"Súng gươm vứt bỏ, lại hiền như xưa"

Bài và ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG LIÊN

Thứ Hai, 07/01/2013 18:39
Trên đường từ Plây Cu xuống huyện Mang Yang (Gia Lai) thăm Anh hùng Bùi Ngọc Ðủ, tôi gọi điện trước. Ông cười hồn hậu: "Nhà báo cứ đi nhé, tôi đang ở trên đồi, phải tranh thủ hái nốt ít cà-phê, chừng khoảng một giờ nữa...".
Anh hùng Bùi Ngọc Ðủ.
Anh hùng Bùi Ngọc Ðủ.

Tây Nguyên mùa khô bời bời nắng gió. Cà-phê đang kỳ thu hoạch. Khoảng sân rộng trước hiên nhà tím sậm một mầu. Ông đã về, đang mải mốt cầm cào trang cà-phê, gương mặt rắn rỏi sáng bừng trong nắng.

Người anh hùng bên dòng suối La La

Giờ đây, mỗi khi nhớ về một thời máu lửa ấy, trận đánh ở đồi Không Tên năm 1967 vẫn là trận đáng nhớ nhất trong cuộc đời trận mạc của Anh hùng Bùi Ngọc Ðủ. Ðể chuẩn bị cho các trận pháo kích vào căn cứ quân sự Mỹ ở bờ nam sông Bến Hải, Trung đoàn 84 đã ém sẵn hàng nghìn viên đạn pháo hỏa tiễn tại khu vực đồi Không Tên, cạnh con suối La La thuộc xã Tân Kim, huyện Cam Lộ (Quảng Trị).  Tiểu đội bộ binh gồm 10 người do ông chỉ huy có nhiệm vụ bảo vệ đạn. Sáng ngày 28-2-1967, 200 giặc Mỹ cùng pháo binh, máy bay yểm trợ xuất hiện. Cuộc chiến giằng co kéo dài từ tám giờ sáng đến sáu giờ tối, tiểu đội Bùi Ngọc Ðủ đánh bật 15 đợt tiến công ác liệt của địch, tiêu diệt 151 tên, bên ta chỉ có một chiến sĩ hy sinh, một bị thương. Trận đánh oanh liệt này đã góp phần vào chiến thắng giòn giã ngày 7-3-1967 vào cứ điểm 241 Tân Lâm phía nam Ðường 9, mở màn cho chiến dịch mặt trận B5 của Trung đoàn 84, tiêu diệt gần 2.000 lính Mỹ, phá hủy hai máy bay trực thăng, năm xe tăng, 30 xe cơ giới, 20 khẩu pháo các loại...

Tấm gương tiểu đội Bùi Ngọc Ðủ "một chọi 20" được phát động để học tập trong toàn quân và báo cáo thành tích với Bác Hồ. Mùa xuân năm 1968, ông vinh dự được về Thủ đô Hà Nội gặp Bác Hồ và Ðại tướng Võ Nguyên Giáp.

Cái tên Bùi Ngọc Ðủ và đồi Không Tên đã đi vào lịch sử. Nhạc sĩ Huy Thục viết bài hát Ơi dòng suối La La vang vọng mãi với thời gian. Năm 2009, tiểu đội ông được phong Ðơn vị Anh hùng, năm  2010 cá nhân Bùi Ngọc Ðủ vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Ông sinh năm 1940, tại Thanh Hóa, là con út trong gia đình có sáu anh em. 18 tuổi, học hết lớp bảy, ông đi công nhân đường sắt, vào làm ở mỏ đá Hoàng Mai. Năm 1961, nối gót hai anh, ông vào bộ đội, gia nhập Sư đoàn 324 ở Nghệ An. Mối tình đầu của chàng lính trẻ là cô thôn nữ nơi đóng quân ở Ngã ba Ðồng Lộc thời gian chuẩn bị vào chiến trường miền nam, năm 1965. Yêu thương, hẹn ước, nhưng không thể không có cuộc chia tay thắt lòng bên chân cầu Hiền Lương ngày vượt sông Bến Hải. Người con trai cởi chiếc khăn quàng kẻ sọc còn ấm hơi mình khoác lên vai người yêu làm kỷ niệm. Sau đó là mười năm trận mạc triền miên. Cô gái vào bộ đội rồi ra quân. Những lá thư chiến trường như hạnh phúc kỳ diệu mà mong manh, anh khuyên cô đi lấy chồng vì không biết ngày trở lại, không nỡ để cô tiếp tục mỏi mòn sau chín năm chờ đợi...

