Thắm đượm nghĩa tình quân dân

PHẠM THỊ TOÁN

Thứ Sáu, 13/03/2015 19:35
Theo đoàn nhạc sĩ tỉnh Ðồng Tháp đi thực tế sáng tác tại các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, chúng tôi đến thăm Ðồn Biên phòng Trường Long Hòa, mảnh đất đầy nắng và gió ở một vùng ven biển thuộc ấp Nhà Mát, xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, cách TP Trà Vinh hơn 60 km.
Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Trường Long Hòa đóng góp vào "hũ gạo tình thương".
Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Trường Long Hòa đóng góp vào "hũ gạo tình thương".

Ðồn Biên phòng Trường Long Hòa quản lý địa bàn ba xã Trường Long Hòa, Dân Thành và Hiệp Thạnh. Cuộc sống của người dân nơi đây thường bị ảnh hưởng bởi thiên tai, triều cường dâng cao, nguồn thu nhập chủ yếu chỉ dựa vào nông nghiệp và ngư nghiệp.

Do vậy, mỗi khi xuống địa bàn với dân, điều mà cán bộ, chiến sĩ biên phòng trăn trở nhất là nhiều hộ dân còn khó khăn; làm cách nào để giúp bà con vơi bớt nỗi vất vả trong cuộc sống. Chính từ tình thương dân, suy nghĩ sự gắn kết quân và dân như cá với nước theo lời Bác Hồ dạy, mô hình thiết thực của các cán bộ chiến sĩ Ðồn Biên phòng đã ra đời, đó là "hũ gạo tình thương" và "quỹ ủng hộ học sinh nghèo hiếu học", giúp đồng bào nghèo ven biển và chắp cánh cho học sinh đến trường.

Trung tá Nguyễn Văn Tý, Chính trị viên Ðồn Biên phòng Trường Long Hòa chia sẻ: Khi đơn vị triển khai mô hình này được anh em cán bộ, chiến sĩ tham gia rất nhiệt tình. Ðơn vị đang nhận đỡ đầu ba em học sinh tiểu học có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên đạt thành tích cao trong học tập. Sắp tới, đơn vị sẽ kêu gọi thêm các nhà hảo tâm cùng chung tay giúp đỡ những gia đình khó khăn để họ vơi bớt gánh nặng cuộc sống.

Gần 4 năm nay, cứ mỗi ngày, như một thói quen, mỗi chiến sĩ Ðồn Biên phòng Trường Long Hòa lại bớt một nắm gạo trong khẩu phần ăn, cả đơn vị mỗi ngày cũng được khoảng 1 kg gạo bỏ vào "Hũ gạo tình thương". Tích tiểu thành đại, một tháng đơn vị quyên góp được 30 kg gạo. Vào ngày cuối tháng, đơn vị mở hũ gạo tình thương giúp các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn của ba xã.

Hoàn cảnh gia đình anh chị Nguyễn Văn Phương, ngụ ấp Cồn Ông, xã Dân Thành thật đáng thương, chồng bị bệnh nặng, chị tần tảo làm thuê bất cứ việc gì, có những ngày không có việc làm lại chạy ngược xuôi vay mượn, không đủ tiền thuốc cho chồng và hai con ăn học. Do đó, hằng tháng, đơn vị cử một đồng chí phụ trách chở gạo đến tận nhà giúp gia đình anh chị. Từ tháng 5/2011 đến tháng 7/2013, đơn vị đã giúp gia đình anh Phương 780 kg gạo. Tuy còn khó khăn, nhưng gia đình anh đã động viên các con học hành đến nơi đến chốn. Cháu lớn học lớp 12, năm qua thật vui mừng đã thi đậu vào Trường đại học Trà Vinh.

