Rèn luyện tác phong nói đi đôi với làm, giữ nghiêm kỷ cương phép nước

TS Nguyễn Văn Thế (Học viện Chính trị Quân sự)

Thứ Năm, 19/07/2007 03:24

Trong lịch sử phát triển của các nền đạo đức cũ, nguyên tắc nói đi đôi với làm đã được nêu ra và có lúc đã được coi trọng. Nhưng về cơ bản, nguyên tắc này không được thực hiện đối với các giai cấp thống trị, bóc lột.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng vạch rõ "Bọn phong kiến ngày xưa nêu ra cần, kiệm, liêm, chính, nhưng không bao giờ làm mà lại bắt nhân dân phải tuân theo để phụng sự quyền lợi cho chúng. Ngày nay ta đề ra cần, kiệm, liêm, chính cho cán bộ thực hiện làm gương cho nhân dân theo để lợi cho nước cho dân"(*).

Tuy nhiên, dưới chế độ mới, hiện tượng nói không đi đôi với làm vẫn đang có ở một bộ phận cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán một số cán bộ "chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được". Người nhắc nhở "Nếu miệng thì tuyên truyền bảo người ta siêng làm, mà tự mình thì ăn trưa, ngủ trễ; bảo người ta tiết kiệm, mà tự mình thì xa xỉ, lung tung, thì tuyên truyền một trăm năm cũng vô ích", "Mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý". Người đã yêu cầu cán bộ, đảng viên nói là phải làm, "nói ít, bắt đầu bằng hành động", "tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước".

Muốn vậy, theo Người phải "Luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay của mình, sửa đổi khuyết điểm của mình. Ðồng thời phải hoan nghênh người khác, phê bình mình". Phải chống bệnh hữu danh, vô thực, bệnh hình thức. Về phía tổ chức Ðảng, Người chỉ rõ "Ðảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Ðảng".

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nói nhiều về nguyên tắc nói đi đôi với làm, mà Người là tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng tuyệt vời, trọn vẹn cho mọi người học tập, làm theo.

Ðồng chí Phạm Văn Ðồng đã viết: Mọi lời nói, việc làm của Hồ Chí Minh đều thiết thực và cụ thể. Nói là làm, thường là làm nhiều hơn nói, có khi làm mà không cần nói, tư tưởng hiện ra trong hành động. Hiện nay, tình trạng nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, nói hay làm dở, nói một đằng làm một nẻo, đang tồn tại ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, mà biểu hiện rõ nhất là ở vấn đề nói và thực hành chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Tình hình này không những làm giảm niềm tin của nhân dân vào Ðảng mà còn làm cho kỷ cương, phép nước bị coi thường.

Có trường hợp, người cán bộ đảng viên, tuy không trực tiếp gây ra những sai phạm đạo đức, nhưng đã cố ý hay vô tình để cho người thân của mình làm những điều bất chính. Khi đó, bản thân họ dù có tốt mấy cũng không thể làm cho người khác tin theo.

Một hiện tượng cần kiên quyết phê phán, đấy là thực hiện nói đi đôi với làm không nhất quán, thường xuyên ở mọi lúc, mọi nơi. Ðáng lo ngại là ở một số nơi, hiện tượng nói không đi đôi với làm đã trở thành phổ biến từ dưới lên trên, từ cán bộ đến nhân viên, đảng viên tới quần chúng. Tình hình thực tế đặt ra vấn đề cấp thiết hàng đầu là phải tăng cường giáo dục và rèn luyện tác phong nói đi đôi với làm và nêu gương về đạo đức theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mà trước hết là đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Trong các lĩnh vực của đời sống con người, thực hiện sự thống nhất giữa nói và làm, giữa học và hành, luôn không phải là điều dễ dàng. Ðối với lĩnh vực đạo đức, thực hiện sự thống nhất giữa nói và làm càng khó hơn. Vấn đề chủ yếu ở đây là phải tìm những nguyên nhân về phía chủ quan và giải quyết, khắc phục những nguyên nhân của hiện tượng nói không đi đôi với làm. Nguyên nhân của hiện tượng này - xét từ góc độ đạo đức - suy cho cùng là do cán bộ, đảng viên còn mang nặng chủ nghĩa cá nhân.

