Phụ nữ Nam Ðịnh thực hành tiết kiệm, giúp nhau lúc khó khăn

Bài và ảnh: Mai Tú

Thứ Tư, 16/03/2011 20:18
Từ việc thực hành tiết kiệm mỗi ngày thông qua các mô hình "Hộp tiền tiết kiệm", "Nuôi lợn đất", "Lợn nhựa", "Ống tiết kiệm", đến nay các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Nam Ðịnh đã hỗ trợ nhiều gia đình phụ nữ nghèo trên địa bàn xây dựng, sửa chữa nhà ở, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và hòa nhập với cộng đồng.

Ðến bây giờ mỗi khi nhắc đến những việc làm tình nghĩa của chị em Chi hội Phụ nữ chợ Rồng, chợ Mỹ Tho quyên góp, ủng hộ xây mới căn nhà vốn quá dột nát, ẩm thấp và chật chội, chị Nguyễn Thị Hằng, một phụ nữ nghèo ở phường Năng Tĩnh, TP Nam Ðịnh, không khỏi xúc động, nghẹn ngào. Là cán bộ của Công ty Môi trường Nam Ðịnh về nghỉ mất sức, gần hai chục năm nay chị bươn chải với công việc bán rau quanh khu chợ Năng Tĩnh. Chồng mất sớm, chị Hằng bốn năm nay bị tai biến, cô con gái duy nhất luôn xa nhà vì đang học đại học. Nếp nhà nhỏ chưa đầy 12 m2 lợp giấy dầu, rồi căng áo mưa tận dụng liêu xiêu trước mưa, nắng.

Biết được khó khăn của chị, Chi hội Phụ nữ chợ Rồng và chợ Mỹ Tho đã tuyên truyền trên loa truyền thanh, mang thùng quyên góp tới từng sạp hàng của chị em tiểu thương vận động đóng góp, ủng hộ xây dựng 'Mái ấm tình thương' cho chị Hằng. Với số tiền nhận được hơn 15 triệu đồng, cộng với hỗ trợ của Hội Phụ nữ thành phố, UBND phường Năng Tĩnh và nhân dân miền dân cư Ðông An, ngôi nhà khang trang lợp ngói, đóng trần nhựa, khu vệ sinh khép kín trị giá hơn 22 triệu đồng đã được trao tặng cho chị Hằng đúng dịp 27/7 năm ngoái.

Ðây chỉ là một trong những cách làm thiết thực, ý nghĩa của các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Nam Ðịnh hưởng ứng Cuộc vận động 'Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh'. Ðồng chí Phạm Thị Kim Thoa, Trưởng Ban Tuyên giáo, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, nói với chúng tôi: 'Mỗi phong trào, mỗi cuộc vận động đều cần có những nhân tố, cách làm hiệu quả, từ đó mới thu hút được hội viên tham gia. Trong Cuộc vận động lớn này, Hội xác định mỗi chi hội, tổ phụ nữ làm theo Bác từ công việc giản dị nhất, đó là thực hành tiết kiệm xây dựng Quỹ Mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo. Ðể có quỹ, bắt đầu từ năm 2008, mỗi cán bộ Hội từ tỉnh đến cơ sở thống nhất tiết kiệm từ 10 nghìn đồng đến 30 nghìn đồng/tháng; mỗi hội viên tiết kiệm từ 500 đồng đến một nghìn đồng trở lên/một năm. Chúng tôi về xã Nam Thái, huyện Nam Trực, dịp này chứng kiến cách làm sáng tạo của hội viên Chi hội thôn Lạc Thiện.

Vào mỗi buổi sáng, mỗi hội viên tiết kiệm một nghìn đồng cho vào lợn nhựa trước khi cho lợn thật ăn, việc làm này được duy trì đều đặn hơn hai năm nay. Từ điểm sáng thôn Lạc Thiện, đã có 20 Chi hội trong toàn xã với hơn hai nghìn hội viên phụ nữ tham gia nuôi lợn nhựa. Số tiền tiết kiệm hơn 500 triệu  đồng được Hội Phụ nữ xã quay vòng cho chị em hội viên nghèo vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ đột xuất mỗi khi đau ốm và xây dựng Mái ấm tình thương.

Cho tới nay, trên địa bàn tỉnh Nam Ðịnh tiếp tục xuất hiện các mô hình tiết kiệm làm theo lời Bác mới, phù hợp điều kiện của từng Chi, tổ phụ nữ như 'Hộp tiền tiết kiệm', 'Nuôi lợn đất', 'ống tiết kiệm'. Thông qua tuyên truyền, hội viên phụ nữ thấy được việc 'Làm theo' tuy nhỏ nhưng nhiều người cùng làm sẽ trở thành 'Nhiều nhỏ góp lại thành to'. Từ đó có kinh phí hỗ trợ xây dựng Mái ấm tình thương cho gia đình hội viên phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân, khuyết tật, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong tỉnh.

Theo số liệu thống kê của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nam Ðịnh, đến nay các cấp hội đã hỗ trợ xây dựng được 35 'Mái ấm tình thương', sửa chữa và nâng cấp 13 nhà cho chị em phụ nữ với tổng giá trị hơn 520 triệu đồng. Cùng với chương trình hành động thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tiết kiệm 10% ngân sách, tiết kiệm điện, nước, điện thoại thì phong trào tiết kiệm xây dựng Quỹ Mái ấm tình thương là nét mới trong phương thức tổ chức và tập hợp hội viên phụ nữ của Hội Liên biệp phụ nữ tỉnh Nam Ðịnh, góp phần chuyển biến về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Tin liên quan

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Sinh thời, Bác Hồ đã sớm nhận thấy vị thế của ngành than là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, tạo bước đà cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước vững mạnh, giàu đẹp. Chính vì thế, Người đã luôn chú ý và dành nhiều sự quan tâm cho vùng mỏ nói chung, ngành than nói riêng.
Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.