Siết chặt kỷ cương, nâng cao hiệu quả công tác

Bài và ảnh: KHÁNH MINH

Thứ Tư, 05/12/2012 18:47
Xây dựng hình ảnh người chiến sĩ công an gần dân, vì nhân dân phục vụ, thường xuyên chấn chỉnh lễ tiết, tác phong nhằm nâng cao văn hóa ứng xử, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh luôn là mục tiêu phấn đấu của mỗi cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an tỉnh Phú Thọ.
Công an huyện Tân Sơn (Phú Thọ) tuyên truyền pháp luật cho người dân.
Công an huyện Tân Sơn (Phú Thọ) tuyên truyền pháp luật cho người dân.

Những việc làm vì dân

Sáng chủ nhật 9-9-2012, Ðoàn Thanh niên Ðội cảnh sát quản lý hành chính (CSQLHC) Công an huyện Thanh Ba về tận nơi để cấp đổi CMTND cho người cao tuổi xã Hanh Cù. Cụ Cấn Văn Tùng ở Tân Dân (Việt Trì) cũng không ngớt lời ngợi khen cán bộ Phòng CSQLHC về trật tự xã hội (TTXH) đã không quản đường sá xa xôi đến tận Viện Huyết học và truyền máu T.Ư làm CMTND cho cụ để giúp cụ hoàn thiện thủ tục chữa bệnh ung thư, phải điều trị tại Hà Nội.

Những việc tốt ấy đã được nhân rộng ở nhiều đơn vị trong Công an tỉnh, nhất là các bộ phận tiếp dân.

Ðại tá Nguyễn Thanh Phong, Trưởng phòng CSQLHC về TTXH chia sẻ, mỗi CBCS luôn xác định, được phục vụ dân là niềm vui, hạnh phúc. Các quy định về thủ tục, hồ sơ, lệ phí, thời gian giải quyết, số điện thoại được niêm yết công khai; cán bộ trực tận tình hướng dẫn, giải quyết thắc mắc, phản ánh của bà con, không để cò mồi lợi dụng chèn ép. Tình trạng mất công, mất buổi đi làm CMTND, chuyển khẩu đã chấm dứt, nay người dân được tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng, giảm triệt để phiền hà. Nếu trước đây, làm CMTND người dân phải mất ba lần đi lại, giờ chỉ một lần duy nhất đến làm thủ tục, ai đăng ký sẽ được trả qua đường chuyển phát nhanh. Tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ tận tình, hạn chế để "dân chờ, dân lo, dân phiền" đã biến thành hành động thiết thực trong mỗi việc làm vì dân của CBCS.

Là bộ phận tiếp dân, đại diện cho Công an tỉnh, nên cán bộ Phòng quản lý xuất nhập cảnh đều có tính tình nền nã, kiên trì, cởi mở, chuyên môn vững, bởi niềm nở, kính trọng, lễ phép với dân chính là chìa khóa thành công.

Ðại úy Nguyễn Thị Thùy Dương bộc bạch, cô tự rèn cho mình chữ "nhẫn" trong nghề nghiệp. Người đến làm hộ chiếu, mỗi người một vẻ: già trẻ có, người khó tính, dễ tính có. Không ít người ngại khai, nhờ người khác làm giúp, dễ nhầm lẫn, khi được góp ý lại lý sự cùn "chữ tôi xấu không đọc được, tôi không biết chữ", cán bộ tiếp nhận phải đối chiếu rất kỹ, tránh sai sót, có người hỏi đi hỏi lại nhiều lần đến sốt ruột; thậm chí nhiều thắc mắc, nóng nảy vô lý nhưng những lời giải đáp nhẹ nhàng, từ tốn của CBCS ở đây giúp mọi người thấu hiểu, chấp hành. Lời nói chẳng mất tiền mua, không "đao to búa lớn", mềm mỏng, ứng xử linh hoạt mà vẫn được việc. Ðó là nghệ thuật tiếp đón nhân dân của đội xuất nhập cảnh.

