sống động và lan tỏa trong sáng tác của thế hệ nhạc sĩ trẻ với những cảm quan nghệ thuật hiện đại; góp phần gìn giữ, tôn vinh những giá trị đạo đức, tư tưởng và phong cách của Người.
Sức sống và tầm vóc của tư tưởng Hồ Chí Minh

Sức sống và tầm vóc của tư tưởng Hồ Chí Minh

Trong xã hội hiện đại, dấu ấn con người và các trào lưu tư tưởng dễ bị lu mờ bởi những vấn đề đương đại nóng bỏng. Vượt qua thách thức đó, Hồ Chí Minh là hiện tượng hy hữu của lịch sử khi đã trở thành huyền thoại ngay từ khi còn sống và “độ lùi” của thời gian càng tôn vinh sức sống, tầm vóc tư tưởng của Người.