Y tá Hồ Thị Hiếu khám bệnh cho người dân xã Trà Cang, huyện Nam Trà My (Quảng Nam). |
Đối đầu để xóa bỏ hủ tục
Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em, quanh năm làm nương, bám rẫy, nhưng Hồ Thị Hiếu đã nỗ lực học tập, vươn lên. Năm 2009, sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Y tế Quảng Nam, nữ y tá 22 tuổi Hồ Thị Hiếu trở về quê, được thử việc không lương tại Trạm y tế xã Trà Cang, rồi được ký hợp đồng với mức lương gần một triệu đồng/tháng.
Xã Trà Cang nằm trên sườn dãy núi Ngọc Linh, có địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi núi cao hiểm trở. Xã có bảy thôn với gần 890 hộ dân, hầu hết là đồng bào dân tộc Xơ Đăng, sống rải rác trên núi cao, hơn 70% là hộ nghèo, cho nên rất khó triển khai các chương trình y tế quốc gia cũng như giám sát dịch bệnh. Không nề hà ngại khó, bằng sự nhiệt tình của tuổi trẻ và tinh thần trách nhiệm trong công việc, Hồ Thị Hiếu đã tích cực làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Năm 2012, chị được kết nạp vào Đảng, sau đó được giao làm Trưởng trạm Trạm y tế xã Trà Cang.
Nhận thức của đồng bào Xơ Đăng ở Trà Cang về chăm sóc y tế còn rất hạn chế, lại tồn tại nhiều hủ tục. Hồ Thị Hiếu thường phải tranh thủ thời gian cùng cán bộ Trạm y tế và trưởng thôn đến từng gia đình để tuyên truyền, vận động, giúp bà con hiểu ra những lợi ích của dịch vụ y tế; người mang thai, ốm đau phải xuống Trạm y tế để khám, chữa bệnh; thực hiện ăn chín, uống sôi, vệ sinh phòng trừ bệnh tật, xóa bỏ các hủ tục.
Bằng sự chân thành, gần gũi, trách nhiệm, Hồ Thị Hiếu đã góp phần thay đổi nhận thức, tạo niềm tin cho đồng bào dân tộc Xơ Đăng đối với y tế tuyến xã. Chị Hồ Thị Huệ, ở thôn 4, xã Trà Cang, bộc bạch: Thời gian đầu, nhiều người chưa tin lời y tá Hiếu, nhưng dần dần, sự tận tình, kiên trì của chị cùng các cán bộ đã làm chúng tôi nhận thức ra. Khi ốm đau, chúng tôi biết phải xuống Trạm y tế để được khám và điều trị, chứ không cúng bái, không tin có “ma rừng” nữa; biết vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, giữ nhà sạch, vườn đẹp.
Bí thư Đảng ủy xã Trà Cang Huỳnh Hồ Tanh cho biết: Trạm y tế xã hiện vẫn chưa có bác sĩ. Nhờ thường xuyên gần gũi nhân dân, nắm vững địa bàn, y tá Hiếu và các cán bộ của Trạm đã tham mưu, đề xuất nhiều ý kiến, giải pháp phù hợp để xã kiện toàn, củng cố y tế thôn bản; đa dạng hóa cách thức tuyên truyền, vận động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tổ chức khám, chữa bệnh cho người dân, nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Người dân Trà Cang còn nhớ như in việc y tá Hồ Thị Hiếu dám vượt qua hủ tục, đối mặt với điều cấm kỵ và những lời "buộc tội" của dân làng để cứu sống một cháu bé vừa lọt lòng, hồi đầu tháng 9/2011. Sau khi sinh tại nhà một bé trai nặng 2,5 kg, do bị băng huyết, sản phụ Hồ Thị Yên ở làng Tắc Giang đã chết. Theo tập tục, gia đình và dân làng quyết định chôn sống đứa bé theo mẹ. Nghe tin, y tá Hồ Thị Hiếu đang làm việc ở huyện đã quyết định băng rừng về làng cứu đứa bé.