Còn gia đình chị Phạm Thị Thúy, ấp Cồn Trứng, xã Trường Long Hòa cũng thuộc diện đặc biệt khó khăn. Ngôi nhà của gia đình chỉ vỏn vẹn 10 m2, vách lá đơn sơ. Hai vợ chồng chị đều mắc bệnh hiểm nghèo. Sau khi người chồng qua đời, chị dù mang trọng bệnh vẫn gắng gượng đi làm thuê, làm mướn từng ngày để trả nợ tiền thuốc men trị bệnh khi anh còn sống và tiền thuốc của chị, và để nuôi hai đứa con nhỏ. Ðến khi bệnh phát nặng không còn khả năng lao động nữa, chị đành nhờ sự cưu mang của bà con chòm xóm. Ôm đứa con nhỏ vừa tròn 3 tuổi vào lòng, chị ròng ròng nước mắt, nghẹn ngào: "Từ ngày bị bệnh, có căn nhà, gia đình cũng phải bán để trả nợ tiền thuốc thang, tiền viện phí cho cả hai vợ chồng. Ba mẹ con em phải mượn miếng đất của ông bà dựng tạm căn lều để có chỗ che nắng, che mưa. Mấy năm nay, nhờ các chú biên phòng quan tâm giúp đỡ nên cuộc sống của ba mẹ con cũng đỡ vất vả hơn". Từ tháng 8/2013 đến nay đơn vị đã quyên góp được 210 kg gạo giúp gia đình chị Thúy.

Về vật chất tuy không lớn, nhưng đó là tấm lòng nhân ái của các anh Bộ đội Biên phòng đối với dân, là sự gắn kết tình nghĩa quân dân nơi vùng biển này.

Trung úy Hứa Văn Phúc, Bí thư Chi đoàn Ðồn Biên phòng Trường Long Hòa cho biết, ngoài "hũ gạo tình thương", để có nguồn gây quỹ ủng hộ học sinh nghèo vượt khó, đơn vị đã vận động cán bộ chiến sĩ trong đơn vị và các nhà hảo tâm, ủng hộ giúp đỡ những học sinh nghèo gặp khó khăn trong cuộc sống.

Từ tháng 11/2012 đến nay, đơn vị đã vận động được 10 triệu đồng, giúp đỡ cho ba em học sinh nghèo để các em tiếp tục đến trường. Hằng tháng, mỗi cán bộ hưởng lương sẽ đóng vào quỹ 10 nghìn đồng đối với sĩ quan cấp úy và 20 nghìn đồng đối với sĩ quan cấp tá. Ngoài ra đơn vị còn đóng cái hòm, có ghi rõ Quỹ ủng hộ học sinh nghèo hiếu học đặt tại ba nơi để mọi cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và các nhà hảo tâm trên địa bàn tự nguyện đóng góp. Hằng quý, tổ phụ trách kiểm tra và tổng hợp số tiền thu được báo cáo chỉ huy đơn vị để bổ sung vào quỹ.

"Bộ đội Cụ Hồ" - tên gọi bình dị nhưng vô cùng cao quý mà nhân dân đã dành cho quân đội ta. Nói đến truyền thống Bộ đội Cụ Hồ không thể không nhắc đến truyền thống đoàn kết "quân với dân như cá với nước". Trong mấy chục năm qua, hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ luôn luôn gần gũi, thân thương và tỏa sáng trong lòng nhân dân.

Cùng với tuổi trẻ cả nước, thanh niên quân đội vẫn đang tiếp tục rèn luyện, phấn đấu, viết tiếp những ước mơ và khát vọng cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, viết tiếp những chiến công mới của bộ đội thời bình, xứng danh thế hệ trẻ thời đại Hồ Chí Minh như các cán bộ chiến sĩ biên phòng đã và đang làm trên mảnh đất Trường Long Hòa, tỉnh Trà Vinh anh hùng.

Tin liên quan

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Sinh thời, Bác Hồ đã sớm nhận thấy vị thế của ngành than là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, tạo bước đà cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước vững mạnh, giàu đẹp. Chính vì thế, Người đã luôn chú ý và dành nhiều sự quan tâm cho vùng mỏ nói chung, ngành than nói riêng.
Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.