Làm việc khoa học là có chương trình, kế hoạch rõ ràng, cụ thể; làm việc chu đáo là phải hết sức cẩn thận, đầy đủ, tỷ mỷ. Hai mặt đó có liên quan chặt chẽ với nhau, làm tiền đề và bổ sung cho nhau để đem lại hiệu quả cao nhất cho công việc. Trong những năm tháng đi tìm đường cứu nước, lao động để kiếm sống và hoạt động cách mạng ở nước ngoài, luôn luôn bị kẻ thù theo dõi, chính nhờ có tác phong làm việc khoa học, chu đáo, Bác Hồ đã vượt qua nhiều cạm bẫy của địch. Trong những năm tháng hoạt động ở Paris, Thủ đô nước Pháp, nhà cầm quyền thực dân đã cử hai mật thám chuyên theo dõi những hoạt động của Người.
Người Pháp đã dự báo người thanh niên mảnh khảnh đó sẽ trồng cây thập tự cho sự cáo chung của chế độ thực dân Pháp ở Ðông Dương. Năm 1923, Bác được mời sang Moskva (Liên Xô), dự Ðại hội V và công tác tại Quốc tế Cộng sản. Ðể bảo đảm an toàn cho chuyến đi, Người đã xây dựng một chương trình làm việc theo một lịch trình cố định: sáng đến làm việc tại hiệu phóng đại ảnh để lấy tiền ăn, chiều đến thư viện đọc sách, tối đi dự các cuộc mít-tinh của thợ thuyền, đêm về nhà ngủ. Ðến khi mật thám phát hiện ra sự "biến mất" của Bác thì Người đã đang trên tàu bí mật đến nước Nga Xô viết. Mọi công việc đã được Bác và những đồng chí của mình xếp đặt một cách khoa học và chu đáo.
Giữa những năm 20 của thế kỷ XX, Bác Hồ đến Quảng Châu (Trung Quốc). Lấy bí danh là Vương, Người mở những lớp huấn luyện cán bộ chính trị để đào tạo cán bộ chuẩn bị cho việc thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam. Chương trình huấn luyện do Bác biên soạn rất ngắn gọn và dễ hiểu. Các bài giảng cũng được thực hiện rất khoa học và chu đáo. Thời gian các lớp huấn luyện không thể kéo dài, Người tranh thủ mọi điều kiện để giúp học viên bồi bổ thêm kiến thức về văn hóa, kinh nghiệm hoạt động bí mật.
Những năm 1928-1929, với bí danh Thầu Chín, Bác Hồ hoạt động ở Thái Lan, nơi có đông đồng bào Việt kiều sinh sống. Ðồng chí Lê Mạnh Trinh kể lại những ngày đầu gặp Bác tại Thái Lan: Việc đầu tiên là Thầu Chín đặt chương trình hằng ngày của mình: buổi sáng lao động mấy giờ, học tiếng Xiêm mấy chục chữ, dịch mấy trang sách; buổi tối huấn luyện chính trị hoặc nói chuyện với mọi người... Thầu Chín đã làm đúng chương trình ấy. Trên đường đi công tác, Bác giảng giải cho mọi người nghe Truyện Kiều và Chinh phụ ngâm. Người không bỏ phí một chút thời gian nào. Nhờ cách làm việc khoa học và chu đáo như vậy, trong thời gian ngắn Bác đã xây dựng được cơ sở cách mạng vững chắc trong bà con Việt kiều ở Thái Lan.
Ðầu năm 1941, Bác Hồ về căn cứ địa Cao Bằng để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Nhiệm vụ giải phóng dân tộc được đặt lên hàng đầu. Công tác huấn luyện cán bộ càng trở nên cấp bách. Nhiều học trò của Bác đã trưởng thành và được Người giao mở các lớp huấn luyện cán bộ cho phong trào. Chương trình và kế hoạch các lớp huấn luyện được Người chỉ ra thật ngắn gọn nhưng rất khoa học và chu đáo: Một là, huấn luyện cho ai? Hai là, huấn luyện những gì? Ba là, huấn luyện bao lâu? Bốn là, huấn luyện ở đâu? Năm là, lấy gì ăn mà huấn luyện?
Người luôn căn dặn cán bộ khi đã xây dựng chương trình, kế hoạch cho công việc rồi thì phải quyết tâm thực hiện, kể cả những công việc cá nhân. Ðồng chí Cao Hồng Lãnh, người đã có nhiều thời gian được sống gần Bác kể lại những ngày Người còn ở Pác Bó (Cao Bằng): Suốt thời gian ở gần Bác, sáng nào tôi cũng thấy Bác tập thể dục. Ngày ngày, tôi thấy Bác năng tập cổ tay, hai tay cầm hai hòn đá lấy ở dưới suối, cứ ngồi bóp mãi. Hai mắt Bác vẫn đọc sách. Ngày mới ở Tĩnh Tây về, vào đến Khuổi Nậm thấy thế, tôi nghĩ: Trong lúc đọc sách Bác vẫn sợ hai tay bỏ không!
