Vợ chồng cựu chiến binh Vũ Minh Tằng. |
Với làn da nâu sậm, mái tóc hoa râm búi tó củ hành và cách nói chuyện nhiệt tình, bác Vũ Minh Tằng, 72 tuổi, xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản (Nam Ðịnh) mang đậm phong thái của một lão nông vùng đồng bằng sông Hồng. Bác Tằng cho tôi xem bộ răng giả còn bọc kín trong túi ni-lông: "Ðây là món quà của bà con Quảng Ngãi tặng tháng 10-2010, khi tôi vào thăm lại chiến trường xưa sau 43 năm xa cách". Thế rồi những kỷ niệm đầy máu lửa của một thời đánh Mỹ lại trở về với chúng tôi.
Tháng 4-1962, chàng thanh niên (22 tuổi) người Công giáo Vũ Minh Tằng tạm biệt xứ đạo Tiên Hào và người vợ trẻ đang mang thai người con thứ hai để lên đường nhập ngũ và sớm có mặt tại mặt trận Bắc Bình Ðịnh.
Trong quá trình chiến đấu, Vũ Minh Tằng hai lần được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và bị thương với nhiều mảnh đạn M79 (hiện vẫn còn nằm trong cơ thể). Tháng 10-1966, y sĩ Vũ Minh Tằng được điều chuyển về đội phẫu của Sư đoàn 320 làm nhiệm vụ cứu chữa thương, bệnh binh đúng với chuyên môn được đào tạo trước ngày vào Nam chiến đấu.
Một ngày đầu tháng 9-1967, bác Vũ Minh Tằng cùng đội phẫu của đơn vị đặt trong hang Ðá Chẹt (Mộ Ðức, Quảng Ngãi) bị địch phát hiện và "hốt gọn" đưa cả 37 người về nhà thương Phú Tài ở Quy Nhơn. Sau 13 giờ nằm tại nhà thương, bác cùng đồng đội bị địch đưa lên máy bay trực thăng chở thẳng ra nhà tù Phú Quốc.
Ở chốn "địa ngục trần gian" này kẻ thù dùng những ngón đòn cực kỳ tàn bạo, thâm hiểm mà chỉ điểm tên thôi, nhiều người đã rùng mình như dùng chày vồ đập nát vụn mắt cá chân và hai đầu gối, dùng dùi đục đục từng miếng xương bánh chè, dùng ván gỗ chắc nịch và đinh vít ép vỡ lồng ngực; rồi bẻ răng, luộc người trong chảo nước sôi hay nướng người trên lửa than rực hồng... để tra tấn các CSCM. Nhưng bác Vũ Minh Tằng cũng như hàng vạn CSCM vẫn một lòng trung kiên với Ðảng, vững tin vào sự tất thắng của cách mạng.
Tháng 3-1973, bác Vũ Minh Tằng được trả tự do theo Hiệp định Pa ri, về Ðoàn an dưỡng 586; rồi công tác ở Bộ CHQS tỉnh Nam Ðịnh đến tháng 12-1976 phục viên hưởng chế độ bệnh binh loại 2 với hai đầu gối lạo xạo xương vỡ như "vỏ trứng bóp vụn", mất chín cái răng, hai dẻ xương sườn bị gãy... hậu quả từ những đòn thù hiểm độc của tên cai ngục tàn bạo Trần Văn Nhu (Bảy Nhu).
Sau niềm vui đoàn tụ cùng gia đình trong ngày đất nước thống nhất, cựu chiến binh (CCB) Vũ Minh Tằng lại lao vào cuộc mưu sinh, lần lượt sinh thêm ba người con Vũ Văn Anh (1974), Vũ Văn Hào (1978) và Vũ Thị Ðông (1980).
Cùng với việc lo cho năm người con ăn học, vợ chồng bác lại phải nuôi người em trai (sinh năm 1949) mất trí do bị tai nạn từ năm 13 tuổi nên cuộc sống lại càng thêm vất vả, khó khăn. Nhưng với phẩm chất Anh Bộ đội Cụ Hồ và ý chí kiên cường của người CSCM được hun đúc trong lao tù, bác Vũ Minh Tằng cùng người vợ thủy chung, thảo hiền vượt lên khó khăn trong cuộc sống, cải thiện cuộc sống gia đình.
