Sắc thắm " đảo hoa đào"

TIỂU PHƯƠNG

Thứ Tư, 05/02/2014 20:21
Mỗi nhà có ít nhất một cây đào chơi Tết, để khi mùa Xuân đến Cô Tô ngập sắc đào. Ý tưởng đó không chỉ mang Xuân về mà còn mang theo hơi ấm của đất liền ra đảo. Xuân này, xuân đầu tiên Cô Tô bừng sáng trong chan hòa ánh điện.
Dàn điện mặt trời trên nóc ngọn hải đăng ở Cô Tô.
Dàn điện mặt trời trên nóc ngọn hải đăng ở Cô Tô.

Nguồn điện quốc gia đã nhân lên những niềm vui, thắp sáng niềm tin vào sự phát triển của "đảo Ngọc", xích gần hơn "khoảng cách" với đất liền. Cấp ủy, chính quyền nơi đây đã có nhiều sáng kiến khuyến khích người dân ở lại đảo đón Tết. Bởi thế, không khí đón Xuân Giáp Ngọ thêm rộn ràng vì nhiều gia đình đã quyết định đón giao thừa trên đảo.

Hiện thực hóa "ba điều ước"

Chỉ vài năm trước, nếu hỏi người dân huyện đảo Cô Tô ước gì, họ sẽ nói với người đối diện về ba cái khó mà họ vẫn ước sao cho đủ, cho thuận, đó là điện, nước và giao thông.

Cô Tô vốn được coi là nơi có giá điện đắt đỏ nhất cả nước, do nguồn điện cung cấp chủ yếu từ các trạm đi-ê-den và pin năng lượng mặt trời. Giá xăng dầu liên tục tăng nên có thời điểm, giá điện thương phẩm tại trung tâm thị trấn Cô Tô thấp nhất cũng tới 9.500 đồng/kWh, ở hai xã Đồng Tiến và Thanh Lân dao động từ 15 đến 20 nghìn đồng/kWh, cá biệt có nơi lên tới 25 nghìn đồng. Mỗi năm ngân sách huyện phải chi hơn bảy tỷ đồng hỗ trợ, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống cấp phát điện.

Vì thế, Dự án đưa điện lưới quốc gia ra đảo Cô Tô hoàn thành trước dự kiến, với tổng chiều dài tuyến gần 100 km, mức đầu tư gần 1.107 tỷ đồng đáp ứng sự trông đợi bao đời của người dân trên đảo.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Nguyễn Đức Thành chia sẻ niềm vui, mà theo đồng chí niềm vui này không phải của riêng mình mà là của tất cả người dân trên đảo bởi ngày đóng điện đã mở ra một trang mới cho sự phát triển kinh tế-xã hội trong vùng. Dự án đưa đường điện ngầm ra đảo hoàn thành đã giải quyết căn bản cho cái khó về điện mà bao năm qua cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo luôn nỗ lực tìm cách tháo gỡ.

Sự kiện này tiếp nối những tín hiệu vui khi trước đó, công trình hồ chứa nước Trường Xuân thuộc địa bàn xã Đồng Tiến, với tổng số vốn là 17 tỷ đồng, trữ lượng nước 171.000 m3 đã hoàn thành trước thời hạn một năm. Cùng với việc nâng cấp và xây mới hồ Chiến Thắng 2, hồ Bạch Vân trên đảo Thanh Lân đã hóa giải kịp thời cơn khát nước ngọt trên đảo. Tất cả hộ dân đã được dùng nước sạch. Giao thông là cái khó thứ ba đang từng bước được khắc phục.

Việc hạ thủy, đưa vào sử dụng tàu cao tốc đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Vân Đồn đến Cô Tô còn 60-70 phút, nhanh hơn rất nhiều so với trước đây là 3-4 giờ.

Hành trình biển đảo quê hương

Biết là thời tiết không thuận, nhưng tất cả đã sẵn sàng, chúng tôi vẫn quyết tâm ra đảo. Lên con tàu cao tốc, chúng tôi nhận thấy sự háo hức trên những gương mặt trẻ.

Dường như những đợt sóng ngoài kia chưa đủ lớn để có thể ngăn những trái tim nóng đang hướng về đảo xa. Cô Tô chào đón chúng tôi trong cái nắng le lói và nụ cười thân thiện của người dân trên đảo.

Buổi tối đầu tiên ở Cô Tô, chúng tôi được hòa chung không khí giao lưu sôi nổi giữa thanh niên huyện đảo với thanh niên Công ty Than Hòn Gai, hưởng ứng Chương trình "Hành trình biển đảo quê hương". Bí thư Đoàn Thanh niên Than Quảng Ninh Nguyễn Văn Quyết phấn khởi nói: Cô Tô là niềm tự hào của nhân dân Quảng Ninh. Hàng trăm nghìn lượt đoàn viên, thanh niên ngành than đã ra đảo, tham gia các hoạt động thăm, tặng quà trẻ em nghèo vượt khó, tặng ra-đi-ô cho ngư dân đi biển, kết nghĩa với Đồn Biên phòng, làm sạch môi trường biển. Năm 2013, hoạt động này đã trở thành thường xuyên. Chủ đề biển đảo luôn hấp dẫn và được cụ thể hóa bằng nhiều chương trình hành động bổ ích.

Nhiều bạn thanh niên tình nguyện Trường cao đẳng Nông lâm Đông Bắc chia sẻ niềm vui khi giúp bà con trên đảo làm đường, trao quà và học bổng tặng học sinh nghèo, hướng dẫn cách chăm sóc bản thân cho các em nhỏ ở Trường tiểu học Đồng Tiến...