Qua những ngày ở bên Bác, tôi đã hiểu rõ Bác làm gì cũng rất quyết tâm. Cho nên có lần Bác nói: Các chú đã biểu quyết là phải thực hiện. Không nên "biểu" rồi lại bỏ đấy. Bác cũng luôn luôn là một tấm gương sáng về quyết tâm thực hiện kế hoạch công việc. Sau ngày cách mạng thành công, toàn dân bị nạn đói đe dọa. Người kêu gọi tăng gia sản xuất để cứu đói và mỗi người cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi bữa một bơ để dành gạo giúp đồng bào bị đói. Ðến bữa cơ quan nhịn ăn để góp gạo cứu đói thì Bác được mời đi ăn cơm khách. Hôm sau Người đã kiên quyết nhịn bù.
Thời kỳ hoạt động bí mật tại căn cứ địa Việt Bắc, Bác đặc biệt chú trọng công tác giữ bí mật. Trong cơ quan, Bác giao việc cho từng người, ai biết việc người ấy. Các bộ phận công tác cũng rất gọn nhẹ, cơ động. Bác yêu cầu mỗi người có một túi đựng đồ dùng cá nhân và tài liệu lúc nào cũng mang bên người, khi cần thiết có thể nhanh chóng di chuyển địa điểm mà không để lại dấu vết.
Trong những ngày chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, Bác ở trong lán nhỏ Nà Lừa ở Tân Trào (Tuyên Quang). Mặc dù đang yếu nhưng Người vẫn duy trì tác phong làm việc hết sức khẩn trương, khoa học và chu đáo. Ðại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại những ngày được làm việc với Bác ở Tân Trào: Bác làm việc không mấy lúc nghỉ ngơi. Lần nào tôi lên cũng thấy Bác đang cặm cụi với công việc. Mọi giấy tờ, chỉ thị, Bác đều tự tay đánh máy và đánh số cẩn thận, rõ ràng.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác Hồ về Thủ đô Hà Nội làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ðó là những năm tháng đất nước trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc". Ðồng bào vừa trải qua nạn đói chết hơn hai triệu người; chính quyền cách mạng non trẻ chưa có kinh nghiệm điều hành công việc; giặc ngoài, thù trong tập trung đánh phá... Người vẫn giữ tác phong làm việc khoa học, chu đáo, cả trong những công việc đại sự của quốc gia, cả trong cuộc sống đời thường. Giờ làm việc của Bác bắt đầu từ cuộc hội ý của Thường vụ. Bác rất coi trọng nếp làm việc tập thể. Bác nói với các đồng chí Thường vụ hằng ngày sáu giờ tới chỗ Bác, có gì trao đổi rồi đi đâu hãy đi. Hai buổi làm việc của Bác thường là rất khẩn trương. Việc Ðảng, việc nước bề bộn. Lo giải quyết giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Lo đối phó ở miền Bắc, lo kháng chiến ở miền Nam. Lo việc nội trị, ngoại giao.
Ngày 3/9/1945, Người chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời. Phá bỏ những nghi thức thông thường, Người đi ngay vào nội dung cuộc họp, nêu rõ sáu công việc cấp bách phải làm. Tất cả mọi vấn đề được Bác nêu ra chỉ trong 30 phút. Những khó khăn chồng chất, phức tạp của chế độ thực dân phong kiến để lại suốt tám mươi năm, những vấn đề sinh tử, cấp bách của dân tộc đã được Bác nêu ra một cách ngắn gọn, rõ ràng cùng với những phương hướng, đôi lúc cả những biện pháp để giải quyết.
Ðể có được một tác phong làm việc khoa học, chu đáo như vậy, Người đã trải qua những năm tháng gian khổ rèn luyện, học tập và đấu tranh. Những điều Bác nêu ra trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời năm đó, ngắn gọn, cụ thể nhưng đó là tầm cao trí tuệ, dự báo cả tương lai. Bác nói: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Ðiều Người cảnh báo cho đến nay vẫn là điều trăn trở của toàn Ðảng, toàn dân ta về trình độ dân trí và nền giáo dục nước nhà trong thế kỷ XXI.
Ðối với Bác, mọi việc hằng ngày, bao giờ cũng được lựa chọn, sắp đặt có mục đích rõ ràng. Làm việc khoa học và chu đáo nên cùng với những công việc của đất nước, Người vẫn dành được thời gian đi thăm đồng bào, chiến sĩ, anh chị em công nhân, các cháu nhi đồng; chăm sóc vườn cây, ao cá; chơi bóng chuyền hay tập thái cực quyền; nghe một làn điệu dân ca, một câu hò xứ sở... Do làm chủ được thời gian, chủ động trong công việc, cho nên Bác luôn biểu hiện một phong cách ung dung, tự tại, lạc quan, bình tĩnh, tự tin, sáng suốt ngay cả trong những tình huống phức tạp, nguy hiểm của bản thân mình hay cùng Trung ương, Chính phủ chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những thác ghềnh, lãnh đạo toàn dân tiến hành hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, xây dựng miền bắc xã hội chủ nghĩa.
Tác phong làm việc khoa học, chu đáo của Bác còn là một nghệ thuật mà Người đã đạt đến đỉnh cao, biểu hiện của nhiệt tình cách mạng luôn cháy bỏng, một quyết tâm sắt đá, một nghị lực phi thường qua một quá trình phấn đấu, rèn luyện bền bỉ, dẻo dai, luôn luôn vì lợi ích của quốc gia, dân tộc; vì hòa bình và tiến bộ trên toàn thế giới.