Thành công nhờ lòng đam mê

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN

Thứ Ba, 31/07/2018 04:29
Sinh ra nơi miền quê chủ yếu là núi đá, đồi trọc, đất sản xuất nông nghiệp không nhiều, Vàng Thìn Nghì cũng như bao chàng trai người dân tộc Bố Y ở xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ (Hà Giang) luôn trăn trở làm gì để thoát nghèo.
Anh Vàng Thìn Nghì (thứ hai từ trái qua) chia sẻ kinh nghiệm trồng cây đương quy.
Anh Vàng Thìn Nghì (thứ hai từ trái qua) chia sẻ kinh nghiệm trồng cây đương quy.

Câu trả lời được hé mở từ năm 2015, khi anh thuê ba héc-ta đất nông nghiệp để trồng đương quy. Mỗi năm lại mở rộng diện tích, hiện nay gia đình anh có 15 ha trồng loại dược liệu quý này; tạo việc làm cho gần 100 người dân địa phương, có mức lương bình quân 4,5 triệu đồng/tháng đối với lao động thường xuyên. Anh được kết nạp vào Ðảng, là tấm gương sáng của tỉnh trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, được vinh danh trong Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc tổ chức tại Hà Nội.

Trong nắng chiều như đổ lửa, anh Vàng Thìn Nghì vẫn hào hứng dẫn chúng tôi đi thăm khu trồng cây dược liệu mà hơn ba năm qua, gia đình đã "đổ mồ hôi, sôi nước mắt". Anh nói, khi bắt tay vào trồng cây đương quy, biết bao nhiêu khó khăn, nhưng được cán bộ xã động viên, các anh chị làm khuyến nông ở huyện hướng dẫn kỹ thuật, cho nên gia đình mạnh dạn làm. Anh thuê ba lao động thường xuyên, khi vào thời vụ thuê thêm năm người nữa mới đủ sức cho công việc vô cùng mới mẻ này. Năm đầu tiên, gia đình anh lãi 200 triệu đồng; chi trả cho mỗi lao động thuê thường xuyên ba triệu đồng/tháng. Mức thu nhập ấy với vùng cao này là điều mơ ước hiếm người làm được. Qua bước "vạn sự khởi đầu nan", năm 2016, anh đầu tư trồng 10 ha. Khó khăn mới nảy sinh là vốn. Ðược cán bộ xã hướng dẫn làm thủ tục, anh vay 500 triệu đồng theo chính sách của tỉnh về khuyến khích các hộ dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và mở rộng vùng cây dược liệu. Năm 2017, gia đình tiếp tục thuê đất với giá theo quy định 30 triệu đồng/năm, trong 5 năm; liên kết sản xuất, mở rộng diện tích lên 15 ha, thuê 15 lao động thường xuyên và 50 lao động thời vụ; trừ các khoản chi phí, thu nhập bảy trăm triệu đồng.

Nói về quá trình đưa cây dược liệu lên Hà Giang, anh Vàng Thìn Nghì cho biết, khoảng 16 - 17 năm trước, những loại cây như đương quy, tam thất, atiso, giảo cổ lam, hà thủ ô bắt đầu được trồng ở các huyện Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Xín Mần. Nhưng sau đó, một số doanh nghiệp phải bỏ cuộc vì điều kiện đi lại xa xôi, chi phí vận chuyển lớn, đồng bào chưa quen với cách trồng, chăm sóc các loại cây này, hiệu quả kinh tế thấp. Nhiều hộ gia đình cũng khó khăn vì những dự án dở dang ấy. Năm 2012, tỉnh quyết tâm trồng bằng được các loại cây dược liệu, rau quả trên một số vùng có điều kiện thuận lợi. Tốt nghiệp trung cấp nông nghiệp từ năm 2001, chủ trương của tỉnh tạo cho anh Vàng Thìn Nghì thêm động lực để tiếp tục theo đuổi việc trồng cây đương quy. Như anh tâm sự, để vượt qua khó khăn, trình độ chuyên môn chưa đủ mà phải có lòng đam mê, cộng với quyết tâm thoát nghèo. Cứ nghe nói ở đâu trồng cây dược liệu, nhất là đương quy hiệu quả tốt là anh đến tận nơi xem họ trồng, chăm bón như thế nào để học hỏi. Giờ đây, ở tuổi gần 40, đủ trải nghiệm để chắt lọc kinh nghiệm từ người khác, cùng với vốn liếng học được ở trường, anh xác định những bước đi chắc chắn, không chỉ cho gia đình mà còn hỗ trợ đồng bào địa phương làm theo. Song thách thức mới lại đặt ra. Trước đây sản lượng chưa nhiều, cho nên không lo việc tiêu thụ, nay mỗi năm gia đình anh có khoảng 60 tấn thì bán ở đâu lại là bài toán không đơn giản. Những ngày đầu tháng bảy nắng nóng, anh vẫn xuống Hà Nội tìm đầu ra cho sản phẩm. Anh tâm sự, cố gắng tìm bằng được nơi bán, nếu không sẽ khó mở rộng sản xuất. Mỗi lần đi như vậy, ít nhất mình cũng hiểu thị trường dược liệu đang cần gì, yêu cầu chất lượng sản phẩm ra sao, từ đó có hướng làm cho chắc.

Gặp anh không nhiều, nhưng những suy nghĩ của Vàng Thìn Nghì về sản xuất, về cách nghĩ, cách sống rất đáng trân trọng. Anh bộc bạch, mình là đảng viên cho nên không thể chỉ lo cho gia đình, mà còn phải giúp bà con cùng làm để thoát nghèo. Như thế mới vui. Ðược biết, anh đã hỗ trợ một số gia đình trong xã trồng cây dược liệu, như các hộ Vàng Xín Chủ, Cáo Thìn Séng, Vương Ngọc Xuân. Mỗi hộ trồng 1 ha cây đan sâm; vận động các hộ liên kết sản xuất; thu mua toàn bộ sản phẩm bà con làm ra để họ yên tâm. Trong các buổi họp chi bộ, họp thôn, anh thường nêu vấn đề về trồng, tiêu thụ cây dược liệu để cùng trao đổi, tháo gỡ khó khăn. Vì thế, gia đình nào cũng xem anh là một trong những chỗ dựa của chương trình phát triển cây dược liệu ở địa phương.

Theo Bí thư Huyện ủy Quản Bạ Hoàng Ðình Phới, việc trồng cây dược liệu ở xã Quyết Tiến đang có nhiều hứa hẹn. Ðây là một trong những chương trình hành động của Huyện ủy thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người lên thăm Hà Giang tháng 3-1961, đó là các dân tộc phải đoàn kết chặt chẽ, ra sức tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để làm cho mọi người ấm no.

Tin liên quan

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Sinh thời, Bác Hồ đã sớm nhận thấy vị thế của ngành than là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, tạo bước đà cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước vững mạnh, giàu đẹp. Chính vì thế, Người đã luôn chú ý và dành nhiều sự quan tâm cho vùng mỏ nói chung, ngành than nói riêng.
Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.