Sống - chết cho đời

Không chỉ đứng đầu danh sách những người hiến máu tình nguyện (HMTN) của tỉnh Ðồng Tháp mà anh còn là người có đóng góp lớn trong việc vận động thành lập câu lạc bộ (CLB) HMTN và "ngân hàng máu sống". Càng cảm động hơn khi ở tuổi 45, anh tình nguyện hiến xác mình cho y học. Anh là Nguyễn Văn Hạnh, cán bộ chuyên trách Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo vận động HMTN, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ðồng Tháp.

Học xong THPT, anh Nguyễn Văn Hạnh xin vào làm việc ở Hội Chữ thập đỏ huyện Cao Lãnh. Làm việc ở một tổ chức nhân đạo, anh luôn tỏ rõ tính xung kích của tuổi trẻ, tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng.

Là một cán bộ trẻ, sau hai năm công tác, năm 1998, anh được điều động về làm việc tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh ở bộ phận Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo vận động HMTN.

Qua thực tiễn công việc, bằng sự tiếp xúc với những mảnh đời éo le, nghèo khó và cả những tấm lòng bao dung, nhân ái, tình yêu nghề, yêu người trong anh cứ lớn dần, để rồi những khi đến bệnh viện chứng kiến cảnh người nhà và thầy thuốc bất lực đứng nhìn người bệnh chết dần theo từng giờ, từng phút vì không có máu để truyền, anh mới hiểu được việc hiến máu cứu người là quan trọng biết chừng nào! Kể từ đó, anh bắt  đầu tham gia HMTN theo triết lý nhân sinh "Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại".

Ðể công tác tuyên truyền, vận động đạt hiệu quả cao, trong các chiến dịch, các đợt tuyên truyền, vận động mọi người tham gia HMTN được tổ chức ở tỉnh hay cơ sở, sau những lời tâm sự đầy tâm huyết, có giá trị nhân văn cao cả, bao giờ anh cũng là người tiên phong tình nguyện hiến máu đầu tiên trước công chúng. Nói đi đôi với làm nên sức cảm hóa, thuyết phục cao, số người tham gia HMTN ngày càng tăng, từng bước khắc phục được phần nào sự khan hiếm máu tại các bệnh viện.    

Không chỉ là người tình nguyện hiến máu cứu người nhiều nhất trong tỉnh mà anh còn là người tiên phong trong việc vận động thành lập CLB HMTN. Từ CLB HMTN này, ngoài việc tự nguyện thực hiện tốt nội quy của CLB, các thành viên CLB đều trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia HMTN ở các địa phương, đơn vị.

Không chỉ là người HMTN tập trung theo định kỳ ba tháng cho máu một lần và cùng CLB HMTN hoạt động có hiệu quả mà anh còn là một "Ngân hàng máu sống" tại ba địa chỉ: Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo vận động HMTN Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ðồng Tháp, Bệnh viện Ða khoa Ðồng Tháp và Bệnh viện Ða khoa thị xã Sa Ðéc, với tinh thần sẵn sàng hiến máu cứu người bất cứ giờ nào, hoàn cảnh nào khi có yêu cầu.

Làm việc ở tổ chức Hội Chữ thập đỏ, lại là người làm công tác phong trào, cho nên anh là người luôn tiếp cận hai thái cực: vui - buồn của cuộc sống. Chính từ những công việc thường ngày đó, lòng bao dung, nhân ái và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, xã hội trong con người anh càng lớn dần theo thời gian. Năm 2011, anh Nguyễn Văn Hạnh đã làm đơn tình nguyện hiến tặng xác mình cho Bệnh viện Y dược thành phố Hồ Chí Minh.

Nghe tôi hỏi có ai trong gia đình phản đối việc anh tự nguyện hiến tặng thể xác mình cho y học hay không? Anh Nguyễn Văn Hạnh nói như tự bạch: "Người Việt Nam mình vẫn còn mang  nặng quan niệm "Sống cái nhà, già cái mồ". Lúc sống thì mong mỏi có được cái nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, khỏi phải lo về chỗ ở, khi chết lại ao ước có được mồ yên, mả đẹp. Tập quán đó đang là một thách thức lớn đối với những tuyên truyền viên của Hội Chữ thập đỏ nói riêng và giới truyền thông nói chung. Với tôi, tự thấy việc hiến máu cứu người hay tự  nguyện hiến tặng thể xác mình cho y học là những việc làm có ích, tự coi đó như là món quà mình ban tặng cho cuộc sống nên tôi tự nguyện làm. Nhờ có quá trình HMTN và vận động mọi người hiến máu nhân đạo có hiệu quả nên việc tôi bày tỏ ý nguyện hiến tặng thể xác mình cho y học sau khi qua đời đều được mọi người trong gia đình hai bên nội - ngoại đồng thuận".

Ghi nhận những cống hiến vì mục đích nhân đạo cao cả, năm 2010, anh Nguyễn Văn Hạnh được UBND tỉnh Ðồng Tháp tặng bằng khen tại Lễ tôn vinh những người HMTN lần thứ I của tỉnh. Hai năm sau, anh vinh dự được bình chọn là đại biểu của tỉnh dự Lễ tôn vinh 100 gương điển hình HMTN toàn quốc tại Thủ đô Hà Nội.

NGUYỄN TRỌNG QUẾ

(Ðồng Tháp)

 

Tin liên quan

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Sinh thời, Bác Hồ đã sớm nhận thấy vị thế của ngành than là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, tạo bước đà cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước vững mạnh, giàu đẹp. Chính vì thế, Người đã luôn chú ý và dành nhiều sự quan tâm cho vùng mỏ nói chung, ngành than nói riêng.
Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.