Phú Thọ mãi khắc sâu lời Bác dặn

NGỌC HIẾU, NGỌC LONG

Thứ Sáu, 17/08/2012 19:36
Phú Thọ vinh dự nhiều lần được đón Bác về thăm, làm việc và lãnh đạo kháng chiến. Sau hòa bình lập lại, do đạt nhiều thành tích trong lao động, sản xuất, ngày 18 và 19-8-1962, tại thị xã Phú Thọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và căn dặn Ðảng bộ, nhân dân Phú Thọ cố gắng tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, hoàn thành và hoàn thành vượt mức những nhiệm vụ Ðảng giao phó, trở thành tỉnh tiên tiến để góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc...
Ngày 19/8/1962, Bác Hồ về thăm Hợp tác xã Nam Tiến, huyện Lâm Thao, Người hỏi chuyện chị Tư - xã viên hợp tác xã.
Ngày 19/8/1962, Bác Hồ về thăm Hợp tác xã Nam Tiến, huyện Lâm Thao, Người hỏi chuyện chị Tư - xã viên hợp tác xã.

Dù nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng những cảm xúc của cô Phạm Thị Nhiễu, 64 tuổi ở phố Cao Du, phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ (Phú Thọ), người vinh dự được dâng hoa tặng Bác vào đúng ngày 19/8/1962, vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ.

Cô vẫn còn nhớ như in lời căn dặn giản dịcủ a Bác: Các cháu cố gắng siêng học, chăm ngoan để xứng đáng với cha ông - xứng đáng với con cháu Vua Hùng để được nhận nhiều phần thưởng nhé. Ðiều đó không chỉ lắng sâu vào tâm hồn cô Nhiễu mà còn biết bao thế hệ những người con đất Tổ.

Rót chén trà xanh nóng hổi, ngát hương, đặc trưng của xứ rừng cọ, đồi chè, cô Nhiễu chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về thời khắc thiêng liêng cách đây 50 năm. Buổi sáng hôm ấy, sân vận động thị xã được trang trí lộng lẫy, hơn 30 nghìn cán bộ, bộ đội và đồng bào các dân tộc từ khắp nơi trong tỉnh đã có mặt từ sớm. Bỗng cả biển người đồng thanh đứng dậy và hô vang: "Bác Hồ muôn năm", "Hồ Chủ tịch muôn năm". Khi lên lễ đài để dâng hoa tặng Bác, Bác cười tươi và đón nhận những bông sen hồng và lần lượt dành cho tôi và hai bạn nữa những nụ hôn trìu mến. Lúc đó cả ba chúng tôi chỉ biết lặng im đứng bên Bác mà trong lòng tràn đầy xúc động.

Dừng câu chuyện một lát, giọng cô Nhiễu trùng xuống và cô lấy khăn lau hàng nước mắt đã ứa ra từ khi nào... Cô nói: Những lời căn dặn của Bác Hồ đã giúp nâng bước cho cuộc đời tôi thêm ý nghĩa. Dù ở vị trí công tác nào, tôi luôn sống và làm việc với một chữ "Tâm"...

Chia tay với cô Nhiễu, chúng tôi đến những nơi được đón Bác và gặp lại những cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân năm xưa đã tận mắt chứng kiến sự kiện lần thứ hai sau khi hòa bình lập lại Người về thăm Phú Thọ.

Qua những câu chuyện kể về Người, chúng tôi phần nào hiểu thêm về tấm lòng của người dân Phú Thọ đối với Bác Hồ. Tiêu biểu như chuyện Bác tự tay gắn huy hiệu cho chị Nguyễn Thị Ðảng (xã Thắng Lợi, huyện Hạ Hòa) và chị Ðỗ Thị Xịch (xã Kiến Thiết, huyện Thanh Ba); chuyện Bác đến thăm hợp tác xã Nam Tiến (Lâm Thao) và Nhà máy Supe Phốt-phát và hóa chất Lâm Thao... Ở  nơi đâu, Người cũng ân cần hỏi thăm sức khỏe của các cụ già, cháu nhỏ và chị em phụ nữ, công nhân... Trước khi rời Phú Thọ, Bác Hồ còn lên thăm viếng Ðền Hùng, thăm cán bộ Lữ đoàn pháo binh 374. Người cũng không quên căn dặn cán bộ, đảng viên trong tỉnh: Cán bộ phải làm đày tớ phục vụ nhân dân, không phải như thời Tây làm quan đâu; phải đoàn kết cùng nhân dân xây dựng hợp tác xã...

Vinh dự là một trong nhiều địa phương của tỉnh được đón Bác về thăm, đồng chí Lê Kim Khánh, Chủ tịch UBND thị xã Phú Thọ bộc bạch với chúng tôi, 50 năm qua kể từ ngày Bác về thăm tỉnh, Ðảng bộ và nhân dân thị xã Phú Thọ luôn đoàn kết, chung sức đồng lòng xây dựng và phát triển thị xã vững mạnh toàn diện. Trong nhiệm kỳ này, Ðảng bộ và nhân dân thị xã phấn đấu đến năm 2015, thị xã Phú Thọ sẽ đạt đô thị loại 2. Ðảng bộ quyết tâm thực hiện tốt hai khâu đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Ðể cụ thể hóa việc thực hiện hai khâu đột phá đó, UBND thị xã đã ban hành kế hoạch về phát triển kinh tế-xã hội năm năm (2011-2015); kế hoạch đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm (2011-2015) và một số giải pháp như: Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tài chính ngân hàng; gắn phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường công tác quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển nông nghiệp cận đô thị, tạo môi trường sinh thái bền vững; tiếp tục đổi mới và nâng cao năng lực lãnh đạo của Ðảng; nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trên mọi lĩnh vực... 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hà Kế San cho biết: Khắc ghi lời căn dặn của Bác, 50 năm qua, nhất là sau hơn 25 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới và hơn 15 năm tái lập tỉnh, Phú Thọ đã nhanh chóng vượt qua khó khăn, thử thách để giành được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội. Chỉ tính từ năm 1991 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của Phú Thọ luôn được duy trì ổn định, giai đoạn sau tăng trưởng cao hơn giai đoạn trước. Cùng với đà tăng trưởng kinh tế khá, chất lượng của nền kinh tế cũng được cải thiện. GDP bình quân đầu người năm 2011 đạt 14,5 triệu đồng, tăng 4,8 lần so năm 2000 và tăng 2,7 lần so năm 2005. Cơ cấu kinh tế đã có sự dịch chuyển tích cực. Kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội được đầu tư với tốc độ nhanh. Bộ mặt nông thôn đến nay đã có nhiều khởi sắc. Lĩnh vực văn hóa-xã hội có những tiến bộ trên nhiều mặt; sự nghiệp giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển, hệ thống trường lớp cho ngành giáo dục tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có tiến bộ vượt bậc, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên. Các di tích văn hóa, tín ngưỡng được quan tâm đầu tư. Năm 2011, "Hát Xoan Phú Thọ"  vinh dự được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp và tỉnh tiếp tục trình UNESCO  hồ sơ "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại trong năm 2012...

Kế thừa thành tựu của hơn 25 năm đổi mới và phát triển, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, năng động và sáng tạo, tích cực chủ động, tranh thủ sự ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương, phấn đấu đưa Phú Thọ trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực vùng trung du miền núi Bắc Bộ, xứng đáng là mảnh đất cội nguồn dân tộc Việt Nam, nơi phát tích của một thời Hùng Vương dựng nước, vững vàng trong xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội, góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.