Bác sĩ và nhân viên Khoa thận nhân tạo trao đổi phương pháp điều trị cho người bệnh. |
Một bộ phận cán bộ, nhân viên, trong đó có cả lãnh đạo chủ chốt tha hóa, biến chất... Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, với những việc làm thiết thực, cụ thể, bệnh viện đã lấy lại được niềm tin, uy tín với người bệnh.
Chuyện từ những tấm bảng
Giờ đây, ai có việc vào Bệnh viện Ða khoa Bắc Ninh đều thấy ngay những tấm bảng "đường dây nóng" ghi rõ họ tên và số điện thoại di động của đồng chí Giám đốc, các đồng chí Phó Giám đốc và trực lãnh đạo bệnh viện. Toàn bệnh viện có 100 tấm bảng như vậy, rộng vừa bằng cuốn sách, treo ở tất cả các khoa, phòng, ban, đến tận đầu giường của những buồng bệnh quan trọng.
Tháng đầu tiên, khi những tấm bảng được treo, là một cực hình đối với lãnh đạo bệnh viện - Phó Giám đốc bệnh viện Nguyễn Vũ Khoa, người có số máy di động được ghi ở dòng thứ hai của tấm bảng tâm sự. Theo quy định lãnh đạo bệnh viện mở máy 24/24 giờ, cả bảy ngày trong tuần. Vài tháng đầu, mỗi ngày, anh nhận được không dưới 30 cuộc điện thoại. Cùng với đó là câu hỏi về chính sách, hỏi về bệnh tật, hỏi về thủ tục, phản ánh về thái độ phục vụ và cả đề nghị xin miễn giảm viện phí... Mọi việc đòi hỏi lãnh đạo bệnh viện trực tiếp trả lời, kiểm tra phúc đáp.
Với Giám đốc Bệnh viện Tô Thị Mai Hoa, số lượng các cuộc điện thoại còn "cấp tập" hơn nhiều cả vào giờ nghỉ, ngày nghỉ. Hơn thế, biết chị là nữ bác sĩ còn trẻ, chồng công tác xa, có cả người nhà của người bệnh, điện thoại, nhắn tin bày tỏ tình cảm hoặc muốn "tư vấn sức khỏe"cả lúc đêm khuya.
Tại Khoa nội hô hấp, bác Trần Mạnh Thắng, một người bệnh có thâm niên điều trị ở đây hơn chục năm kể, nhiều năm trước, tôi gặp trưởng khoa là khó. Nay qua "đường dây nóng" được hẹn gặp trực tiếp lãnh đạo bệnh viện phản ánh ý kiến, kiến nghị của mình. Chúng tôi nhẩm tính, bệnh viện có gần một nghìn giường bệnh, có khoảng sáu trăm lượt người đến khám bệnh mỗi ngày, chỉ với 5% số đó có yêu cầu như bác Thắng "thì áp lực " với lãnh đạo viện quả ghê gớm.
Tháng đầu tiên, khi những tấm bảng "đường dây nóng" được công khai, một bộ phận cán bộ, nhân viên một phần vì bị giám sát, phản ánh trong các cuộc điện thoại nóng, phần vì cảm thông với áp lực đối với lãnh đạo bệnh viện đã kiến nghị cho tháo dỡ những tấm bảng này.
Giám đốc, Bí thư Ðảng ủy Tô Thị Mai Hoa và các đồng chí lãnh đạo bệnh viện kiên định giữ những tấm bảng. Kết quả là, sau hơn một năm, những tấm bảng được treo lên, khi mà lượng người bệnh vào bệnh viện đông hơn hẳn trước đây, nhưng số cuộc điện thoại của người bệnh gọi đến lãnh đạo bệnh viện hầu như không còn nữa.
Nhiều cán bộ, nhân viên của bệnh viện tâm sự: Việc làm trên là sự nêu gương của lãnh đạo bệnh viện. Sự "gương mẫu" của các anh, chị đã có tác dụng dây chuyền nhằm nâng cao, kỷ cương y đức của toàn bệnh viện.
Từ người cần ta đến ta cần người
Trong câu chuyện với nhiều bác sĩ và người bệnh ở Bệnh viện Ða khoa Bắc Ninh, được biết có thời kỳ "y đức" ở bệnh viện xuống cấp. Lúc đó, nhiều thầy thuốc với tâm lý "người cần ta" dẫn đến thái độ quan liêu, hách dịch với người bệnh, nặng hơn dẫn đến sự thoái hóa, biến chất. Có nhiều bác sĩ, nhân viên phải có "phong bì lớn" cho lãnh đạo để được nhận vào bệnh viện làm việc. Theo đó, người bệnh phải "lót tay" cho nhân viên, bác sĩ để mong được ưu đãi, tận tâm trong điều trị.
Bắc Ninh nằm cận kề Hà Nội, người bệnh trong tỉnh chỉ mất một, hai giờ đi xe máy là đến được các bệnh viện Trung ương. Trong bối cảnh đó, người bệnh "ngoảnh mặt, quay lưng" lại với bệnh viện cũng là lẽ dễ hiểu. Hệ lụy của nó là người bệnh phải chi thêm nhiều khoản chi phí và tăng áp lực cho bệnh viện tuyến trên. Thầy thuốc của bệnh viện "thiếu mặt bệnh" để thực hành, khó nâng cao được chuyên môn. Thiếu vắng người bệnh, nguồn thu thấp, bệnh viện khó có điều kiện đầu tư nâng cấp trang thiết bị phục vụ. Với cái vòng luẩn quẩn nêu trên, hậu quả tất yếu là sự "tuột dốc" về uy tín cả về chất lượng điều trị của bệnh viện (năm 2005, nguyên Giám đốc Bệnh viện phải truy cứu trách nhiệm hình sự...).