Cùng với sự phát triển của đất nước, quê hương, những cơn bão tố cuộc đời của bác giờ cũng lùi dần vào dĩ vãng. Ðến nay, các con bác đều đã phương trưởng; cháu con đề huề. Cuộc đời CCB Vũ Minh Tằng cứ bình lặng trong xứ đạo Tiên Hào bình yên cho đến khi những đoàn khách từ Bảo tàng CSCM bị địch bắt tù đày (ở xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) về thăm. Bởi những vị khách quý này muốn được trực tiếp gặp lại chủ nhân của tám chiếc răng đang trưng bày tại Bảo tàng làm bằng chứng tố cáo tội ác của tên cai ngục Bảy Nhu.
Cảm phục sự hy sinh và lòng trung kiên của những người tù Cộng sản, Giám đốc Công ty Ðầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (HACICO) Nguyễn Chí Sỹ đã mời bác Vũ Minh Tằng đi thăm lại chiến trường xưa và nhà tù Phú Quốc vào tháng 10-2010. Trong chuyến đi này, bác Vũ Minh Tằng chủ động gặp lại tên cai ngục Bảy Nhu đang sống những ngày cuối đời ở chính nơi hắn đã gây ra những tội ác man rợ đối với các CSCM.
Khi được hỏi về thái độ của Bảy Nhu khi gặp lại, bác Tằng trầm ngâm trong giây lát.
"Mỗi khi nhắc đến Bảy Nhu và đám quân cảnh ở nhà tù Phú Quốc, anh em chúng tôi đều muốn trả thù ông ta cho hả giận. Nhưng khi gặp lại, thấy ông ta đã sám hối, tuổi già cô đơn thì lòng khoan dung trong tôi đã chiến thắng sự hận thù. Nhất là khi Bảy Nhu giơ gương mặt và hai cẳng tay đầy những tàn nhang đen xám ra và nói: "Tôi xin lỗi nhé. Ðời tôi lúc đó cũng như con chó săn làm theo lệnh chủ mà thôi. Bây giờ ông đánh bao nhiêu thì cứ đánh". Nghĩ vừa giận và thương cho ông ta.
Hành động tha thứ của bác Vũ Minh Tằng dành cho Bảy Nhu đã khiến nhiều người xúc động. Các phật tử họ Vũ ở chùa Quán Sứ (Hà Nội) đề tặng vợ chồng bác Tằng - Nguyệt đôi câu đối: " Tằng cao muôn trượng đầu không cúi / Nguyệt nhật tan mù đỏ trái tim".
Nữ đạo diễn trẻ Bùi Thị Phương Thảo (Hãng phim Tài liệu và Khoa học T.Ư) đã làm bộ phim Ðỉnh trời - Ðáy vực, ca ngợi tấm lòng khoan dung, vị tha của người cựu tù Phú Quốc; đồng thời một lần nữa tố cáo tội ác chiến tranh, gửi lời tri ân đến thế hệ đi trước, thể hiện niềm tự hào dân tộc mà cha anh đã truyền lại cho các thế hệ mai sau. CCB Vũ Minh Tằng cũng được nhiều người ở nước ngoài biết đến và tỏ lòng ngưỡng mộ. Tháng 12-2011, một Việt kiều ở Pháp là Giáo sư Phạm Văn Chung mang "một ba-lô tiền ơ-rô" tìm đến nhà bác.
Giáo sư nói mình vốn quê ở thôn Ðại Lại cùng xã Vĩnh Hào, rất tự hào là đồng hương với CCB Vũ Minh Tằng. Ðây là số tiền mà các học trò của giáo sư quyên góp, nhờ giáo sư chuyển tận tay để bác Tằng xây lại ngôi nhà, ổn định cuộc sống gia đình. Bác Tằng cảm ơn và đề xuất với Giáo sư Phạm Văn Chung ủng hộ số tiền này cho địa phương xây nhà trẻ, trường học. Gia đình bác đã có chế độ ưu đãi của Nhà nước.
Hiện cuộc sống hằng ngày của hai vợ chồng bác Tằng cùng người em tật nguyền chỉ vẻn vẹn trong số tiền trợ cấp cho bệnh binh loại 2, không tránh khỏi có những lúc thiếu trước, hụt sau.
Nhưng người CSCM trung kiên ấy luôn sống khiêm nhường, thanh thản giữa đời thường với một tâm niệm: "Từ những năm tháng tù đày mình đã chiến thắng, sống được đến hôm nay là hạnh phúc lớn rồi. Và đây cũng là cách làm thiết thực nhất trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mà toàn dân ta đang thực hiện".