"Đó là cơ hội tích lũy những bài học quý báu, được trải nghiệm cuộc sống lạ mà quen của người dân huyện đảo Cô Tô và thổi bùng quyết tâm xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quê hương".

Tình yêu với biển đảo

Đến Cô Tô, mỗi người đều có cách thể hiện tình yêu của riêng mình dành cho vùng hải đảo của Tổ quốc. Thầy giáo Nguyễn Việt Long, Trường THCS Đồng Việt đã có 13 năm gắn bó với hải đảo và theo anh sẽ là trọn đời. Bởi anh đã yêu lắm mảnh đất bình yên nơi đây. Quê anh ở Giếng Đáy (Hạ Long) nhưng ngay lần đầu đến Cô Tô anh đã xác định chọn nơi này để lập nghiệp. Qua câu chuyện, chúng tôi có cảm giác anh thuộc từng góc nhỏ, nhớ mỗi con nước lên xuống, từng mùa lá rụng ở Cô Tô. Gia đình anh tham gia mô hình du lịch cộng đồng (homestay) nên anh luôn sẵn sàng làm hướng dẫn viên du lịch nhiệt tình nhất giới thiệu với du khách những địa điểm đẹp, góc nhìn lạ ở Cô Tô; dẫn khách đi soi cà ké, cùm cùm, đánh lưới... Tình yêu với đảo khiến mỗi khi đi xa, chỉ ngắm đảo qua in-tơ-nét là anh lại muốn trở về.

Với bà Nguyễn Thị Hế ở thôn 3, xã đảo Thanh Lân thì Cô Tô đã trở thành quê hương.

Thuộc diện di dân của Hải Phòng từ năm 1979, buổi ban đầu thật khó khăn, vất vả nhưng bà và gia đình vẫn quyết tâm ở lại, gắn bó với đảo. 24 năm làm cán bộ xã đảo, bà hiểu hết cái khó, cái khổ của những người xa quê ra đảo. Nhưng giờ đây, cuộc sống đã khác, điện, nước, giao thông được cải thiện rất nhiều.

Thanh Lân đã có con đường xuyên đảo. Sản xuất nông nghiệp được đầu tư giống, phân bón, kỹ thuật nuôi trồng, nên bà con yên tâm bám trụ.

Ngày Tết, ở đảo đã có đầy đủ như ở đất liền, có hoa đào để ngắm, được xem bắn pháo hoa, xem múa rồng... Yêu đảo, bà vận động người cháu ở quê học xong ra đảo lập nghiệp.

Trò chuyện với Bí thư, Chủ tịch huyện Nguyễn Đức Thành, chúng tôi nhận thấy tình yêu anh dành cho nơi này thật đặc biệt. Cũng như bao người dân nơi đây, anh tự hào vì Cô Tô là đảo duy nhất được Bác Hồ đồng ý dựng tượng của mình khi Người ra thăm đảo ngày 9/5/1961.

Ba năm ra đảo, anh đã góp phần thay đổi diện mạo nơi này. Từng là "thủ lĩnh" thanh niên, nên kế hoạch, ý tưởng do anh khởi xướng và chỉ đạo thực hiện luôn tạo thành phong trào sôi nổi như mô hình du lịch cộng đồng, Hành trình vì biển đảo, xây dựng xã hội học tập, huy động toàn dân cùng làm du lịch theo hướng văn minh..., tận dụng lợi thế của công nghệ truyền thông, những tâm tư, nguyện vọng của người dân được nắm bắt kịp thời, đồng thời qua đó cũng kêu gọi sự ủng hộ, trợ giúp để xây dựng Cô Tô ngày càng phát triển.

Đồng chí Bí thư tâm sự, qua in-tơ-nét, mình biết nhiều hơn, thật hơn những điều người dân bức xúc, phàn nàn như giá đi lại ở Cô Tô còn cao, nhiều bất cập, rác Cô Tô chưa tìm được giải pháp xử lý triệt để; làm sao để du lịch Cô Tô phát triển mà không làm ô nhiễm môi trường, không bị xâm hại văn hóa..., từ đó có những giải pháp tháo gỡ hợp lý.

Giữa biển xanh mênh mông, Cô Tô hấp dẫn du khách bằng những bãi biển hoang sơ trải dài cát trắng như Cô Tô con, Vàn Chảy, Nam Hải, Hồng Vàn. Rừng chõi nguyên sinh có hàng trăm vòm cổ thụ xanh ngắt mùa hè, rực vàng cuối thu. Cầu cảng Bắc Vàn - nơi có thể ngắm trời xanh, biển trong tới đáy. Một ngọn hải đăng ở độ cao lý tưởng có thể hút cả biển trời trong tầm mắt. Có những tấm lòng yêu đảo , Cô Tô đã trở thành lựa chọn cho các chuyến đi của nhiều du khách.

Năm qua, Cô Tô đón lượng khách kỷ lục với gần bốn mươi nghìn lượt, tăng gấp 4 lần so năm 2011, gấp mười lần so năm 2010. Đã có hàng chục hộ gia đình rời đảo về quê, nay đã tình nguyện quay trở lại.

Mỗi tình yêu là một sắc độ, tô thắm thêm sức sống trên "đảo hoa đào".

Tin liên quan

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là do bản lĩnh chính trị thiếu kiên định, thiếu vững vàng. Do đó, để cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiệu quả, cần tăng cường giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng chiến tranh nhân dân là một bộ phận trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại.
Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày 15/5/2007, tại Hà Nội, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp Viện Khoa học Xã hội nhân văn Quân sự (Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội thảo khoa học: "Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam", nhân kỷ niệm 50 năm bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lớp chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp, Bộ Quốc phòng về xây dựng Quân đội từng bước tiến lên chính quy và hiện đại (5/1957 - 5/2007) và kỷ niệm 117 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.