Trước tình thế đó, tỉnh phải điều động đồng chí Phó Giám đốc Sở Y tế, bác sĩ Nguyễn Hạnh Trung, về kiêm vị trí Giám đốc Bệnh viện. Thời gian đó, khi thực hiện "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" tập thể cán bộ, nhân viên bệnh viện chọn khâu đột phá tập trung thực hiện chuyển biến quan điểm thái độ phục vụ, tác phong lề lối làm việc từ cấp lãnh đạo, quản lý đến đội ngũ bác sĩ, nhân viên của bệnh viện.
Khi nữ bác sĩ Tô Thị Mai Hoa, ở cương vị Giám đốc, Bí thư Ðảng ủy bệnh viện, các hoạt động nêu trên được tiếp tục triển khai cả về chiều rộng và chiều sâu, từng đối tượng của bệnh viện đều có chương trình, những hành động cụ thể. Việc công khai điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo bệnh viện là một thí dụ.
Ở tất cả các khoa của bệnh viện, nhiều người bệnh tâm đắc với hình ảnh khá đặc biệt: Từ trưởng khoa, bác sĩ đến nhân viên cùng làm việc chung tại một phòng.
Câu chuyện bắt đầu từ việc bệnh viện quá tải, người bệnh phải nằm chung giường. Với phương châm vì người bệnh, trưởng các khoa và đội ngũ bác sĩ của bệnh viện đề xuất sáng kiến toàn khoa làm việc chung một phòng, để có thêm diện tích kê giường phục vụ người bệnh.
Các bác sĩ như tiến sĩ Nguyễn Minh Hiệp Trưởng khoa nhi; Nguyễn Hữu Tiến, Trưởng khoa u bướu; Ðỗ Bá Hiển, Trưởng khoa thận nhân tạo cùng đội ngũ bác sĩ đều dời "phòng riêng" để ngồi làm việc chung với nhân viên. Một đồng chí trưởng khoa tâm sự rất thật: Lúc đầu quả là bất tiện, vì người nhà hay có người bệnh muốn gặp trưởng khoa hay bác sĩ "trình bày" điều gì cũng khó... Nhưng bù lại, đội ngũ anh em trong khoa sống gắn bó hơn, đoàn kết hơn.
Cũng từ đó, toàn bệnh viện đã có thêm hơn 100 giường, khắc phục tình trạng người bệnh phải nằm chung giường. Hiện nay, bệnh viện đang xây dựng mới khu nhà 11 tầng, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng điều trị của bệnh viện.
Có thể thấy rằng, khi đội ngũ thầy thuốc chuyển nhận thức "từ người cần ta sang ta cần người" đã tạo "môi trường thân thiện", thuận lợi cho người bệnh và người nhà khi đến bệnh viện vào mọi lúc, mọi nơi. Tại các phòng khám có đủ bảng chỉ dẫn, người chỉ dẫn. Khu người bệnh ngồi chờ có quạt máy, có vô tuyến, cây xanh tạo khoảng thư giãn. Bệnh viện bố trí cán bộ tư vấn dinh dưỡng cho mọi người khi ngồi chờ đợi.
Ðáng chú ý, từ năm 2011 đến nay, cùng với cải cách hành chính, bệnh viện triển khai bộ phận cận lâm sàng tại phòng khám và thực hiện trả kết quả lâm sàng nhiều lần trong ngày, từ đó đã giảm mức thấp nhất thời gian chờ đợi của người bệnh.
Ba năm qua, số khoa, phòng của bệnh viện đã tăng từ 32 lên 38. Số lượng người bệnh qua điều trị của bệnh viện so với ba năm trước tăng gần gấp đôi. Tổng số người bệnh phẫu thuật mỗi năm đều đạt khoảng 130% so với kế hoạch, trong đó phẫu thuật loại 1 đạt hơn 60%.
Rất nhiều anh chị em ở bệnh viện ngày nay đã có chung nhận xét: Trong công tác cán bộ, Ðảng ủy, Ban Giám đốc bệnh viện sẵn sàng tìm và mở rộng cửa đón vào đội ngũ những người có năng lực, tâm huyết. Ðội ngũ cán bộ, nhân viên của bệnh viện được trẻ hóa và đào tạo cơ bản. Giờ đây, bệnh viện đang có hàng trăm bác sĩ vừa làm, vừa tham gia học tập nâng cao trình độ. Do có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu phù hợp với nhu cầu phát triển. Bệnh viện đang tập trung phát triển một số kỹ thuật chuyên khoa sâu như ung bướu, tim mạch can thiệp, cấp cứu sơ sinh...
Những năm gần đây, khi uy tín chuyên môn cùng chất lượng điều trị được nâng lên, Bệnh viện Ða khoa Bắc Ninh đã trở thành bệnh viện vệ tinh của hai Bệnh viện Việt Ðức và Bạch Mai (Hà Nội).