Thanh Hóa chủ động, sáng tạo trong làm theo lời Bác Hồ

Bài, ảnh: Mai Luận

Thứ Tư, 02/03/2011 21:15
Người đàn ông có vóc người nhỏ bé tiếp chuyện tôi chân thành, mộc mạc. Quê ông ở xã Ba Trúc, huyện Ðịnh Biên, tỉnh An Giang. Năm 1954, Phan Thành Ðông tập kết ra miền bắc, đóng quân ở Thanh Hóa rồi trở vào mặt trận phía nam chiến đấu. Bị thương nên năm 1970, ông được chuyển về Nông trường Sông Âm thuộc huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) xây dựng, phát triển nông trường.

Tình cờ tại đây, ông gặp lại Phan Thị Mai, người đồng đội từng có dịp làm quen trên nẻo đường chiến dịch và tình yêu lứa đôi đã nhân lên niềm vui, hạnh phúc. Hai ông bà không có con, khi về hưu ông định cư tại quê vợ ở thôn Cao Nguyên, xã Ngọc Khê, huyện Ngọc Lặc. Thôn Cao Nguyên không xa trung tâm huyện lỵ nhưng ngăn cách bởi khe suối và lòng hồ Cống Khê.

Mùa mưa học sinh phải vượt lũ đến trường cho nên tai nạn luôn rình rập. Tích cóp được hai chỉ vàng, ông bàn với vợ bán đi, tiết kiệm trong chi tiêu hằng ngày hùn thêm được gần 10 triệu đồng làm cầu cho học sinh qua lại. Tiếp đó, ông đưa ra chi bộ, Hội Cựu chiến binh bàn bạc, huy động thêm nguồn lực để xây dựng cây cầu vững chắc, kéo dài đoạn đường đổ bê-tông. Bây giờ không chỉ học sinh mà hàng trăm người dân ở thôn Cao Nguyên có thể đi lại thuận lợi, an toàn.

Ðến Trường THCS dân tộc nội trú huyện Ngọc Lặc, chúng tôi được biết: Việc Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở đây được cụ thể hóa thành phương châm hành động 'kỷ cương-tình thương-trách nhiệm' mỗi thầy giáo, cô giáo luôn nêu gương tự học, sáng tạo cho học sinh noi theo. Trường có học sinh Bùi Văn Tuyên ở xã Mỹ Tân bị bệnh nặng nhưng gia cảnh khó khăn. Tổng phụ trách đội Phạm Thị Hà phát động tập thể học sinh, giáo viên tiết kiệm những khoản chi không cần thiết trong sinh hoạt hằng ngày, quyên góp được ba triệu đồng trợ giúp gia đình chữa trị cho Tuyên. Giáo viên luôn quan tâm giúp học sinh trong học tập, rèn luyện, sinh hoạt hằng ngày.

Ðồng chí Quách Văn Khơi, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Ngọc Lặc khẳng định: Việc 'Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh' là công việc hằng ngày gắn liền với rèn luyện, phấn đấu của mỗi cá nhân, được vận dụng phù hợp với mỗi điều kiện, hoàn cảnh, vị trí, nhiệm vụ cụ thể. Ngoài những chuyển biến tích cực trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, lề lối, tác phong công tác, nền nếp làm việc của bộ máy cấp ủy, chính quyền từ huyện xuống cơ sở; việc làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ ở khu vực nông thôn thể hiện khá đa dạng, sinh động.

Ðến tiểu khu 2, thị trấn huyện Tĩnh Gia chúng tôi nhận thấy: Mỗi tập thể, cá nhân chủ động, tự lựa chọn cho mình phần việc phù hợp làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Nhiều năm nay, cụ Lê Xuân Thân sưu tầm tư liệu, những bài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, rồi sắp xếp theo chủ đề, đóng thành ba bộ sưu tập cho con cháu, người có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu. Ông còn là người khởi xướng việc quyên góp xây dựng tủ sách về Bác Hồ và mới đây nhân dân trong khu phố tự nguyện đóng góp xây dựng, đưa vào sử dụng phòng đọc sách báo trị giá gần 50 triệu đồng, diện tích sử dụng khoảng 30 m2. Hiện phòng đọc có gần một nghìn tài liệu cùng một số đầu báo, trung bình  mỗi buổi có hơn mười lượt người đến tham khảo tài liệu vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần.

