Quỳnh Lưu đổi mới việc tổ chức thực hiện nghị quyết

Bài, ảnh: VĂN TOÁN

Thứ Tư, 13/07/2011 18:12
Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết đại hội Ðảng bộ, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã tạo nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội nhờ việc đổi mới công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chương trình hành động. Năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực điều hành, quản lý của chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở rõ nét hơn.

Chỉ đạo đúng trọng tâm, trọng điểm

Ðại hội nhiệm kỳ này, Ðảng bộ huyện Quỳnh Lưu xác định phải đổi mới phương thức lãnh đạo trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội. Do vậy, quá trình tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, nhất là khi xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết, Huyện ủy thảo luận và thống nhất chọn những vấn đề trọng tâm để tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Thay vì đề ra 10 chương trình trọng tâm trong nhiệm kỳ trước, lần này Huyện ủy chỉ chọn năm chương trình trọng tâm là những vấn đề then chốt về phát triển kinh tế-xã hội. Trước hết là tập trung cao độ và toàn diện xây dựng hạ tầng kỹ thuật để tiến tới thành lập thị xã Hoàng Mai; mở rộng và xây dựng thị trấn Cầu Giát đủ tiêu chí thị xã; thành lập thị trấn Tuần; các thị tứ Ngò, Quỳnh Bảng, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Thạch. Tuy nhiên, quá trình triển khai các dự án còn chậm và nảy sinh nhiều vấn đề về giải phóng mặt bằng, vệ sinh môi trường làm chậm tốc độ và gây bức xúc trong nhân dân. Ðây là những vấn đề mà Huyện ủy đang tập trung chỉ đạo giải quyết, phân công các đồng chí trong cấp ủy trực tiếp theo dõi và chỉ đạo sát sao để thực hiện đúng tiến độ mà các dự án đã xây dựng.

Sau khi xác định năm chương trình trọng tâm, Huyện ủy tổ chức hội nghị quán triệt đến các cán bộ lãnh đạo các ban, ngành và toàn thể đảng viên. Căn cứ vào các chương trình công tác, UBND huyện xây dựng thành đề án và triển khai đồng loạt đến địa phương, đơn vị. Huyện ủy thành lập Ban Chỉ đạo và phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ, Huyện ủy phụ trách từng chương trình; xây dựng quy chế phối hợp trong lãnh đạo điều hành. Các đồng chí được phân công phụ trách thường xuyên sinh hoạt cùng các chi bộ, kịp thời giải quyết ngay những vấn đề nảy sinh.

Những kết quả bước đầu

Tại Hoàng Mai, bộ mặt của một thị trấn công nghiệp đã dần hiện rõ với các Công ty Xi-măng Hoàng Mai, gạch tuy-nen, Trạm nghiền xi-măng Nghi Sơn được quy hoạch hiện đại. Thực hiện chương trình trọng tâm về tập trung xây dựng thị xã Hoàng Mai, Huyện ủy đã có nhiều biện pháp tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong giải phóng mặt bằng, quản lý quy hoạch, vệ sinh môi trường. Ðầu năm 2011, Huyện ủy có chỉ thị về tăng cường lãnh đạo công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn.

Trong đó, tập trung vào công tác tuyên truyền, phổ biến công khai cơ chế, chính sách của Nhà nước về đền bù, giải phóng mặt bằng để nhân dân hiểu và ủng hộ chủ trương của Huyện ủy; nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên trong quá trình thực hiện. Ðến nay, ở Dự án khu Công nghiệp Hoàng Mai, huyện đã bàn giao 291 ha mặt bằng; 148 hộ tại  Khu công nghiệp Ðông Hồi đã tự nguyện di dời. Ðầu tháng 5 vừa qua, Nhà máy gạch không nung Ðông Hồi đã khởi công sau nhiều tháng đình trệ.

Chương trình trọng tâm thứ hai là đầu tư thâm canh để có giá trị sản xuất bình quân ít nhất 70 triệu đồng/ha; phát huy lợi thế phát triển mạnh kinh tế biển. Vụ xuân 2011, Phòng Nông nghiệp huyện thử nghiệm và nhân rộng thâm canh lúa cải tiến SRI, cho năng suất cao hơn 30% so với giống lúa cũ. Trạm khuyến nông-khuyến ngư huyện triển khai xây dựng mô hình nuôi cua xanh thương phẩm theo hình thức thâm canh tại xã Quỳnh Lương, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình nuôi mới này sẽ được triển khai nhân rộng thực hiện đề án phát triển nguồn lợi thủy sản.

Về thăm xã Quỳnh Thạch, chúng tôi thấy việc quán triệt và thực hiện Nghị quyết của đảng bộ đã có kết quả trong đời sống nhân dân. Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy xã Phan Thanh Khôi cho biết: Quỳnh Thạch đang thực hiện bốn đề án: Ðẩy nhanh tiến độ quy hoạch thị tứ, tập trung đầu tư xây dựng nông thôn mới; đầu tư thâm canh để nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác và chú trọng đầu tư phát triển lợi thế về nuôi thủy sản; củng cố phát triển bền vững ba làng nghề mây tre đan xuất khẩu.

Vào thăm làng nghề mây tre đan Tùng Sơn, chúng tôi được chứng kiến không khí làm việc khẩn trương bận rộn. Chị Nguyễn Thị Liên, một thợ lành nghề cho biết: Từ khi xã triển khai đề án làng nghề, tháng 8/2010, việc làm và thu nhập của người dân khá ổn định. Ðường vào xưởng và các thôn xóm được bê-tông hóa tạo thuận lợi cho việc trao đổi nguyên liệu và sản phẩm. Công ty TNHH Phương Anh đăng ký bao tiêu sản phẩm, đến thu mua tận nơi với giá hợp lý, không còn tình trạng ế hàng như mấy năm trước.

Theo Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Thắng, một năm qua, các chương trình trọng tâm cụ thể hóa Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện đều được tổ chức thực hiện đúng hướng với phương châm là tập trung kêu gọi đầu tư, đồng thời chăm lo phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Ðiều quan trọng nữa là, việc chỉ đạo của các cấp ủy, công tác điều hành của chính quyền bước đầu có nhiều đổi mới, vừa bám sát thực tiễn cơ sở, vừa nắm chắc tư tưởng chỉ đạo mà Ðại hội Ðảng bộ huyện đã thông qua. Do vậy nhiều nội dung chương trình hành động thực hiện nghị quyết đã có hiệu quả rõ rệt.

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.