Tận tụy, yêu nghề, không sợ hiểm nguy

Bài và ảnh: VIỆT TIẾN

Thứ Hai, 10/04/2017 20:23
Ðã quá trưa, Thượng tá Nguyễn Văn Ðủ vẫn ở phòng làm việc đợi tôi, vì đây là lần hẹn thứ ba. Anh có thân hình chắc khỏe, nước da ngăm đen, gương mặt vuông chữ điền. Hơn 20 năm trong ngành Công an, anh được đào tạo nhiều trường, lớp, trải qua nhiều công việc và hiện là điều tra viên, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Kiên Giang. Anh là điều tra viên giỏi, là đảng viên gương mẫu, tận tụy công việc.
Thượng tá Nguyễn Văn Ðủ.
Thượng tá Nguyễn Văn Ðủ.

Thiếu tướng Bùi Tuyết Minh, Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang chia sẻ: "Ðồng chí Ðủ là một điều tra viên giỏi, góp công lớn cùng đơn vị phá nhiều vụ trọng án xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Các vụ án mà anh tham gia phần lớn là những vụ án hình sự phức tạp, được dư luận đặc biệt quan tâm, như vụ Tuấn Em bắn chết hai người ở Phú Quốc; vụ Nguyễn Trung Cần giết cháu bé bốn tuổi ở xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành; vụ hai anh em Trần Minh Hiếu, Trần Chí Hiếu giết người trên đường Tôn Ðức Thắng, TP Rạch Giá; gần đây nhất là vụ Lê Hoàng Ngởi giết một phụ nữ 60 tuổi ở xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, cướp tám chỉ vàng 18K, cuối năm 2016. Hung thủ Lê Hoàng Ngởi có hai anh là cán bộ xã và nhiều người thân khác đang công tác tại xã Vĩnh Phong. Khi anh cùng lực lượng xuống hiện trường điều tra vụ án, Ngởi là người chống xuồng đưa các anh sang sông. Làm việc với một số người dân địa phương, không ai nghi ngờ gì đối với Ngởi. Nhưng qua xem xét hiện trường, khám nghiệm tử thi, nhất là qua trò chuyện với Ngởi, các anh xác định chính Ngởi là hung thủ của vụ án".

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Ðủ, khi đấu tranh với những đối tượng giết người, phải cương quyết, khôn khéo trong từng câu hỏi, từng cử chỉ, làm cho đối tượng thấy cán bộ điều tra đã biết rõ những tội ác mà hắn gây ra, đồng thời thể hiện sự chân thành để đối tượng tin tưởng. Anh kể: "Khi đấu tranh với Ngởi là năm giờ chiều. Lúc hắn ngồi im lặng, khi thì chối quanh với nhiều lý do vắng mặt tại hiện trường. Ðến nửa đêm, khi chỉ mình tôi ngồi lại với đối tượng. Ðêm xuống, trời lạnh, tôi và đối tượng đều đói. Một cán bộ công an đưa cháo nóng đến, hắn từ chối, tôi cũng không ăn. Tôi múc ca nước đưa hắn uống, hắn uống ừng ực, rồi bật khóc, nhìn tôi với ánh mắt rất lạ và hỏi: "Nếu em mắc tội giết người, thì các anh, em của em có bị gì không?". Khi được tôi khuyên, hắn bắt đầu khai nhận và chỉ nơi đã giấu sợi dây chuyền tang vật của vụ án; lúc này là năm giờ sáng".

Thượng tá Nguyễn Văn Ðủ cho rằng, để trở thành điều tra viên giỏi, trước hết phải yêu nghề, tận tụy với nghề. Vì vậy, ngoài công việc quản lý đơn vị, tham gia một số vụ án, thời gian rỗi anh Ðủ phải đọc, tham khảo, học tập những kinh nghiệm, kiến thức thực tế từ các vụ án đã xảy ra khắp các địa phương trong nước, các vụ án nổi tiếng trên thế giới. Ngoài những kiến thức học tập tại trường, những kinh nghiệm thực tế tích cóp được qua công tác, còn có những vấn đề thuộc về bản năng vốn có trong con người anh, từ đó giúp phá được nhiều trọng án trong thời gian qua.

Theo hồ sơ công an, vào khoảng 10 giờ ngày 22/5/2014, sau khi thua bạc tại miếu bà Trà Men, ấp Thạnh Hưng, xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành (Kiên Giang), Nguyễn Trung Cần, sinh năm 1983, ngụ xã Vĩnh Thạnh, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, thấy một cháu bé bốn tuổi đeo đôi bông tai bằng vàng 18k, Cần rủ cháu ra khu vực phía sau miếu để cướp. Khi ra tay, do cháu khóc lớn, Cần bóp cổ rồi dìm đầu cháu bé xuống mương nước cho đến chết. Theo thượng tá Ðủ, khi điều tra vụ án này các chứng cứ rất mơ hồ, gây nhiều khó khăn cho cán bộ thực hiện. Tuy nhiên, qua công tác sàng lọc đối tượng, bằng sự nhạy cảm nghiệp vụ cho nên anh và đồng đội phá thành công vụ án này.

Nhắc đến Thượng tá Nguyễn Văn Ðủ, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị không chỉ nhắc về những chiến công trong phá án mà còn cảm phục một đảng viên có lối sống hòa đồng, giản dị, sinh hoạt nền nếp, luôn gương mẫu trong mọi công tác. Anh đã đưa nhiều kẻ phạm tội vào tù. Nhưng không ít đối tượng thụ án xong, khi về quê đã tìm đến thăm, coi anh như một ân nhân, giúp họ không lấn sâu vào con đường tội ác, mà trở về với cuộc sống lương thiện.

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.