Thái Nguyên làm theo lời Bác

Bài, ảnh: VĂN TOÁN, PHƯƠNG CƯỜNG

Thứ Hai, 10/02/2014 20:21
Việc đưa nội dung thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị vào sinh hoạt định kỳ tại các chi bộ đã tạo bước chuyển mới trong việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương, điển hình tiên tiến, với những cách làm sáng tạo, góp phần thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Cô giáo Nông Thị Trang, Trường tiểu học Minh Lập 1 (huyện Ðồng Hỷ, Thái Nguyên), một điển hình tiên tiến trong việc khắc phục khó khăn, đưa tin học đến với trẻ em vùng cao.
Cô giáo Nông Thị Trang, Trường tiểu học Minh Lập 1 (huyện Ðồng Hỷ, Thái Nguyên), một điển hình tiên tiến trong việc khắc phục khó khăn, đưa tin học đến với trẻ em vùng cao.

Ðường về xã miền núi Minh Lập (Ðồng Hỷ) gập ghềnh trước kia, nay đã được trải nhựa phẳng phiu. Càng vào gần các thôn, xóm, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn mùi thơm chát đậm của giống chè đặc sản. Ðồng chí Nguyễn Quốc Lập, Bí thư Ðảng ủy xã thông báo, xã vừa được tỉnh Thái Nguyên công nhận danh hiệu làng nghề trồng và chế biến chè. Năm 2013, nhờ nguồn thu chủ lực từ chè đã nâng thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt 22 triệu đồng/năm.

Ðể trở thành làng nghề, với Minh Lập là việc không dễ. Dẫn chúng tôi thăm tuyến đường liên thôn mới được mở rộng, đồng chí Bí thư Ðảng ủy xã tâm sự, cách đây vài năm, con đường này hẹp, khó đi, có chỗ chỉ rộng hai mét. Xác định thế mạnh là trồng và chế biến chè, muốn hội nhập, phát triển thì phải mở đường giao thông. Nhưng hễ nói đến mở đường là người dân chối đây đẩy, đụng đến vài ba mét là đòi bồi thường. Nay thì cả trục đường dài hơn chục km rộng thênh thang được giải tỏa và thực hiện trong ba năm.

Chuyển biến tích cực này có được từ khi các chi bộ thôn, xóm gắn thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị với việc xây dựng nông thôn mới. Các đồng chí lãnh đạo xã, nhớ lại vào dịp tháng 2-2012, chi bộ thôn Gốc Ða họp bàn vấn đề mở đường. Trước khó khăn về giải phóng mặt bằng, chi bộ thống nhất chọn việc đảng viên xung phong hiến đất để đăng ký việc làm theo Bác. Người đầu tiên hiến đất cũng là người đứng đầu cấp ủy, đồng chí Bí thư chi bộ thôn Hoàng Tiến Vinh với 12.000 m2, tiếp đến các đảng viên, cán bộ trong thôn hiến hơn 2.000 m2. Việc làm của đảng viên chi bộ Gốc Ða được cán bộ, đảng viên, nhân dân trong xã hưởng ứng làm theo.

Chi bộ xóm Na Ri có diện tích đất eo hẹp nhưng đồng chí Lý Văn Tự, trưởng thôn cũng xung phong hiến 1.000 m2. Xóm Cà Phê 3, bác Nguyễn Ngọc Thiện vui vẻ đập tường nhà, hiến 300 m2 đất cho thôn làm đường. Không chỉ đi đầu trong hiến đất làm đường, cán bộ, đảng viên xã Minh Lập còn gắn việc làm theo Bác với nhiều nhiệm vụ cụ thể khác như tìm hướng phát triển làm giàu, xây dựng nếp sống văn hóa hay giữ gìn an ninh trật tự.

Trao đổi ý kiến về kết quả sau hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị, đồng chí Lê Quang Dực, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết, việc đưa nội dung thực hiện Chỉ thị vào sinh hoạt chi bộ định kỳ ở Thái Nguyên được thực hiện nghiêm túc. Những việc làm theo đã tập trung vào nhiệm vụ chính trị và tu dưỡng rèn luyện phẩm chất, đạo đức. Nổi bật như Ðảng bộ TP Thái Nguyên, các đồng chí đứng đầu cấp ủy, đơn vị đã đăng ký việc làm là sẽ tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc tại địa phương, đơn vị mình phụ trách. Từ đó, số vụ việc bức xúc tồn đọng đã được giải quyết nhiều, tạo niềm tin trong nhân dân.

Là một điển hình trong triển khai Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị, Ðảng bộ Công an tỉnh lại hướng dẫn các chi bộ sinh hoạt lồng ghép nội dung thực hiện Chỉ thị 03 với thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy lực lượng CAND và 11 điều cán bộ, chiến sĩ công an không được làm. Sau một thời gian triển khai, đơn vị đã xuất hiện hàng chục tập thể, cá nhân điển hình, tiên tiến.

Chính những việc làm gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên trong việc học tập và làm theo Bác ở tỉnh Thái Nguyên đã củng cố niềm tin của nhân dân với Ðảng và tạo sức lan tỏa rộng rãi. Mới đây, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã tuyên dương 200 tấm gương tập thể, cá nhân điển hình, trong đó rất nhiều tấm gương đời thường, bình dị.

Bác Ðoàn Khắc Thơ, phường Tân Thịnh, TP Thái Nguyên có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bản thân là nạn nhân chất độc da cam, nuôi hai con tàn tật, nhưng khi Nhà nước đền bù thu hồi đất được hơn 100 triệu đồng, đã quyết định trích ủng hộ cho Quỹ hỗ trợ nông dân nghèo của tỉnh 60 triệu đồng. Và còn rất nhiều những tấm gương, việc làm xúc động, đáng khâm phục đã xuất hiện trên mọi mặt đời sống của đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Những việc làm đó đã và đang góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thái Nguyên.

Tin liên quan

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Sinh thời, Bác Hồ đã sớm nhận thấy vị thế của ngành than là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, tạo bước đà cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước vững mạnh, giàu đẹp. Chính vì thế, Người đã luôn chú ý và dành nhiều sự quan tâm cho vùng mỏ nói chung, ngành than nói riêng.
Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.