Phong cách gần dân, trọng dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh

TS. NGUYỄN QUANG DU

Thứ Năm, 23/08/2007 03:01

Phong cách, lối sống đạo đức gần dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân của người cán bộ, đảng viên được hiểu là cung cách, cách thức, lề lối khi quan hệ, làm việc với dân. Nói cách khác, nó chính là lối sống hằng ngày của người cán bộ, đảng viên được thể hiện trong mọi lĩnh vực hoạt động, công tác. Nó có quan hệ mật thiết tới tư tưởng, tới thực hiện đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước mà người cán bộ, đảng viên chính là cầu nối, là người trực tiếp tổ chức đưa đường lối, chủ trương, chính sách nói trên đến với nhân dân.

Cán bộ, đảng viên ta đều xuất thân từ nhân dân, dù hoạt động trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng để phục vụ nhân dân. Và, quần chúng nhân dân cũng là đối tượng lãnh đạo của Ðảng. Cán bộ, đảng viên của Ðảng vừa là người lãnh đạo, đồng thời cũng là người đày tớ trung thành của nhân dân. Chính vì vậy mà giữ được mối liên hệ gắn bó mật thiết với nhân dân   là sức mạnh của Ðảng.

Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng về sự gắn bó mật thiết với dân, gần dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân. Ðây chính là một bài học, hơn thế đã trở thành một giá trị đạo đức, thành phong cách, lối sống cho các thế hệ cán bộ, đảng viên học tập và noi theo.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với một đảng cầm quyền thì việc chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên là rất quan trọng và cấp thiết. Có nhiều nội dung cần thiết phải đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên, song có lẽ bao trùm lên tất cả,  yêu cầu đầu tiên với mỗi cán bộ, đảng viên, là phụng sự nhân dân, là công bộc của nhân dân. Muốn phụng sự được nhân dân, là công bộc của nhân dân thì người cán bộ, đảng viên không chỉ biết gần gũi với nhân dân, biết trọng dân, biết nghe dân nói, mà còn phải biết nói cho dân nghe, làm cho dân tin. Nói cách khác, là biết làm công tác dân vận, hơn thế còn là "dân vận khéo", như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lần căn dặn: "Lực lượng của dân rất to, việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công".

Chính vì vậy, trong mối quan hệ giữa Ðảng và Nhà nước với nhân dân mà người cán bộ, đảng viên là cầu nối, thì phong cách công tác, làm việc với dân chính là thước đo hết sức quan trọng của đạo đức, phẩm chất cán bộ, đảng viên.

Tuy nhiên, làm thế nào để xây dựng được một đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức cách mạng, có phong cách, tác phong gần gũi với nhân dân, biết trọng dân, có trách nhiệm với nhân dân, thật không đơn giản? Với tầm nhìn xa, trông rộng, trong điều kiện Ðảng ta là một đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhìn thấy những thói hư tật xấu, nhất là bệnh quan liêu, xa rời quần chúng nhân dân trong không ít cán bộ, đảng viên, kể cả những người có chức quyền. Ðây thật sự đã là một nguy cơ, bởi lẽ sự xa rời quần chúng nhân dân của cán bộ, đảng viên sẽ làm cho Ðảng mất đi chỗ đứng của mình trong xã hội, trong quần chúng nhân dân. Ðiều đó cũng có nghĩa là, cái "nền nhân dân" của Ðảng sẽ không còn thật bền vững. Và nguy cơ dẫn đến sự tan rã của Ðảng là điều khó tránh khỏi.

Trong thực tế hiện nay đang tồn tại một nghịch lý, ở không ít cơ quan, đơn vị, địa phương có số lượng cán bộ, đảng viên đông, nhưng uy tín và vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên trước quần chúng nhân dân lại không cao, thậm chí có nơi mờ nhạt, không còn sức chiến đấu. Ðiều dễ nhận thấy ở đây là, những người như nói trên mặc dù vẫn mang danh cán bộ, đảng viên, nhưng thực chất họ đã không còn đủ tư cách của người cộng sản.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì để thực hiện quy trình lãnh đạo nói trên, ngoài việc cần có tri thức, có lý luận để vạch ra đường lối, còn phải luôn luôn từ nơi dân, dựa vào dân mà kiểm định đường lối, chính sách và tổ chức thực hiện đường lối, chính sách đó cho đúng.