Vừa băng rừng, chị vừa gọi điện giục em gái mình là Hồ Thị Hoàng đang ở làng chạy đến can ngăn, nhưng bố đứa bé không đồng ý. Theo hướng dẫn của Hiếu, trong lúc dân làng đang chuẩn bị chôn cất hai mẹ con, Hoàng bất ngờ bế cháu bé bỏ chạy. Sau gần hai giờ băng rừng, hai chị em gặp nhau, đưa đứa bé về Trung tâm y tế huyện nhờ cứu giúp. Lúc ấy, cơ thể bé tím tái, rốn vẫn chưa được cắt… Sau khi được chăm sóc y tế đầy đủ, bé dần hồng hào, tươi tỉnh lại. Vượt lên sự cấm kỵ của tục lệ người Xơ Đăng (chưa có chồng mà nhận con nuôi), Hồ Thị Hiếu đã nhận bé làm con nuôi và đặt tên là Hồ Quốc Khánh... Sau một thời gian, chị đưa Quốc Khánh trở về gặp già làng, giải thích với bà con rằng không có “con ma” nào cả. Cùng với sự tuyên truyền của chính quyền địa phương, mọi người không những bỏ qua việc Hiếu làm, mà còn đồng lòng xóa bỏ hủ tục này.
“Thương người như thể thương thân”
Gần một năm sau ngày cứu bé Quốc Khánh, y tá Hiếu lại cứu người trong một hoàn cảnh khác. Khuya 14/7/2012, trong căn nhà nhỏ bên dòng sông Tranh, sau lúc chuyển dạ, sinh một bé trai, do căm hận người chồng đã “cao chạy xa bay”, khiến bản thân mang tội chửa hoang, sản phụ Hồ Thị Diêm khăng khăng đòi tự kết liễu cả hai mẹ con. Được báo tin, y tá Hồ Thị Hiếu tức tốc đón xe ôm tìm đến. Thấy hai mẹ con nằm bất động dưới nền đất, đứa bé còn nguyên dây rốn, chị bình tĩnh cắt rốn cho đứa trẻ, đưa hai mẹ con lên giường, sơ cứu, ủ ấm để hai mẹ con dần tỉnh lại.
Sau khi ra trung tâm huyện mua sữa, thuốc, tã lót, thức ăn… cho mẹ con sản phụ, chị lại kiên trì khuyên nhủ, sản phụ Diêm mới không đòi chết, không đòi bỏ con nữa. Đêm đó, vẫn không yên lòng, y tá Hiếu gọi điện thoại cho chị gái mình cùng vào để canh chừng bất trắc... Chị Hồ Thị Diêm nhớ lại: “Những ngày sau đó, chị Hiếu thường tới thăm hỏi động viên, cho thuốc men, mua quà để em bồi bổ sức khỏe. Nếu không có chị Hiếu, mẹ con em đã không còn trên cõi đời này”.
Cảm động trước những việc làm của y tá Hiếu, chàng thanh niên Zơ Râm Phương, người Cơ Tu ở huyện Nam Giang đã nhiều lần sang thăm. Hai người nảy sinh tình cảm, sau đó đã nên nghĩa vợ chồng.
Dân cư ở Trà Cang sinh sống rải rác trên núi cao, nhiều thôn cách trung tâm xã từ 10 đến hơn 20 km, phải đi bộ mất vài giờ mới tới. Không ít lần, lúc nửa đêm, nhận được điện báo của người dân, y tá Hồ Thị Hiếu lại tay xách, nách mang vội chạy băng rừng, chốc chốc lại nghe điện hỏi: “Đến đâu rồi?”. Chị cho biết, những lúc như thế, vừa chạy, vừa lo, nhưng thâm tâm rất sợ ai có cuộc điện thoại nói: “Thôi, không phải lên nữa…”!
Y tá Hồ Thị Hiếu và các đồng nghiệp ở Trà Cang động viên nhau phải luôn xứng đáng với những điều tốt đẹp của người thầy thuốc. Họ tâm niệm “thương người như thể thương thân” để sống và làm việc vì hạnh phúc của người dân. Trò chuyện với chúng tôi, y tá Hồ Thị Hiếu rất vui khi nhắc lại những lời thăm hỏi động viên và món quà là chiếc ti-vi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (khi ấy là Phó Thủ tướng Chính phủ) tặng chị trong dịp tiếp xúc cử tri tại huyện Nam Trà My, ngày 7/3/2016. Với chị, đó là một sự khích lệ rất lớn, thôi thúc chị sống và làm việc tốt hơn nữa.