Tấm lòng người dân Bạc Liêu với Bác Hồ kính yêu

TRỌNG DUY

Thứ Năm, 10/09/2009 03:57

Tại vùng đất Bạc Liêu xa xôi gần cuối trời Tổ quốc, tuy rất ít người có điều kiện được ra Hà Nội vào Lăng viếng Bác Hồ, song, mỗi người dân nơi đây luôn kính yêu Bác bằng những nghĩa cử rất cảm động, bày tỏ tấm lòng thành luôn biết ơn Người vô hạn...

Ở ấp Bàu Sen, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu), một vùng căn cứ cách mạng giàu truyền thống anh hùng, có một gia đình từ rất lâu làm giỗ Bác mỗi năm. Bà Lê Thị Ðầm không thể nhớ đã thay mẹ chồng làm giỗ Bác từ khi nào, nhưng những ký ức về sự gan dạ anh hùng của nhân dân trong vùng để giữ tròn nghĩa tình của đồng bào miền nam với Bác thì luôn không phai. Ðó là những năm tháng chiến tranh ác liệt, gia đình dòng họ của bà có đến mười mấy người hy sinh. Nhưng nghe lời Bác dạy, lòng tin tuyệt đối vào Bác đã giúp cho người dân ấp Bàu Sen hun đúc chí khí đánh giặc, "giặc đến nhà, đàn ông, đàn bà phải đánh".

Từ ngày Bác mất, trong nỗi đau thương vô hạn của tất cả đồng bào miền nam, nhà bà Phấn lập bàn thờ để thờ Bác, dù nhiều khi phải thật bí mật bởi bọn Mỹ - ngụy điên cuồng lùng sục, chỉ cần nghi ngờ người dân nào lưu giữ kỷ vật về Bác Hồ là chúng bắt bớ, đánh đập dã man. Vậy nên khi miền nam được giải phóng, nước nhà thống nhất, ở ấp Bàu Sen hầu như nhà nào cũng lưu giữ được ảnh Bác. Còn giỗ Bác thì năm làm được, năm không thể vì tránh tai mắt của bọn Mỹ-ngụy, mãi đến khi hòa bình lập lại mới được tổ chức một cách đàng hoàng.

"Cả đời Bác sống giản dị, Bác dạy mình phải biết tiết kiệm, sử dụng những thứ sẵn có trong nhà đừng để lãng phí", nhớ lời dạy đó, mâm cơm cúng ngày giỗ Bác trong gia đình bà Lê Thị Ðầm là những thứ luôn sẵn có trong gia đình: con gà, tô canh chua, cá, mắm, những sản vật đơn sơ mà đậm đà tình nghĩa của người dân miền nam. Những lần giỗ Bác luôn có mặt đầy đủ con cháu trong nhà để nghe mẹ, nghe bà kể chuyện về Bác Hồ, để được dặn dò sống cho xứng đáng là con cháu Bác Hồ.

Còn trong câu chuyện mà bà Lê Thị Ðầm kể cho chúng tôi nghe luôn kèm theo những lời dạy của Bác. Những lời dạy mà một chiến sĩ cách mạng như bà đã xem như kim chỉ nam sống và chiến đấu. Bà nói như một lời dặn: "Ðất nước được như ngày hôm nay, cha ông ta đã hy sinh xương máu nhiều lắm. Phải cố gắng mà giữ gìn, đừng làm gì xấu ảnh hưởng truyền thống quê hương, gia đình, đặc biệt là hổ thẹn với anh linh của Bác Hồ..."

Ở ấp Huê 1, xã Vĩnh Phú Tây (huyện Phước Long), ông Mười Trị (tên thường gọi là ông Lê Minh Trị) cũng hằng năm làm giỗ Bác để bày tỏ tấm lòng người dân vùng căn cứ cách mạng này với vị cha già kính yêu của dân tộc. Cả đời theo cách mạng, nuôi giấu cán bộ, hòa bình về thì gắn bó với đồng đất nên ông Mười cũng như người dân nơi đây đâu có nhiều dịp để ra Hà Nội vào Lăng viếng Bác Hồ.

Nguyện vọng của bà con trong vùng muốn xây dựng một Ðền thờ Bác ngay tại quê hương chưa thể thành hiện thực, ông Mười Trị lập một bàn thờ Bác tại nhà, hằng ngày hương khói, hằng năm tới ngày Bác mất lại làm mâm cơm cúng tại nhà như giỗ ông bà tổ tiên. Ngày giỗ Bác ở nhà ông Mười Trị đã trở thành một điểm hẹn, bao giờ cũng có đông đảo nhân dân trong ấp, trong xã và các xã lân cận đến dự.

Một tấm lòng son sắt với Bác Hồ, theo ông Minh Trị, đã là một truyền thống vẻ vang của gia đình: "Ngày xưa cha của tôi sống giữa vùng giặc Pháp, không hề được gặp Bác mà chỉ nghe lời kêu gọi kháng chiến chống thực dân Pháp của ông Cụ, ông đã bỏ hết tài sản, nhà cửa để đi theo cách mạng, nuôi cán bộ. Ngày nay nhiệm vụ của tôi là phải giáo dục con cháu hiểu hết tấm lòng son sắt của ông cha đối với Bác Hồ".

Nói về Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", ông tâm đắc: "Cuộc vận động này hay lắm, đúng lắm chớ. Học tập và làm theo Bác không chỉ hôm nay, ngày mai, mà phải là mãi mãi...".

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.