Em Lê Thị Phú, học sinh lớp 12 B9, Trường THPT Tĩnh Gia V bộc bạch: Em thường đến đây tham khảo tài liệu phục vụ học tập môn lịch sử Ðảng, dự thi tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Bác. Nguồn dữ liệu còn bổ sung cho em vốn tri thức, hiểu biết về tư tưởng Hồ Chí Minh cùng cơ sở lý luận, thực tiễn về đường lối đổi mới do Ðảng ta khởi xướng, lãnh đạo. Bí thư Chi bộ Nguyễn Văn Sung thông tin thêm: Cùng với việc huy động các nguồn đóng góp, hỗ trợ, bổ sung cơ sở dữ liệu về  Ðảng, Bác Hồ, chi bộ phát động toàn dân kể chuyện về Bác; đồng thời tổ chức đa dạng các phương thức truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và chuyển hóa nhận thức thành hành động cụ thể của các tầng lớp nhân dân trong học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Kết quả tiểu khu 2 được công nhận là khu dân cư tiên tiến với 86% số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Nhân dân trong khu phố luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quan tâm giúp nhau trong lao động, học tập, công tác, sinh hoạt hằng ngày, giữ  gìn an ninh trật tự, xây dựng khu dân cư sạch, đẹp.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vốn là nhu cầu tự thân, việc làm thường xuyên, liên tục của mỗi tập thể, cá nhân. Quá trình triển khai, thực hiện Cuộc vận động góp phần bổ sung hệ thống dữ liệu, tăng cường nhận thức cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân về tư tưởng đạo đức của Người. Bốn năm qua, Thanh Hóa đã tổ chức hơn 10 nghìn lớp quán triệt nội dung các chuyên đề về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, thu hút 95% số cán bộ, đảng viên, 81% số quần chúng tham gia học tập và hơn 93% số cán bộ, đảng viên viết thu hoạch sau  mỗi đợt học tập. Mỗi tập thể, cá nhân luôn chủ động lựa chọn phần việc, tự đề ra các chỉ tiêu phấn đấu làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ.

Mặt khác, trong tổ chức, thực hiện Cuộc vận động các cấp, các ngành chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, chuyển mạnh từ học tập sang làm theo tấm gương của Bác về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, sửa đổi lề lối làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Các tổ chức cơ sở đảng còn gắn việc làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ với thực hiện Di chúc của Người cùng tâm nguyện, mong muốn của Bác Hồ đối với Ðảng bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Cái được lớn hơn là quần chúng nhân dân có nhiều việc làm thiết thực, tâm huyết, trách nhiệm, tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh cũng như thực hành làm theo lời Bác.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Thanh Hóa: Qua bốn năm thực hiện Cuộc vận động đã có hàng chục nghìn việc làm tốt, hơn 4.000 tập thể, cá nhân tiêu biểu làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, được các cấp biểu dương, khen thưởng. Ở khắp các địa phương, vùng, miền, mỗi cơ quan, đơn vị việc làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh được cụ thể hóa trong các phong trào thi đua như phong trào 'Thanh niên làm theo lời Bác', 'Cuộc vận động hai không' và phong trào '5 nhất, 3 không' ở Ðảng bộ quân sự tỉnh hay sáng kiến xây dựng 'Quỹ đùm bọc' trong sinh viên Trường đại học Hồng Ðức, 'Hũ gạo nghĩa tình đồng đội' của cán bộ, chiến sĩ đảo Mê, 'Ống tiền tiết kiệm', 'Hũ gạo tình thương cho phụ nữ nghèo'...

Tất cả minh chứng sự phát triển về diện rộng, chiều sâu cùng hiệu quả thiết thực của Cuộc vận động lớn, tô đậm thêm truyền thống đạo lý của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam và  khẳng định: Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh luôn là động lực, nền tảng tinh thần của xã hội.

Tin liên quan

Nơi hội tụ và lan tỏa sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Nơi hội tụ và lan tỏa sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, với lòng biết ơn vô hạn vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, đặc biệt là đồng bào, chiến sĩ miền nam, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã ra quyết định bảo vệ, bảo quản và giữ nguyên trạng nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch.
Vùng quê cách mạng làm theo lời Bác

Vùng quê cách mạng làm theo lời Bác

Mấy ngày qua, nhiều đoàn cán bộ, học sinh, sinh viên, nhân dân ở các xã, thị trấn trong và ngoài huyện Vĩnh Lợi đến viếng, thắp hương, báo công với Bác Hồ tại Đền thờ Bác ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu).
Học tập và làm theo Bác Hồ đã trở thành nét đẹp văn hóa

Học tập và làm theo Bác Hồ đã trở thành nét đẹp văn hóa

Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" là sự tiếp nối, kế thừa và phát huy kết quả đạt được của các giai đoạn trước.
 Hồ Chí Minh - Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh

Hồ Chí Minh - Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh

Mùa Xuân Tân Sửu 1961, Bác Hồ có Thơ mừng năm mới gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, trong đó Người viết: “Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”. Đó là mùa xuân đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội III (tháng 9/1960) của Đảng, đẩy mạnh cách mạng giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc vì cuộc sống ấm no, sung sướng, hạnh phúc của nhân dân.