Với tổng số 130 trận đánh trong cuộc đời lính trận, Bùi Ngọc Ðủ từng tham gia nhiều trận oanh liệt ở chiến trường Tây Nguyên và chiến dịch Nam Lào như trận Ðắc Tô - Tân Cảnh (Kon Tum); trận Ðắc Cơ giáp biên giới Campuchia (Gia Lai); những trận đánh cuối cùng từ Buôn Mê Thuột đến Bù Ðăng, Bù Ðốp (Bình Phước), trận Ðồng Dù (Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) góp phần làm nên chiến thắng 30-4-1975 giải phóng miền nam thống nhất đất nước...

Suốt mười năm chiến trận ác liệt từ 1965 đến 1975, như phép màu, ông chỉ một lần bị mảnh đạn pháo sượt qua đầu trong trận Ðắc Tô - Tân Cảnh năm 1972, thương binh loại 3/4.

Ông đùa vui, mình là loại "trời đánh không chết" nên có lẽ bom đạn cũng chừa! Trong cuộc đời binh nghiệp, ông từng giữ nhiều vị trí chỉ huy như Ðại đội trưởng bộ binh rồi Tiểu đoàn phó, Tiểu đoàn trưởng pháo binh, Phó Tham mưu Trung đoàn 675 (Bộ Quốc phòng)... Những tháng năm cầm súng ắp đầy kỷ niệm, ông từng chứng kiến bao hy sinh mất mát của đồng đội. Có những người vừa ngồi chơi với ông, một lúc sau đã hy sinh. Có lần sau một đêm, ông chứng kiến sự ra đi của mười mấy nữ thanh niên xung phong... Ðặc biệt, những trận đói mùa mưa năm 1972 còn in đậm trong trí nhớ. Phải để dành cho thương binh, người ốm nấu cháo nên cả tiểu đoàn hơn 300 người chỉ còn 300 kg gạo, trung bình mỗi người vẻn vẹn một kg trong suốt bốn tháng trời. Vậy là phải ăn củ mì thay cơm, đói quay quắt nhưng vẫn hành quân, tập luyện. Bộ đội xuống sức, sốt rét hoành hành... "Vậy mà rồi đến khi được tiếp tế, sức trai tráng chỉ ăn một tuần lại khỏe re!". Ông cười giòn giã hồn nhiên, nụ cười lính trận hai mươi tuổi...

Viết tiếp khúc tráng ca thời bình

Ðất nước thống nhất, Bùi Ngọc Ðủ lại ở trong đội ngũ những người lính Cụ Hồ tình nguyện về tăng cường cho Gia Lai - Kon Tum, vùng đất Tây Nguyên nhiều gian khó. Sau giải phóng địa bàn này vẫn còn phức tạp, phun-rô hoạt động dữ dội chống phá chính quyền, quấy nhiễu cuộc sống nhân dân.

Trong khoảng mười năm, ông liên tục làm Bí thư bốn xã Yajun, Ka Tang, Kon Tầng, Hải Giang. Lại tiếp tục cuộc chiến mới, phát động đồng bào, tập hợp lực lượng, tổ chức huấn luyện... Ông tham gia 22 trận đánh, bắt sống 40 tên, tiêu diệt hai tên, góp phần lập lại an ninh trật tự địa phương. Ðảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau trong bộ máy chính quyền và công tác đoàn thể, như Trưởng ban Tổ chức UBND huyện, Chủ tịch Công đoàn, Trưởng ban Cải tạo nông nghiệp huyện..., ở cương vị nào ông cũng dồn hết tâm sức đóng góp cho phong trào.

