Phát huy trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu

Bài và ảnh: Hương Giang

Thứ Năm, 02/04/2020 02:17
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Thấm nhuần lời dạy của Người, những năm qua, tỉnh Quảng Bình đã đẩy mạnh việc nêu gương trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt. Kết quả đạt được đã tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ trong tỉnh, góp phần tạo nên những đổi thay trong đời sống xã hội của địa phương.
Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa Hồ Thị Thoi chăm sóc khu rừng trồng của gia đình.
Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa Hồ Thị Thoi chăm sóc khu rừng trồng của gia đình.

Cán bộ nào, phong trào nấy

Cách đây ba năm, khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy, xuất hiện nhiều “điểm nghẽn”, thậm chí có những người dân khiếu kiện một số việc ở địa phương.

Lúc đó, đồng chí Lê Hữu Bình đang là trưởng một đơn vị thuộc UBND huyện Lệ Thủy, đã được luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy xã Tân Thủy. Về cơ sở, đồng chí Bình nhận thấy, các phong trào thi đua ở xã phần lớn được người dân hưởng ứng nhưng cách làm có những lúc chưa phù hợp, dẫn đến có một số ý kiến chưa đồng thuận. Vậy điểm mấu chốt là phải thực hiện cho được phương châm “dân bàn, dân làm” để tạo sự thống nhất cao.

Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã dành thời gian đến gặp gỡ người thường viết đơn khiếu kiện cán bộ cơ sở. Những lần trao đổi như thế giúp người này hiểu việc mà cán bộ xã, thôn làm là trực tiếp phục vụ người dân, chỉ là cách vận động, việc thu nộp kinh phí đóng góp chưa phù hợp mà thôi.

Khi “điểm nghẽn” được tháo gỡ, Bí thư Đảng ủy xã cùng với tập thể Đảng ủy, UBND xã thực hiện nhiều biện pháp, cách làm phù hợp để huy động các nguồn lực hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới và tiếp tục phấn đấu thành xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, ở địa bàn, người dân trồng hơn 15 km đường hoa, xây dựng mới hàng chục cổng chào. Hệ thống giao thông nông thôn tiếp tục được nâng cấp, mở rộng thành đường bê-tông, trải đều gần như toàn xã.

Mới đây, đồng chí Lê Hữu Bình đã tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, tài sản để thí điểm cải tạo một ki-lô-mét đường liên xã mở rộng mặt đường từ 4,5 m lên 9 m, được nhân dân đồng thuận cao.

Cũng với phong cách sâu sát cơ sở “miệng nói, tay làm”, Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa, Hồ Thị Thoi được đồng bào dân tộc thiểu số dưới chân dãy núi Giăng Màn rất mến phục. Khoảng 10 năm trước, việc trồng rừng ở xã biên giới Trọng Hóa, huyện Minh Hóa hầu như đều do người dưới xuôi lên thuê đất làm. Dân bản thì vào rừng tự nhiên khai thác gỗ, săn bắt thú.

Để thay đổi cách thức sản xuất cho đồng bào, đồng chí Hồ Thị Thoi cùng các cán bộ xã đi đầu trong việc nhận đất trồng rừng kết hợp chăn nuôi gia súc. Bắt đầu từ những đồng vốn vay ưu đãi, chị Hồ Thị Thoi mua bò, nhận đất rừng trồng keo, tràm, lim, trám… Sau tám năm, gia đình chị đã có hai héc-ta rừng kinh tế đang trong kỳ khai thác, đàn gia súc phát triển tốt mang lại nguồn thu nhập khá cao.

Vừa làm, chị vừa vận động người dân và nhiều hộ người Khùa, người Mày ở Trọng Hóa làm theo. Đến nay, toàn xã có hơn 600 hộ vay hơn 13 tỷ đồng vốn ưu đãi để phát triển kinh tế. Người dân trong xã đã trồng được hơn 500 ha rừng kinh tế và bảo vệ hàng nghìn héc-ta rừng tự nhiên. Biết làm ăn cho nên đời sống người dân ở Trọng Hóa đã khá hơn trước nhiều.