Tuy nhiên, nói thì dễ làm được sẽ khó hơn nhiều. Không ít cán bộ, đảng viên hiện nay, thường ngại gặp gỡ, tiếp xúc với dân; nếu có gặp thì cũng qua loa, đại khái, chỉ tiếp xúc hoặc nghe qua ý kiến những người trung gian là cán bộ cơ sở, làm cho chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước khó đến được với nhân dân mà ngay cả những thông tin cũng như tâm tư, nguyện vọng, nỗi lo lắng của những người dân bình thường cũng không đến được với Ðảng và Chính phủ. Ðây thực chất là lối làm việc chủ quan mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng phê phán "chỉ mấy cán bộ đóng cửa lại mà làm", là cán bộ "ngồi ỳ trong phòng giấy mà viết", kết quả là không mang lại ích lợi gì cho dân, cho nước.

Ai cũng biết, đảng viên thì trước hết cũng là một công dân. Ðảng viên thể hiện sự thống nhất hữu cơ trong bản thân mình cả hai tư cách đó. Một mặt, họ phải làm tròn nghĩa vụ công dân, hơn thế là một công dân gương mẫu, mặt khác, là người cộng sản họ phải thực hiện chức năng lãnh đạo, giáo dục quần chúng nhân dân theo tinh thần lãnh đạo là đày tớ nhân dân. Tiếc rằng, hiện nay không ít cán bộ, đảng viên đã không còn giữ được cả hai tư cách nói trên. Tình trạng cán bộ, đảng viên thiếu trách nhiệm, lời nói không đi đôi với việc làm; cán bộ, đảng viên chỉ nói còn để dân làm; cán bộ, đảng viên lên mặt "quan cách mạng", "quan nhân dân", ức hiếp quần chúng nhân dân, không chú ý lắng nghe ý kiến góp ý phê bình của nhân dân...vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi.

Quần chúng nhân dân chỉ quý trọng, yêu mến những người có đức, có tài, hết lòng, hết sức phụng sự nhân dân, biết chăm lo đến cuộc sống và lợi ích của nhân dân. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến các làng, xã phải luôn luôn nhớ mình là công bộc, là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Người yêu cầu, đã là cán bộ, đảng viên thì phải có quan hệ mật thiết, gắn bó với quần chúng nhân dân, hơn thế phải biết tin vào khả năng và lực lượng nơi quần chúng nhân dân. Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh.

Người cán bộ, đảng viên phải sâu sát, gắn bó với quần chúng nhân dân "Phải hòa mình với quần chúng thành một khối" để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng nơi quần chúng. Ðồng thời, cán bộ, đảng viên muốn được dân tin, dân phục, dân yêu còn phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm trước quần chúng nhân dân, phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Chỉ có như vậy thì quần chúng nhân dân mới hăng hái nghe theo lời tuyên truyền của cán bộ, đảng viên để thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước.

Tác phong quần chúng, gắn bó với nhân dân của  cán bộ, đảng viên luôn được quần chúng nhân dân nhìn nhận thông qua những lời nói và việc làm rất cụ thể, như: giao tiếp, cách thức làm việc; lắng nghe ý kiến phản ánh; chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn; việc đi lại, ăn uống... ở đâu và bao giờ, quần chúng nhân dân cũng thường có những nhận xét xác đáng, thấy được cái hay, cái dở, cái đúng, cái sai của cán bộ, đảng viên để động viên khen ngợi hoặc góp ý sửa chữa sai lầm.

Người cán bộ, đảng viên thật sự có tinh thần cầu thị, thấm nhuần phong cách, đạo đức gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì trong bất cứ hoàn cảnh nào họ đều biết tìm ra cách ứng xử tốt nhất, có lợi cho dân, cho nước trên cơ sở tình yêu thương con người. Nói cách khác, bằng sự hòa mình với dân, hiểu dân, lắng nghe ý kiến của dân, người cán bộ, đảng viên sẽ không chỉ tổ chức tốt hoạt động thực tiễn để nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước mà còn thông qua chính dân cũng như các hoạt động, các phong trào cách mạng của dân mà rèn luyện chính bản thân mình.

Làm được như vậy thì mối quan hệ giữa Ðảng với quần chúng nhân dân sẽ ngày càng thêm mật thiết, gắn bó.

Tin liên quan

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là do bản lĩnh chính trị thiếu kiên định, thiếu vững vàng. Do đó, để cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiệu quả, cần tăng cường giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng chiến tranh nhân dân là một bộ phận trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại.
Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày 15/5/2007, tại Hà Nội, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp Viện Khoa học Xã hội nhân văn Quân sự (Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội thảo khoa học: "Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam", nhân kỷ niệm 50 năm bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lớp chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp, Bộ Quốc phòng về xây dựng Quân đội từng bước tiến lên chính quy và hiện đại (5/1957 - 5/2007) và kỷ niệm 117 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.