Về phía tổ chức và quần chúng thì chưa kiểm tra, giám sát đến nơi đến chốn những việc làm của cán bộ, đảng viên và khi phát hiện ra sai phạm thì xử lý không nghiêm, không kịp thời; việc lấy gương người tốt việc tốt để giáo dục đạo đức chưa thật thường xuyên, có hiệu quả... 

Nói đi đôi với làm và giữ nghiêm kỷ cương, phép nước là những vấn đề có quan hệ chặt chẽ với nhau. Giữ nghiêm kỷ cương, phép nước vừa là một yêu cầu của pháp chế xã hội chủ nghĩa, vừa là biểu hiện của đạo đức công dân, mà người cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu. Giữ nghiêm kỷ cương, phép nước không chỉ phụ thuộc vào việc giáo dục và thực thi pháp luật, kỷ luật, nội quy, quy định trong các lĩnh vực hoạt động của con người mà còn phụ thuộc nhiều vào tấm gương "nói và làm" theo pháp luật của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể cách mạng.

Nói đi đôi với làm, giữ nghiêm kỷ cương, phép nước là thể hiện sự thống nhất giữa đạo đức với chính trị, pháp luật mà cái chủ yếu quy định sự thống nhất này là thực hành và nêu tấm gương về đạo đức cách mạng. Vì thế phẩm chất "làm" trong lĩnh vực đạo đức ở thời kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập cần đặc biệt coi trọng.

Nói đi đôi với làm, không chỉ được nhận thức như là một nguyên tắc cơ bản, hàng đầu trong xây dựng đạo đức mới, mà phải được giáo dục, rèn luyện thường xuyên để trở thành tác phong, phẩm chất tốt đẹp, bền vững của người cán bộ, đảng viên. Vẫn biết rằng thực hiện sự thống nhất giữa nói và thực hành đạo đức là việc khó.

Nhưng khó không phải là không làm được. Chúng ta không cầu toàn sự thống nhất trọn vẹn ở mọi người, nhưng cán bộ, đảng viên phải làm gương sáng về vấn đề này. Chỉ khi nào cán bộ, đảng viên thực hành nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức thì kỷ cương phép nước mới được giữ nghiêm, lòng tin của nhân dân vào Ðảng, vào chế độ xã hội và con đường tiến lên của đất nước mới ngày càng được củng cố và phát triển. 

Hiện nay, Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta đang quyết tâm đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu và những căn bệnh khác bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Trung ương Ðảng đã có nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Nhà nước đã có Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các đơn vị, đoàn thể đã tổ chức học tập quán triệt và thực hiện.

Kết quả thực hiện đường lối của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là về những vấn đề liên quan trực tiếp tới đạo đức, lối sống, đòi hỏi trước hết cán bộ, đảng viên phải nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức, giữ nghiêm kỷ cương phép nước. Dù ở cương vị nào, người cán bộ, đảng viên cũng không bao giờ đặt mình ra ngoài khuôn khổ của pháp luật, đứng ngoài kỷ luật Ðảng.

Phải suy nghĩ kỹ trước khi nói, khi nói phải nghĩ đến làm, có làm được thì mới nói, thường xuyên xem lại những điều đã nói, những việc đã làm, biết xấu hổ, ân hận, căm ghét cái xấu, cái ác mà mình đã gây ra, có văn hóa biết "từ chối" những lợi ích vật chất, đồng tiền và danh vị mà không do mình làm nên, kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân.

Mặt khác, để thực hiện "nói đi đôi với làm", người cán bộ đảng viên không thể chỉ biết bổn phận của mình trước tập thể, nơi công sở mà phải giáo dục vợ con, gia đình thực hiện "nói và làm" để xây dựng đạo đức mới.

-----------------------------------------

(*) Tất cả những câu của Hồ Chí Minh trong bài viết, đều được trích trong Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia.

Tin liên quan

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Sinh thời, Bác Hồ đã sớm nhận thấy vị thế của ngành than là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, tạo bước đà cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước vững mạnh, giàu đẹp. Chính vì thế, Người đã luôn chú ý và dành nhiều sự quan tâm cho vùng mỏ nói chung, ngành than nói riêng.
Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.