Ngoài các ngày làm việc tại trụ sở xã theo giờ hành chính, đồng chí Hồ Thị Thoi còn tranh thủ thời gian xuống các bản gần nắm tình hình, ngày nghỉ lại đến với các bản xa. Về với dân bản không chỉ tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đồng chí nữ bí thư còn lắng nghe những kiến nghị, thắc mắc của đồng bào.

Chị chia sẻ, có lần, người dân ở vùng Lòm nhận cây keo giống nhưng chưa trồng do còn thắc mắc về chuyện phân chia đất. Chuyện “nóng” dần lên bởi cách giải quyết chưa thấu đáo của cán bộ chuyên môn xã. Nhận được thông tin, Bí thư Đảng ủy xã đến tận nơi đối thoại, lắng nghe ý kiến của người dân, đồng thời chỉ đạo UBND xã cách giải quyết. Sau một buổi làm việc nghiêm túc trên tinh thần cầu thị, kiến nghị của người dân được giải quyết, mọi người vui vẻ nhận đất trồng rừng.

Thực hiện nghiêm cam kết nêu gương

Những năm qua, việc cụ thể hóa trách nhiệm nêu gương theo Quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình kịp thời chỉ đạo thực hiện gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, Tỉnh ủy Quảng Bình đã ban hành Quy định 01 về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Hằng năm, căn cứ các cam kết thể hiện vai trò nêu gương của người đứng đầu và kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, Tỉnh ủy chỉ đạo đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ thông qua kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ chính trị. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, Hoàng Đăng Quang cho biết, qua việc ký cam kết trách nhiệm, đội ngũ cán bộ lãnh đạo và đảng viên trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương đã thấy rõ hơn vai trò của mình; đồng thời qua đó nhắc nhở mỗi đồng chí cần nêu cao tính gương mẫu, thể hiện tinh thần đã cam kết, làm việc có trách nhiệm cao để mang lại hiệu quả tốt nhất.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình cũng chỉ đạo cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp kê khai, công khai tài sản rõ ràng, minh bạch; tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người đứng đầu; rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ, kiên quyết đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ thiếu gương mẫu, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm đạo đức lối sống, tham nhũng...

Ba năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã xử lý gần 1.500 cán bộ, đảng viên vi phạm các nội dung theo Quy định 01-HD-UBKTTW của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; điều chuyển vị trí công tác đối với hàng chục trường hợp do thiếu gương mẫu hoặc chưa tạo được chuyển biến khi thực hiện nhiệm vụ được giao.

Thực tế cho thấy, việc thực hiện nghiêm túc quy định nêu gương tại Quảng Bình đã tạo những chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của mỗi cán bộ lãnh đạo; từng bước tạo được lòng tin trong nhân dân và sự đồng thuận trong xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình, việc tổ chức thực hiện Quy định 01 ở một số cấp ủy cũng như việc nêu gương của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo chủ chốt tại một số cơ quan, đơn vị chưa thật rõ nét. Việc lấy phiếu đánh giá kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu có nơi vẫn còn hình thức, chưa thật sự khách quan do nể nang.

Từ kết quả đạt được và cả những hạn chế trong thực hiện quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên lãnh đạo chủ chốt các cấp, Tỉnh ủy Quảng Bình đang tiếp tục thực hiện một số giải pháp. Đó là, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng, ý nghĩa và sự cần thiết của việc nêu gương trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đối với người đứng đầu để nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, thường xuyên coi trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII về xây dựng Đảng; tổ chức thực hiện nghiêm túc quy định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Cấp ủy các cấp chú trọng gắn công tác lãnh đạo, chỉ đạo với nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện, qua đó phát hiện các tập thể, cá nhân điển hình, những cách làm hay, sáng tạo để nhân rộng trên các lĩnh vực đời sống xã hội.

Tin liên quan

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là do bản lĩnh chính trị thiếu kiên định, thiếu vững vàng. Do đó, để cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiệu quả, cần tăng cường giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng chiến tranh nhân dân là một bộ phận trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại.
Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày 15/5/2007, tại Hà Nội, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp Viện Khoa học Xã hội nhân văn Quân sự (Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội thảo khoa học: "Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam", nhân kỷ niệm 50 năm bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lớp chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp, Bộ Quốc phòng về xây dựng Quân đội từng bước tiến lên chính quy và hiện đại (5/1957 - 5/2007) và kỷ niệm 117 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.