Năm 2008, là Bí thư  chi bộ tổ dân phố 1 thị trấn Mang Yang, ông cùng nhân dân vận động đóng góp xây dựng hội trường thôn khang trang bề thế trị giá 200 triệu đồng; làm Chủ tịch Hội Khuyến học, hằng năm ông tổ chức vận động đóng góp được 100 - 200 triệu đồng cho quỹ hoạt động hiệu quả; là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, ông tổ chức xây dựng được 13 kho thóc, mỗi kho đạt một tấn/năm để giúp đỡ các gia đình cựu chiến binh gặp khó khăn, hộ đói nghèo khi giáp hạt, giúp đỡ bà con mười làng dân tộc thiểu số trên địa bàn; ngoài ra quỹ hội mỗi xã có vài chục triệu đồng/năm để hoạt động...

Với những cống hiến tích cực, hiệu quả ấy, ông từng được nhận nhiều khen thưởng của Trung ương và địa phương như đảng viên tiêu biểu thực hiện Di chúc của Bác Hồ, gương điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh... Ông thường xuyên được mời đi nói chuyện tại các đơn vị bộ đội, trường học về truyền thống đánh giặc, xây dựng phong trào. Bà con làng xóm, địa phương yêu mến đặt cho ông những "danh hiệu" mới: Dũng sĩ diệt giặc đói, Dũng sĩ khuyến học...

Bùi Ngọc Ðủ lập gia đình muộn, vợ ông cũng là một cán bộ tích cực tham gia công tác mặt trận, đoàn thể. Bà sinh cho ông lần lượt bảy người con, tất cả đều học đại học và giờ đây gần hết đã trưởng thành, vững vàng với nghề nghiệp ổn định...

Các con ông luôn học được ở người bố Anh hùng một chân lý giản dị mà cao quý: Sống là phải có lý tưởng; khi đứng trước một công việc, một nhiệm vụ quan trọng nhất định phải nỗ lực hết sức để hoàn thành. Cả gia đình hiện nay có bốn ha trồng cà-phê và hồ tiêu, vợ chồng ông cùng các con luôn tranh thủ thời gian làm những khi vào vụ.

Ở tuổi 72, ông vẫn có thể lao động tám tiếng mỗi ngày trên đồi. Năm 2010, phát hiện bệnh ung thư gan, ông phải lặn lội ra Hà Nội chữa trị. Lên bàn mổ bác sĩ hỏi có sợ không, ông cười hào sảng vô tư: "Tôi đạn bom hoài còn chẳng chết...".

Chia tay ông trong một ngày nắng đẹp Tây Nguyên, không khỏi xúc động đến nao lòng trước hình ảnh người anh hùng từng dọc ngang bom đạn giờ cặm cụi với những luống cà-phê giữa sân phơi ngập nắng, dang rộng vòng tay sắt thép một thời trận mạc nâng niu đứa cháu nội mới sinh, tươi tắn như một nhành non... Thấy cuộc sống thật bình dị, đơn sơ mà ắp đầy thiêng liêng, dịu ngọt. Ở ông, sáng mãi vẻ đẹp phẩm chất, tâm hồn những người lính Cụ Hồ, những người con anh dũng của một dân tộc anh hùng, khi "Súng gươm vứt bỏ, lại hiền như xưa...".

Tin liên quan

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là do bản lĩnh chính trị thiếu kiên định, thiếu vững vàng. Do đó, để cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiệu quả, cần tăng cường giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng chiến tranh nhân dân là một bộ phận trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại.
Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày 15/5/2007, tại Hà Nội, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp Viện Khoa học Xã hội nhân văn Quân sự (Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội thảo khoa học: "Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam", nhân kỷ niệm 50 năm bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lớp chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp, Bộ Quốc phòng về xây dựng Quân đội từng bước tiến lên chính quy và hiện đại (5/1957 - 5/2007) và kỷ niệm 117 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.