Thời gian qua đã có hơn 11.500 công dân đến làm hộ chiếu (ngày cao điểm nhất 100 người), trong khi đội chỉ có chín người, công việc rất bộn bề. Thủ tục càng đơn giản, thông thoáng (chỉ cần khai, dán ảnh, xuất trình CMND, đối chiếu ảnh), phụ thuộc nhiều vào sự trung thực của người khai. Nếu không nhạy bén, tinh thông nghiệp vụ, rất dễ để lọt các trường hợp khai báo không trung thực.

Biểu hiện "mắt la mày lém", run sợ bất thường "có tật giật mình", cán bộ chỉ "điểm huyệt" hỏi lại những điểm nghi ngờ trong tờ khai hoặc yêu cầu soi vân tay, không ít đối tượng non gan đã phải tự thú.

Ranh ma, tinh vi như Hoàng Thế Tân ở Trạm Thản (Phù Ninh) cũng không thể lọt lưới. Tân bị trục xuất khỏi Trung Quốc vì ở quá thời hạn, lấy tên người thân là Hoàng Thế Thủ làm hộ chiếu xuất cảnh nhưng lộ tẩy.

Mức phạt cao, không ít trường hợp bị phát hiện đã hối lộ, xin xỏ mong được bỏ qua, nhưng đều bị thẳng thừng từ chối. Nhiều đối tượng truy nã đội lốt, che giấu tung tích cũng không thể thoát thân khi làm thủ tục xuất nhập cảnh.

Khoán việc, bình xét thi đua để cọ xát

Ðược dân tin yêu và giúp đỡ, công việc của những "công bộc" ắt thành công. Nhiều chuyên án lớn được bóc gỡ, xuất hiện thêm nhiều tấm gương dũng cảm tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm; các lễ hội, ngày kỷ niệm lớn được bảo vệ an toàn tuyệt đối.

Thượng tá Nguyễn Khắc Hoạt, Trưởng phòng cảnh sát kinh tế chia sẻ, trên mặt trận chống tội phạm nhờ có tai mắt quần chúng hỗ trợ, CBCS hăng hái lập công, dám nghĩ, dám làm, tự quản tránh những "viên đạn bọc đường". Thời gian qua, đơn vị đã điều tra, làm rõ nhiều vụ việc nổi cộm trong cả nước như chuyên án phá đường dây tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, bắt giam ba lãnh đạo chi nhánh Công ty MB24 tại Phú Thọ; vụ phát hiện, kiên quyết xử lý 21 xe ô-tô mang BKS ngoại giao vi phạm quy định của Nhà nước về tạm nhập, tái xuất, góp phần phát hiện sơ hở, thiếu sót của ngành chức năng trong quản lý loại xe này.

Cơ chế nhận xét, đánh giá, bình xét thi đua dân chủ, không cào bằng, nể nang, đề bạt, nâng lương, thăng cấp bậc hàm, kết nạp Ðảng, quy hoạch luân chuyển, tạo đòn bẩy giảm dần sức ỳ trong công việc.

Thiếu tướng Ðỗ Ðức Kính, Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh, việc siết chặt kỷ cương cùng với sự tăng cường đoàn kết nội bộ, phát huy tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc, phấn đấu mỗi ngày làm một việc tốt vì dân, gắn với kiểm tra, giám sát thường xuyên, thưởng phạt nghiêm minh, chính là "bí quyết" mấu chốt tạo nên thành công.

Tin liên quan

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Sinh thời, Bác Hồ đã sớm nhận thấy vị thế của ngành than là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, tạo bước đà cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước vững mạnh, giàu đẹp. Chính vì thế, Người đã luôn chú ý và dành nhiều sự quan tâm cho vùng mỏ nói chung, ngành than nói riêng.
Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.