Phần thưởng lớn nhất là sự tin yêu của nhân dân

TRUNG CẦN

Thứ Hai, 11/08/2014 19:19
Từ cương vị là Giám đốc Trung tâm y tế huyện, đến lãnh đạo, quản lý bệnh viện lớn nhất của tỉnh, rồi những năm gần đây, giữ trọng trách Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Giang - nơi địa đầu Tổ quốc, Thầy thuốc Nhân dân, bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Đức Quý đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý, trong đó phần thưởng lớn nhất là sự hài lòng và tin yêu của nhân dân...
Bác sĩ Trần Đức Quý nghiên cứu tài liệu chuyên ngành.
Bác sĩ Trần Đức Quý nghiên cứu tài liệu chuyên ngành.

Bởi với anh, làm gì cũng luôn ghi nhớ lời căn dặn của Bác Hồ "Lương y phải như từ mẫu".

Tiếp chúng tôi sau khi vừa thực hiện một ca mổ nội soi cắt tá tụy tại bệnh viện đa khoa tỉnh, Thầy thuốc Nhân dân, bác sĩ chuyên khoa 2, Giám đốc Sở Y tế Hà Giang Trần Đức Quý chia sẻ: "Tôi vốn là bác sĩ ngoại khoa, cho nên hằng tuần dù bận mấy cũng phải tham gia mổ một vài ca khó. Vả lại, y học bây giờ nhiều kỹ thuật, công nghệ mới, mình không tiếp cận và cập nhật thì lạc hậu nhanh lắm. Cũng may, khoảng hơn năm năm trở lại đây, tôi cùng một số anh em bác sĩ tuyến tỉnh đã thực hiện được các kỹ thuật mổ khó, như lấy sỏi ống mật chủ, cắt khối tá tụy, kỹ thuật nội soi tán sỏi niệu quản, phẫu thuật đường ngang trong sản khoa, thay thủy tinh thể bằng kỹ thuật pha-cô"...

Nói rồi, anh nhớ lại kỷ niệm cách đây hơn 20 năm, khi vừa tốt nghiệp Trường đại học Y Thái Nguyên, sinh viên trẻ Trần Đức Quý vai mang ba-lô, lặn lội hai ngày đường lên nhận công tác ở huyện Yên Minh, Hà Giang, cách nhà 270 km. Nơi anh nhận việc là Trung tâm y tế huyện, với cơ ngơi là hai dãy nhà cấp bốn lụp xụp, chưa có điện; thêm anh nữa thì cả huyện Yên Minh mới có hai bác sĩ. Mô hình trung tâm y tế huyện ngày ấy là vừa khám, chữa bệnh tại bệnh viện, vừa phải làm công tác phòng, chống dịch bệnh. Cho nên những năm 1991-1993, trong điều kiện thiếu thốn trăm bề, bác sĩ trẻ Trần Đức Quý, ngoài công việc khám, chữa bệnh, đã cùng đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm y tế huyện tỏa về các xã, nhất là vùng cao, vùng sâu để dập dịch.

Không thể nào quên những chuyến đi bộ cả ngày đường về các xã cách trung tâm huyện hơn 40 km, vai vác dụng cụ vật tư, chân đạp mưa ngàn, gió núi để ngăn chặn các trận dịch sốt rét gây tử vong nhiều người lúc bấy giờ... Mười năm gắn bó với huyện Yên Minh, bác sĩ Trần Đức Quý để lại ấn tượng cho bà con nơi đây là hình ảnh một thầy thuốc trẻ đầy tâm huyết và xốc vác trong công việc; nhất là thời kỳ bảy năm làm Giám đốc Trung tâm y tế huyện, anh đã cùng đội ngũ thầy thuốc ở đây khắc phục tám xã "trắng" về y tế và dập hàng trăm vụ dịch sốt rét, tiêu chảy, bảo vệ sức khỏe đồng bào các dân tộc vùng cao này.

Sau đó anh được điều động về làm Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang. Ngày về "tiếp quản", trong tay anh là một bệnh viện tuyến cao nhất của tỉnh nhưng cơ sở vật chất đã xuống cấp, trang thiết bị chỉ có máy siêu âm đen trắng, máy X-quang đời cũ; còn cán bộ các khoa lâm sàng trong tình trạng chắp vá, thiếu thốn.

Ở một địa bàn mà điều kiện tự nhiên phần lớn là núi đá, bữa ăn của người dân phổ biến vẫn là ngô, sắn nhiều hơn cơm gạo; trong khi dịch bệnh luôn luôn rình rập, đã thôi thúc bác sĩ Trần Đức Quý tìm mọi cách cải thiện và nâng cao các dịch vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân. Tấm gương các bậc thầy của nền y học nước nhà như Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ giỏi về y thuật, sáng y đức đã trở thành động lực động viên, cổ vũ bác sĩ Trần Đức Quý không ngừng học tập, sáng tạo.

Hết chuyên khoa 1, rồi hoàn thành chuyên khoa 2 tại các trung tâm y khoa hàng đầu cả nước, anh trở thành một trong những bác sĩ đầu tiên của các tỉnh miền núi phía bắc đưa kỹ thuật cao phẫu thuật nội soi về phục vụ người dân địa phương. Thiếu máy móc, thiết bị hiện đại thì tìm cách liên kết, hợp đồng với bên ngoài theo phương thức xã hội hóa.

Ban đầu là phẫu thuật nội soi ba lỗ cho các mặt bệnh tổ hệ tiêu hóa, đến năm 2012, dưới sự dẫn dắt của bác sĩ Trần Đức Quý, các thầy thuốc khoa ngoại, Bệnh viện đa khoa Hà Giang đã thực hiện được phẫu thuật nội soi một lỗ và áp dụng cho nhiều mặt bệnh khác nhau.

Noi theo Giám đốc Trần Đức Quý, đội ngũ thầy thuốc ở đây đã dành thời gian đi học tập nâng cao trình độ để đến bây giờ, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang đã có hơn 60% số bác sĩ có trình độ sau đại học, trong đó có hàng chục người là bác sĩ chuyên khoa 2 và thạc sĩ. Điều đó không những góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, giảm tải cho tuyến trên mà thiết thực hơn là đưa dịch vụ y tế chất lượng cao về gần dân, giúp người bệnh đỡ phải chuyển lên các tuyến trên, tiết kiệm được chi phí và thời gian.

Hơn 6 năm làm Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh, có uy tín chuyên môn và năng lực quản lý, bác sĩ Trần Đức Quý được lãnh đạo tỉnh giao cương vị Giám đốc Sở Y tế Hà Giang.

Vốn là người từng lăn lộn trong thực tiễn, cho nên hơn ai hết anh hiểu được muốn giảm áp lực cho tuyến trên thì trước hết phải tháo gỡ khó khăn cho tuyến dưới. Vì thế, từ năm 2009, cùng với tập thể cán bộ quản lý Sở Y tế, bác sĩ Trần Đức Quý đã tham mưu, đề xuất với tỉnh đầu tư nguồn lực, củng cố và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tỉnh. Nhờ đó đến năm 2013, 100% số trạm y tế của tỉnh Hà Giang được nâng cấp và xây dựng kiên cố, trong đó hơn 97% số xã trong tỉnh đạt chuẩn quốc gia.

Ở tuyến trên, một số bệnh viện khu vực liên huyện, hay các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh như Lao và bệnh phổi, Y dược học cổ truyền, Điều dưỡng và phục hồi chức năng... được đầu tư xây dựng nhằm góp phần không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe đồng bào các dân tộc nơi địa đầu Tổ quốc. Ghi nhận những đóng góp của bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Đức Quý, anh đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Huân chương Lao động hạng Nhì, và danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân (năm 2010) khi anh vừa tròn 44 tuổi...

Trò chuyện với anh, tôi hiểu để học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, với người thầy thuốc không phải là cái gì to tát, cao xa, mà trước hết là thái độ đối với người bệnh "đến đón tiếp niềm nở, ở chăm sóc tận tình, về dặn dò chu đáo". Âu đó cũng là liều thuốc làm cho người bệnh mát dạ, mát lòng.

Tôi hỏi vui: "Anh có định phấn đấu đạt danh hiệu gì cao hơn nữa" ? Anh cười, nhẹ nhàng: "Với tôi, phần thưởng lớn nhất là sự hài lòng và tin yêu của nhân dân".

Tin liên quan

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là do bản lĩnh chính trị thiếu kiên định, thiếu vững vàng. Do đó, để cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiệu quả, cần tăng cường giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng chiến tranh nhân dân là một bộ phận trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại.
Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày 15/5/2007, tại Hà Nội, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp Viện Khoa học Xã hội nhân văn Quân sự (Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội thảo khoa học: "Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam", nhân kỷ niệm 50 năm bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lớp chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp, Bộ Quốc phòng về xây dựng Quân đội từng bước tiến lên chính quy và hiện đại (5/1957 - 5/2007) và kỷ niệm 117 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.